Cuối tháng 4 vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức Hội nghị tập huấn báo chí thông tin tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 13/2002/ NQ-CP: ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông ùn tắc giao thông. Cùng tham dự Hội nghị, phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Công Hà xung quanh vấn đề TTATGT.
* Hiện nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam so với các quốc gia khác như thế nào, thưa ông?
- Năm ngoái, số người chết vì (TNGT) ở Mỹ là 46 ngàn người, Trung Quốc: 90 ngàn người, Ấn Độ: gần 80 ngàn người, Malaysia: 7 ngàn người, Thái Lan: 12 ngàn người. Nếu so sánh tính trên tổng dân số thì tỉ lệ người chết vì TNGT ở Việt Nam xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Nhưng nếu tính số người chết trên số phương tiện cơ giới thì Việt Nam là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới. Năm ngoái, chúng ta đang ở mức 12 người chết vì TNGT/10 ngàn phương tiện giao thông, cao hơn gấp 5 lần mức bình quân của thế giới. Đây cũng đang là “vấn nạn” của các nước đang phát triển nói chung. Hàng năm, trên thế giới, 75% TNGT tập trung ở các nước đang phát triển. Trong khi đó các nước này chỉ chiếm hơn 30% phương tiện giao thông của thế giới.
* Và vì thế nên gần đây chúng ta đã có những giải pháp mạnh? Kết quả đến nay ra sao, sau khi chúng ta đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực này?
- 4 Tháng qua, tình hình TNGT trên phạm vi cả nước giảm cả về số vụ, số người chết, người bị thương. Số người chết vì TNGT giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng ách tắc giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM giảm đáng kể. Tuy chậm, nhưng việc xử lý các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường ở các đô thị cũng có chuyển biến nhất định…
* Theo ông còn những gì bất cập và cần lưu tâm nữa trong việc thực hiện chấn chỉnh lại TTATGT?
- Hiện nay, trên nhiều tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, còn hàng chục ngàn vụ vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ vẫn chưa bị xử lý. Lãnh đạo nhiều địa phương còn thờ ơ trước các sai phạm này, còn phó thác cho ngành chức năng, mà lẽ ra họ phải chịu trách nhiệm đầu tiên trước các vi phạm ấy. 4 tháng qua, dù TNGT có giảm nhiều, nhưng số người chết, người bị thương vì TNGT còn ở mức rất cao. Việc tăng cường các lực lượng bảo đảm TTATGT là cần thiết, tuy nhiên công tác tuyên truyền giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt, mà vai trò của các cơ quan báo chí góp phần đáng kể. Báo chí, công luận cần phải dành sự quan tâm đặc biệt trước “vấn nạn” này, để không chỉ phê phán các vi phạm TTATGT mà còn phải giám sát hoạt động đúng luật pháp của các lực lượng công quyền. Khi các lực lượng chức năng được tăng cường quyền lực (hiện nay điều này là rất cần thiết) thì cũng rất dễ nảy sinh các tiêu cực. Quyền ngăn chặn, phát giác để xử lý các vi phạm này thuộc trách nhiệm của báo chí, công luận.
* Có thể dự báo thế nào về kết quả của năm “An toàn giao thông” này? Trong lĩnh vực này, tỉnh Bình Định cần quan tâm hơn nữa đến điều gì thưa ông?
- Tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước đã, đang và sẽ có những chuyển biến tích cực. Đến hết năm nay, số vụ TNGT, số người chết, người bị thương vì TNGT chắc chắn sẽ giảm nhiều. Tuy nhiên những bất cập như đã nêu trên là rất đáng quan ngại. Bình Định là tỉnh có vai trò đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và cả nước. Tỉnh có 3 quốc lộ chạy qua, theo cả 2 trục Đông-Tây và Bắc-Nam. Tỉnh cũng có đường tàu Bắc-Nam chạy dọc theo chiều dài của tỉnh. Tỉnh còn có cảng lớn và bờ biển dài… Đây là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhưng cũng là nguy cơ tiềm ẩn các TNGT. Đặc biệt, đường Quy Nhơn - Sông Cầu, bây giờ là Quốc lộ 1D do mới làm, đường còn tốt, chạy men theo một vùng biển đẹp, xe chạy qua đây đều ở tốc độ cao, nếu không có các biển báo hạn chế tốc độ, và lực lượng chuyên ngành thường xuyên tuần tra kiểm soát thì rất dễ gây tai nạn. Mà nếu tai nạn ở đây sẽ rất nghiêm trọng. Tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang đường bộ ở Bình Định cũng rất nghiêm trọng. Tỉnh cần quan tâm đến điều đó.
* Cảm ơn ông!
. Cát Hùng
|