Phát triển chăn nuôi bò sữa là một trong những chương trình trọng điểm thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi trong thời kỳ 2001-2005 đến 2010 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI của tỉnh Đảng bộ.
Với mục tiêu đến 2005 toàn tỉnh Bình Định có 5.000 con bò sữa, sản lượng sữa 3.500 tấn và năm 2010 đạt trên 13.000 con bò sữa với sản lượng sữa trên 16.000 tấn/năm, đến tháng 3-2003 toàn tỉnh đã đạt trên 1.300 con bò sữa, kế hoạch đến cuối 2003 đạt 2.500 con với sản lượng sữa 750 tấn. Năng suất sữa hiện nay đạt bình quân 10 lít/con/ngày, có con đạt năng suất rất cao 18-20 lít/ngày. Tuy nhà máy sữa Quy Nhơn đang xây dựng chưa thu mua chính thức, nhưng với sản lượng sữa khoảng 1,3 tấn/ngày, hiện nay, nông dân vẫn bán hết sữa qua tiêu thụ tại chỗ hoặc bán cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trong tỉnh. Với giá bán sữa bình quân 3.000đ/lít, người chăn nuôi bò sữa có lãi 1.000 – 1.200đ/lít, chưa kể nguồn thu từ bán bê sữa giống khi nuôi đến 12 tháng tuổi là trên 10 triệu đồng/con. Như vậy, chăn nuôi bò sữa là một nghề sản xuất có lãi cao thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Tuy vậy, sau 2 năm phát triển chương trình bò sữa, chúng ta còn gặp một số khó khăn và tồn tại nhất định. Chăn nuôi bò sữa là nghề mới, đòi hỏi kỹ thuật cao và vốn đầu tư lớn, trong khi trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm, vốn đầu tư của nông dân còn yếu. Đất đai dành cho trồng cỏ chăn nuôi bò sữa còn hạn chế, vốn tín dụng đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân để phát triển chăn nuôi bò sữa, nhất là thủ tục để cho vay còn nhiều vướng mắc. Hệ thống dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi thú y, tiêu thụ sữa chưa phát triển đồng bộ, ảnh hưởng đến tính ổn định trong sản xuất chăn nuôi bò sữa hiện nay.
Những khó khăn, tồn tại trên sẽ dần dần khắc phục bằng nhiều giải pháp về đào tạo, huấn luyện, khuyến nông, bằng thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh đã ban hành. Trong đó, chú trọng chuyển giao công nghệ, vốn đầu tư và dịch vụ tiêu thụ sữa, tăng cường hơn nữa đào tạo huấn luyện cho nông dân; xây dựng các mô hình khuyến nông chăn nuôi bò sữa và ứng dụng công nghệ tiên tiến thích hợp về giống, thức ăn, đồng cỏ, thú y, khai thác, bảo quản tiêu thụ sữa để nhân rộng ra sản xuất. Chuyển giao công nghệ tổ chức sản xuất và quản lý trang trại cho các trang trại chăn nuôi bò sữa.
Về tiêu thụ sữa: Với sản lượng sữa 1,3 tấn/ngày như hiện nay thì chưa phải đã khó khăn trong tiêu thụ. Tuy nhiên, về lâu dài, khi sản lượng sữa tăng cao thì sữa nguyên liệu đưa vào nhà máy chế biến tiêu thụ vẫn là chính. Với công suất thiết kế 22 triệu lít sữa thành phẩm/năm, chỉ có nhà máy sữa mới có thể tiêu thụ hết sữa, bảo đảm ổn định đầu ra để chăn nuôi bò sữa phát triển một cách lâu dài và bền vững. Song, vấn đề đặt ra là cần thiết lập cho được mối quan hệ hài hòa giữa nhà máy chế biến sữa và nông dân chăn nuôi bò sữa, thể hiện lợi ích giữa bên mua và bên bán. Trong đó lợi ích cơ bản của bên mua là lợi nhuận đi đôi với chất lượng nguyên liệu để cho sản phẩm ổn định, lợi ích của bên bán là giá cả hợp lý để có lợi nhuận và thuận lợi, ổn định trong tiêu thụ sữa.
Lời giải cho bài toán khó khăn này phải được giải quyết bằng một số giải pháp: Xây dựng mối quan hệ bằng nghĩa vụ và quyền lợi của các bên thông qua hợp đồng kinh tế mà mỗi bên đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Để trang bị cho nông dân chăn nuôi bò sữa có kiến thức đầy đủ, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp đang phối hợp với công ty sữa tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi bò sữa để đạt yêu cầu chất lượng và vệ sinh thực phẩm sữa, từ đó mới đảm bảo sản xuất, chế biến và tiêu thụ sữa ổn định. Các cơ quan chức năng của Nhà nước sẽ hỗ trợ tích cực để thực hiện chính sách đồng bộ và nhất quán khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa, quan tâm chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu sữa, kịp thời phát hiện giải quyết những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sữa cho nông dân; quản lý, kiểm tra, khuyến khích các cơ sở thu mua, chế biến sữa có nghĩa vụ tích cực hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu sữa thực hiện tốt các cam kết với nông dân, tạo điều kiện để nông dân sản xuất tiêu thụ sữa ổn định.
. Võ Thành Tiên
(Phó Giám đốc Sở NN-PTNT)
|