Chuyện kể rằng, văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn vốn là một sinh viên du học ngành thuốc ở Nhật. Thuở ấy, thấy dân Trung Hoa (đang bị các đế quốc xâu xé, thống trị) quá nhiều khổ ải, bệnh tật, chàng trai Lỗ Tấn đã chọn ngành y với ước vọng về nước chữa bệnh cho dân. Nhưng ngay khi ở Nhật, khi xem một đoạn phim, thấy một người Trung Hoa to khỏe bị quân Nhật trói đem ra chém để thị chúng, còn chung quanh là những người Trung Hoa khác cũng to khỏe nhưng vẻ mặt rất đần độn đứng vây quanh để thưởng thức, Lỗ Tấn đã nhận ra rằng, căn bệnh nan y của xã hội Trung Hoa hồi ấy chưa phải là căn bệnh thể chất và quan yếu hơn, là căn bệnh tinh thần. Lỗ Tấn bèn chuyển sang làm báo, viết văn để góp phần chữa căn bệnh ấy. Và trong các áng văn xuất sắc mà Lỗ Tấn để lại có tác phẩm A.Q Chính truyện đã phát hiện, mổ xẻ một cách sắc nét cái “phép thắng lợi tinh thần”, sự thắng lợi đầy ảo tưởng và tự huyễn hoặc đã kìm hãm xã hội Trung Hoa phát triển.
Vâng, khi đi tìm những nguyên nhân khiến một xã hội phát triển hay đang trì trệ, người ta thường tìm những nguyên nhân chủ quan, khách quan mà nhiều khi quên mất rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là ở tâm lý, tính cách của con người. Tâm lý, tính cách tưởng như chẳng dính dáng gì đến sự phát triển, lại gắn bó hữu cơ, biện chứng đến sự phát triển. Tâm lý, tính cách của một con người, một địa phương, một dân tộc có thể hoặc thúc đẩy, hoặc kìm hãm sự phát triển. Ngược lại, chính sự phát triển cũng tác động lại với tâm lý, tính cách, chẳng hạn trong thế giới hiện đại buộc tác phong con người ta phải nhanh nhẹn, chính xác, gọn gàng, không chậm rãi, rê ra trong cả lao động lẫn sinh hoạt như thời sản xuất thủ công. Từ đặc điểm địa lý, lịch sử, nhất là từ trình độ phát triển, trình độ học vấn mà mỗi dân tộc, mỗi địa phương, mỗi con người có cả những tâm lý, tính cách tốt đẹp của truyền thống, phù hợp với xu thế phát triển, và cả những nét tâm lý, tính cách không phù hợp với sự phát triển. Bác Hồ nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, nên Người đã phát động phong trào “diệt dốt”. Ta giương cao khẩu hiệu “tri thức là sức mạnh” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nói cho cùng đều có căn nguyên của lịch sử. Phép thắng lợi tinh thần của A.Q. suy cho cùng là sản phẩm của hàng ngàn năm áp bức của phong kiến Trung Hoa, ở đó người nông dân không còn nhúc nhích được và cũng không còn có ý nghĩ phải nhúc nhích, nảy sinh những nét tâm lý kỳ quặc, tiêm nhiễm cả những thói hư tật xấu của giai cấp phong kiến thống trị đã áp bức họ. Nhiều khi những nét tâm lý, tính cách ấy mặc nhiên tồn tại nhưng người trong cuộc lại rất khó thấy. Giáo sư Trần Đình Hượu, một nhà nghiên cứu Nho học, trong những buổi nói chuyện thường hay nhắc việc có những người thường phê phán phong kiến, song trong cách xử sự lại tham quyền cố vị, quá coi trọng quyền chức của bản thân mình, chính là một tàn dư phong kiến mà những người đó không nhận ra.
Chúng ta thường nói nhiều đến những truyền thống tốt đẹp của địa phương ta, của dân tộc ta. Quả điều ấy là cần, nhưng chưa đủ. Để có điều kiện đủ, rất nên tìm ra những nhược điểm trong tâm lý, tính cách của con người ở mỗi địa phương, của dân tộc. Khi viết A.Q. Chính truyện, Lỗ Tấn không nhằm chế giễu người nông dân Trung Hoa mà nhằm mổ xẻ, trị liệu cho người nông dân hoặc để người nông dân thấy mà tự trị liệu. Nhận ra những nhược điểm trong tâm lý, tính cách và tìm cách khắc phục chính là thái độ tích cực thúc đẩy sự phát triển.
Đã có nhiều công trình xây dựng lớn ở nước ta kém chất lượng, nó qua mặt được cả người thiết kế, người duyệt thiết kế, người giám sát thi công, người nghiệm thu. Phải chăng ở đây đã tồn tại những nét tâm lý, tính cách tạm bợ, ăn xổi ở thì? Có những địa phương nghèo, dân đầy ý chí trong lao động, học tập và chiến đấu, nhiều nhân tài nhưng ở quê thì chẳng làm được gì, đành chuyển đến quê hương khác, còn ở quê thì vẫn cứ lẻo đẻo trì trệ. Phải chăng ở đây đã tồn tại óc hẹp hòi? Có những nơi thiên nhiên ưu đãi, có thể phát triển mạnh, nhưng chỉ “tuần tự nhi tiến”, không tạo nên được một bước đột khởi nào. Phải chăng ở đây đã tồn tại tâm lý cầu an, tự mãn? Dù chưa thể khẳng định nhưng những điều như trên chúng ta cần hết sức quan tâm suy nghĩ. Các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà tổ chức, các nhà hoạch định chính sách và cả xã hội phải quan tâm suy nghĩ. Giữa tâm lý, tính cách với sự phát triển không hề tách rời nhau. Chúng có quan hệ rất mật thiết với nhau.