Quy hoạch trung tâm xã phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài
17:28', 13/5/ 2003 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, Bình Định đã xúc tiến chiến lược quy hoạch trung tâm xã - cụm xã (TTX-CX) để từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Quy hoạch và tổ chức phát triển khu vực TTX-CX theo quy hoạch là nhằm biến nơi đây thành hạt nhân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả khu vực. Kiến trúc sư Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Sở Xây dựng đã trao đổi với phóng viên Báo Bình Định về ý nghĩa, mục tiêu của chiến lược này.

- Rất nhiều thị trấn, thị tứ đã hình thành và phát triển từ vị trí là trung tâm một xã mà không cần phải có bản quy hoạch nào, xây dựng một chiến lược quy mô như vậy liệu có thật sự cần thiết không, thưa ông?

+ Đúng là trong quá khứ có nhiều thị trấn, thị tứ đã hình thành và phát triển từ vị trí là trung tâm một xã. Nhưng phải thấy rằng đó là một quá trình tự phát, mất rất nhiều thời gian, công sức đầu tư của Nhà nước và xã hội. Những thị trấn, thị tứ ra đời theo cách ấy, phần đông vẫn cần được quy hoạch lại để duy trì khả năng phát triển lâu dài. Việc xúc tiến chiến lược quy hoạch các TTX-CX nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể của cả tỉnh chứ không phải là một kế hoạch riêng lẻ của ngành Xây dựng. Chiến lược này nhằm mục tiêu góp phần làm tăng nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn, hình thành nền công nghiệp hàng hóa lớn phù hợp nhu cầu thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn. TTX-CX xét về mặt địa lý thường là nơi giao nhau của các tuyến giao thông liên thôn, liên xã, tập trung các cơ quan quan quản lý nhà nước, là nơi diễn ra các hoạt động thương mại, dịch vụ, dân số ở vùng trung tâm cũng đông hơn những nơi khác trong xã... TTX-CX là điểm trung gian giữa nông thôn với đô thị, vì vậy nó cần được đầu tư để thực hiện tốt vai trò này. Có thể nói TTX-CX là hạt nhân, là động lực thúc đẩy cả bộ máy kinh tế, văn hóa, xã hội của xã phát triển. Chiến lược thúc đẩy sự thay đổi bộ mặt TTX-CX bắt đầu từ khâu quy hoạch là nhằm xác lập một cách chính xác lộ trình phát triển của nó. Từ quy hoạch đã vạch ra, chính quyền, các ngành và nhân dân có thể tập trung, huy động được nhiều nguồn lực khác nhau để thực hiện mục tiêu đô thị hóa nông thôn. Mặt khác nhờ quy hoạch các công đoạn phát triển, chương trình đầu tư cũng rõ ràng hơn, tránh chồng chéo, tiết kiệm và tránh lãng phí.

- Theo ông, để chiến lược này mau chóng đi vào cuộc sống, cần phải có những điều kiện nào?

+ Từ một vài địa phương mà quy hoạch TTX-CX đã phát huy tác dụng như xã Tam Quan Bắc, Hoài Hương (Hoài Nhơn), xã Nhơn Lộc (An Nhơn)... tôi thấy có rất nhiều điều liên quan đến sự thành công của chiến lược phát triển nông thôn thông qua chương trình quy hoạch TTX-CX, nhưng điều đầu tiên phải kể đến là sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo chính quyền cơ sở. Khi họ ý thức được vai trò quan trọng của vấn đề quy hoạch với phát triển thì thứ tự ưu tiên trong đầu tư cũng chính xác và hợp lý hơn. Khi cán bộ cơ sở đã tin, nhận thức được vấn đề họ sẽ biết cách vận động nhiều nguồn lực đầu tư để thực hiện quy hoạch, ít trông chờ, ỷ lại nhà nước.

- Ngành xây dựng sẽ làm gì để thực hiện những mục tiêu quy hoạch đặt ra?

+ Chắc chắn là một mình chúng tôi thì không thể làm được gì. Quy hoạch của chúng tôi có tham khảo thông tin, số liệu, kết quả điều tra, khảo sát, phân tích, nghiên cứu của nhiều ngành, mặt khác quy hoạch không gian, mặt bằng, vị trí công trình phải phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành liên quan đến công trình ấy. Ví dụ quy hoạch đặt ra việc sẽ xây dựng một ngôi trường, hoặc một điểm sinh hoạt văn hóa tổng hợp... thì để thực hiện mục tiêu quy hoạch phải có sự cộng tác của các ngành Giáo dục-Đào tạo, Văn hóa-Thông tin. Và quan trọng nhất như đã nói là phải được cơ sở ủng hộ. Cũng bởi vì việc thực hiện nội dung quy hoạch sẽ kéo dài trong nhiều năm nên kết quả quy hoạch phải có tầm nhìn xa, có giá trị bền vững.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn nhiều bất cập…  (12/05/2003)
Văn hóa dòng họ và dòng họ văn hóa  (11/05/2003)
Vì sao hệ thống cung cấp nước sinh hoạt Vĩnh An chưa hoạt động?   (06/05/2003)
Phát triển chăn nuôi bò sữa: khả năng và triển vọng  (05/05/2003)
Sân khấu đang cần những kịch bản hay  (04/05/2003)
Mua công trái giáo dục là việc làm vì tương lai !  (02/05/2003)
Sản xuất điều công nghệ cao sẽ mở ra triển vọng cho những vùng đất khô cằn ở Bình Định  (01/05/2003)
Dự án xây dựng các trang web ở Bình Địnhđã được đấu thầu rộng rãi  (30/04/2003)
60% dân cư ở nông thôn sẽ được dùng nước sạch  (29/04/2003)
Nông dân và hội nhập kinh tế  (28/04/2003)
“Số hóa nguồn tài liệu tại Thư viện tỉnh sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc”  (25/04/2003)
Công ty sẽ mua toàn bộ mía nguyên liệu cho nông dân trong 15 ngày tới  (24/04/2003)
Sẽ có chương trình phát thanh tiếng Chăm H'roi  (24/04/2003)
Mỗi tháng sẽ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe môtô cho 15.000 – 20.000 người…  (22/04/2003)
Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhiều dự án theo xu thế phát triển của du lịch Bình Định  (21/04/2003)