Như Báo Bình Định đã phản ảnh, trong thời gian qua việc thu mua mía nguyên liệu của Công ty cổ phần đường Bình Định chậm trễ, đã gây khó khăn cho người trồng mía. Vậy nguyên nhân của sự ách tắc là do đâu? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Liễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Bình Định.
* Thưa ông, vì sao lại có sự ách tắc trong công tác mua mía nguyên liệu thời gian qua?
- Sở dĩ có việc chậm trễ trong công tác thu mua mía nguyên liệu là do thời tiết năm nay ở Bình Định nắng nóng kéo dài, đã hơn 3 tháng trên địa bàn tỉnh không có mưa làm cho diện tích mía ở các địa phương chín rất nhanh. Mùa thu hoạch mía năm nay mía chín tập trung vào thời điểm cuối vụ, nên đã tạo áp lực rất lớn cho công tác thu mua mía nguyên liệu của nhà máy. Công suất chạy tối đa của nhà máy mỗi ngày chỉ ép được 1.700 tấn mía nguyên liệu, nhưng chúng tôi đã cố gắng nâng lên tới hơn 2.000 tấn/ngày, vẫn không thể thu mua mía hết cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, một khó khăn cũng khá bức bách cho công tác thu mua mía nguyên liệu năm nay là phương tiện để vận chuyển mía đến nhà máy. Các năm trước, những vùng mía nguyên liệu ở gần nhà máy như An Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, nhà máy chủ yếu dùng phương tiện xe độ chế để vận chuyển, thì năm nay Chính phủ triển khai thực hiện an toàn giao thông cấm loại phương tiện này lưu thông đã tạo không ít khó khăn. Ngoài ra, giá xăng dầu lại tăng trong khi giá cước vận chuyển không tăng, làm cho nhiều chủ xe không muốn tham gia vận chuyển mía…
* Nhiều nông dân trồng mía thắc mắc rằng, hiện nay Nhà máy đường thực hiện việc chi trả tiền bán mía cho nông dân rất chậm, vì sao như vậy ?
- Vấn đề này chúng tôi xin được giải thích như sau: Những năm trước, Nhà nước cho Nhà máy đường cấp hóa đơn thanh toán nội bộ cho nông dân, nghĩa là sau khi nông dân bán mía cho nhà máy chúng tôi sẽ tiến hành chi trả tiền ngay. Mới đây, Nhà nước có chủ trương là nhà máy phải cấp hóa đơn đỏ đến người nông dân. Do vậy, theo yêu cầu mới đòi hỏi nhà máy phải thực hiện ghi phiếu thu chi một cách nghiêm ngặt, phải cấp hóa đơn theo mã số thứ tự, người nông dân phải ký một lúc tới 3 hóa đơn thay vì một hóa đơn trước đây. Bên cạnh đó, trong khi bán mía có nông dân muốn thanh toán tiền ngay, nhưng cũng có nông dân bán mía sau thời gian mới lấy tiền, vì vậy công tác chi trả tiền cho nông dân trong thời gian có hơi chậm so với trước đây.
* Có thông tin cho rằng, hiện nay giá đường trong nước đang giảm mạnh, nên đã làm cho nhà máy hạn chế thu mua mía nguyên liệu, theo ông thông tin này xác đáng đến mức nào ?
- Tôi xin khẳng định là hoàn toàn không có việc này. Trước đây, nhà máy chúng tôi đã tiến hành ký hợp đồng thu mua mía cho nông dân ở mức giá sàn 200.000 đồng/tấn và điều này đến nay là không có gì thay đổi. Theo kế hoạch trong vụ này, nhà máy sẽ thu mua 250.000 tấn mía nguyên liệu, và đến ngày 21-4, chúng tôi đã thu mua được 215.000 tấn, xấp xỉ kế hoạch đề ra. Theo tính toán, trên đồng mía hiện chỉ còn lại chừng 30.000 tấn mía nguyên liệu, với lượng mía như vậy chúng tôi sẽ thu mua dứt điểm trong vòng khoảng 15 ngày tới.
* Với “sự cố” trong thu mua mía nguyên liệu vừa qua, Công ty có những biện pháp khắc phục như thế nào để việc thu mua mía cho nông dân được tốt hơn ?
- Sự chậm trễ trong thu mua mía nguyên liệu thời gian qua đã gây tâm lý căng thẳng cho bà con nông dân, chúng tôi lấy làm tiếc về việc này. Do vậy, để tạo sự an tâm cho người trồng mía, vừa qua, chúng tôi đã tiến hành làm việc với lãnh đạo các huyện, bà con nông dân vùng nguyên liệu để bàn biện pháp tháo gỡ. Trước mắt, chúng tôi tập trung các phương tiện xe cộ ưu tiên thu mua những diện tích mía đã chín, các diện tích mía trên đất khô hạn để giải quyết kịp thời những bức bách cho bà con nông dân. Tại nhà máy, chúng tôi tập trung toàn bộ lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân có kinh nghiệm để thường xuyên trực trên máy tăng công suất. Trong chi trả tiền mía cho nông dân, để thực hiện một cách nhanh chóng, vừa qua chúng tôi đã xin ý kiến của Chi cục thuế cho phép nhà máy làm hóa đơn tự hủy. Thời gian tới việc này sẽ được chấn chỉnh kịp thời.
* Xin cảm ơn ông !
. Nguyễn Hân
(Thực hiện)
|