Tại xã Cát Hiệp (Phù Cát), Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã trình diễn thành công mô hình sản xuất điều công nghệ cao. Bằng phương pháp này, chỉ sau thời gian 26 tháng sản xuất, vườn điều tại Cát Hiệp đã có thể cho năng suất đạt 3 tấn hạt/ha. Để giúp nông dân hiểu rõ hơn về mô hình mới này, chúng tôi đã trao đổi với PGS-TS Tạ Minh Sơn, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam.
* Thưa PGS, ông có thể cho biết sản xuất điều công nghệ cao được thực hiện như thế nào?
- Có thể hiểu đơn giản sản xuất điều công nghệ cao là sản xuất theo phương pháp thâm canh. Trước đây nông dân trồng điều rất thưa, chừng 200-300 cây/ha, điều trồng từ hạt, không tưới nước, bón phân…, nên năng suất rất thấp. Còn sản xuất điều theo công nghệ cao là phải chọn những giống điều ghép chất lượng tốt, nhân giống từ những giống điều đầu dòng, trồng mật độ dày từ 1.000 đến 1.100 cây/ha. Khâu chăm sóc phải thường xuyên tạo nhánh, tỉa cành, bón phân, phun thuốc trừ sâu, tưới nước cho cây trong lúc cây ra hoa kết trái…
* Thưa PGS, liệu mô hình sản xuất điều công nghệ cao có phù hợp với điều kiện đất đai ở Bình Định hiện nay?
- Tất cả các vùng đất đều có thể áp dụng được mô hình sản xuất điều công nghệ cao. Riêng tại Bình Định có những vùng đất rất khô cằn, đất cát pha bạc màu khó có cây gì phát triển được, nên càng phải áp dụng mô hình sản xuất điều công nghệ cao để nâng cao năng suất. Ưu điểm trồng điều mật độ dày là góp phần che phủ được toàn bộ diện tích đất, chống xói mòn, rửa trôi, bốc hơi nước…, làm cho cây điều phát triển tốt hơn. Qua mô hình trình diễn điều công nghệ cao ở tại Cát Hiệp (Phù Cát) đã khẳng định được điều đó. Với chân đất cát nghèo dinh dưỡng nhưng với mô hình sản xuất điều công nghệ cao đã đem lại năng suất rất cao. Chỉ sau 26 tháng trồng, đến nay điều ở đây đã cho năng suất từ 2,5-3 kg/cây. Tính ra, 1 ha điều trồng mật độ dày 1.000 cây/ha, kèm các biện pháp thâm canh mang lại năng suất khoảng 3 tấn/ha, cao gần gấp 10 lần so với trồng bình thường. Với giá hạt điều hiện nay khoảng 9.000-9.500 đồng/kg, mỗi năm nông dân có thể có thu nhập trên 20 triệu/ha. Càng về sau, cây điều càng cho năng suất cao hơn nữa.
* Nhưng chi phí để sản xuất điều công nghệ cao liệu có quá tầm tay của người nông dân?
- Không có gì là quá cao. Theo ước tính của chúng tôi, với mô hình sản xuất điều công nghệ cao vừa qua tại Cát Hiệp chi phí sản xuất chỉ chiếm chừng 25% tổng giá trị thu nhập. Với 1 ha điều, 1 vụ sản xuất cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng, thì chi phí chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, còn lại số lợi nhuận theo tôi là rất cao.
* Như vậy, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải thay đổi nhận thức của người nông dân?
- Đúng thế! Qua mô hình trình diễn vừa rồi tại xã Cát Hiệp (Phù Cát) đã chứng minh điều đó. Do vậy, phải làm thế nào để thay đổi được nhận thức của người nông dân trong việc sản xuất điều hiện nay. Người nông dân phải mạnh dạn chuyển đổi phương pháp sản xuất, mới có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây điều mới thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người nông dân. Còn cứ theo phương pháp sản xuất điều cũ, năng suất đạt từ 300 –500 kg/ha thì khó mà làm giàu được.
* Xin cảm ơn PGS!
. Nguyễn Hân |