Trong những năm gần đây, tình hình nuôi tôm trên địa bàn Bình Định ngày càng xảy ra nhiều dịch bệnh. Làm thế nào để hạn chế vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Sở Thuỷ sản để tìm câu trả lời.
- Về góc độ quản lý Nhà nước, bà có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến tình hình dịch bệnh tôm ở Bình Định hiện nay?
+ Trong qui trình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh khâu nào cũng quan trọng và có sự ảnh hưởng rất lớn đến nhau. Bởi vậy, nguyên nhân dẫn đến phát sinh dịch bệnh tôm ở Bình Định có rất nhiều, từ con giống đến môi trường nuôi, thức ăn, vấn đề kỹ thuật… Thế nhưng hiện nay, điều lo ngại và ảnh hưởng nhiều nhất đến tình hình dịch bệnh tôm của Bình Định, đó là môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm nặng mà nguyên nhân chủ yếu đó là vấn đề thuỷ lợi không đảm bảo. Nếu giải quyết tốt khâu thủy lợi thì sẽ cải tạo được môi trường nuôi tốt và hạn chế được tình hình dịch bệnh tôm phát sinh như hiện nay.
- Do đâu dẫn đến thực trạng hệ thống thuỷ lợi làm môi trường nuôi tôm ô nhiễm như hiện nay, thưa bà?
+ Nghề nuôi tôm ở Bình Định đã có từ lâu đời với hình thức nuôi quảng canh. Cho đến khi phát triển theo hướng thâm canh, bán thâm canh thì hiện trạng hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi vẫn không được đầu tư, cải tạo lại cho phù hợp. Đa số người nuôi tôm chỉ đầu tư trong hệ thống ao nuôi của mình, còn hệ thống cấp thoát nước cho cả vùng thì không được chú ý; Nhà nước cũng chưa đầu tư cho những công trình này. Đến nay, hầu hết tại các vùng nuôi tôm chuyên canh tập trung trong tỉnh chưa có hệ thống cấp thoát nước trong vùng, trong khi đó diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh ngày càng tăng làm cho các vùng nuôi tôm ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc cấp, thoát nước dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm. Hiện một số vùng nuôi tôm phát triển mạnh đều gặp phải khó khăn này, có thể nói là rơi vào tình trạng bế tắc, như Huỳnh Giản (Phước Hoà- Tuy Phước), Mỹ Chánh (Phù Mỹ, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn)… năm nào cũng xảy ra dịch bệnh.
- Giải pháp của ngành để khắc phục tình trạng này là gì?
+ Về trước mắt, trong khi chưa tiến hành đầu tư cải tạo lại được hệ thống thuỷ lợi thì ngành chỉ đạo và khuyến cáo với bà con cần nghiêm túc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong qui trình sản xuất. Mật độ thả nuôi phải phù hợp với điều kiện ao và trình độ kỹ thuật quản lý của người nuôi. Các ao nuôi thâm canh không nên thả mật độ quá 35 con/m2, để hạn chế chất thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, ngành đã chỉ đạo những người nuôi tôm trong vùng hình thành các nhóm, tổ, chi hội nuôi tôm… để tiến hành phương thức quản lý sản xuất cộng đồng, tránh tình trạng thải chất thải ra môi trường nhiều làm cho môi truờng vùng nuôi ngày càng bị ô nhiễm thêm. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tiến hành xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm dịch thú y thuỷ sản và hệ thống các trạm kiểm dịch tại các huyện để giúp bà con trong việc kiểm tra môi trường, bệnh tôm… Về mùa vụ nuôi, chúng tôi chỉ đạo và khuyến cáo bà con thả nuôi tôm 1 vụ, thời gian còn lại thả nuôi các loại khác như cá mú, rô phi đơn tính, rong câu… để góp phần cải tạo môi trường.
Còn về lâu dài, ngành sẽ phối hợp với các địa phương triển khai các dự án cải tạo, đầu tư lại hệ thống thuỷ lợi cho các vùng nuôi tôm. Song song đó, ngành tiếp tục triển khai các chương trình quan trắc môi trường, trồng rừng ngập mặn, đa dạng hoá đối tượng nuôi góp phần cải tạo lại hệ sinh thái môi trường.
- Xin cảm ơn bà !
. Ngọc Thái
|