Như chúng tôi đã đưa tin, thực hiện quyết định của UBND tỉnh Bình Định, các ngành chức năng của tỉnh đã phát động về Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 3 (2002-2003). Hội thi sẽ nhận hồ sơ các giải pháp, đề tài dự thi đến cuối năm nay. Chúng tôi đã có trao đổi với ông Lê Minh Nghĩa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Bình Định, đại diện cho cơ quan thường trực của Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 3 về Hội thi này.
- Thưa ông! Tỉnh vừa phát động Hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT) toàn tỉnh lần thứ 3 (2002-2003). Ông có thể cho biết mục đích của Hội thi lần này?
+ Mở Hội thi STKT là nhằm tạo môi trường thuận lợi để cán bộ và nhân dân trong tỉnh có thể phát huy sức sáng tạo của mình, góp phần tìm ra các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Hội thi STKT cũng đồng thời giúp cho những tập thể và cá nhân tham gia nhận ra quá trình, quy trình để hình thành các giải pháp sáng tạo từ việc tạo ra ý tưởng, tìm các luận cứ để bảo vệ cho ý tưởng của mình, cũng như các điều kiện cần và đủ để đưa ý tưởng đó vào thực tiễn cuộc sống và sản xuất. Bên cạnh đó, nó cũng giúp cho những người tham gia Hội thi có thể tự đánh giá được giải pháp của mình đạt được trình đó nào về mặt khoa học, về mặt thực tiễn cũng như hiệu quả đạt được.
- Những đối tượng nào được tham gia Hội thi, thưa ông?
+ Đối tượng tham gia dự thi Hội thi STKT lần thứ 3 này bao gồm các tập thể và cá nhân hiện đang công tác, sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đặc biệt, đối tượng tham gia Hội thi lần này được mở rộng ra cho các tập thể và cá nhân là người Bình Định hiện đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh thành trong cả nước, không phân biệt thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi, tôn giáo. Việc mở rộng đối tượng tham gia dự thi rộng rãi, nhất là các tập thể và cá nhân là người Bình Định hiện đang ở ngoài tỉnh có ý nghĩa là nhằm tạo điều kiện cho những người con của Bình Định ở khắp nơi hướng về quê hương, góp phần mình cho việc xây dựng và phát triển quê hương nhanh hơn, tốt đẹp hơn.
- Ông có thể cho biết đề thi của Hội thi năm nay hướng vào các lĩnh vực kinh tế xã hội nào?
+ Đề thi của Hội thi khuyến khích tập trung vào 4 lĩnh vực do Hội thi sáng tạo toàn quốc phát động (phần này, BTC Hội thi sẽ hướng dẫn cụ thể nếu như có những tập thể và cá nhân dự thi). Về các đề thi của tỉnh, Hội thi khuyến khích 4 lĩnh vực, gồm: các giải pháp kỹ thuật nhằm xử lý môi trường và tái chế các chất thải; các công nghệ kỹ thuật mới nhằm nâng cao trình độ công nghệ của tỉnh; các ứng dụng kỹ thuật mới đối với các giống cây trồng và vật nuôi trên địa bàn tỉnh và các mô hình, giải pháp về tổ chức quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.
- Tiêu chí chấm giải thế nào?
+ Có 3 tiêu chí chính làm căn cứ chấm giải: Ban giám khảo sẽ xem xét tính mới về mặt khoa học của giải pháp. Thứ 2 là xem xét điều kiện để có thể ứng dụng giải pháp trong thực tế sản xuất và đời sống. Và thứ 3 là đánh giá hiệu quả của giải pháp đó trên các mặt kinh tế, khoa học, xã hội, về môi trường… Cũng xin nói thêm, tính mới trong khoa học có 2 yếu tố cần phải xem xét: mới về mặt thời gian, tức là giải pháp đó ra đời không trùng với các giải pháp đã có, và thứ 2 là xem xét về mặt khoa học, phải đánh giá trình độ sáng tạo của giải pháp đó phải cao hơn trình độ trung bình của giải pháp trong cùng lĩnh vực.
- Các tác giả có giải pháp đoạt giải sẽ được những quyền lợi gì?
+ Các tập thể và cá nhân có giải pháp đoạt giải, trước hết họ được nhận tiền thưởng. Giải thưởng của Hội thi như sau: 4 giải nhất (15 triệu đồng/giải), 4 giải nhì (10 triệu đồng/giải), 4 giải ba (5 triệu đồng/giải) và 8 giải khuyến khích (2 triệu đồng/giải). Về mặt tinh thần, các tác giả đoạt giải được nhận danh hiệu Người lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn lao động VN trao. Và tất nhiên, tác giả có giải pháp đoạt giải còn được xem xét bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Đã 2 lần Bình Định tổ chức Hội thi STKT toàn tỉnh. Vậy, ở những lần trước, những giải pháp đoạt giải đã phát huy tác dụng như thế nào trong đời sống KTXH của tỉnh nhà?
+ Các giải pháp đoạt giải trong các Hội thi lần thứ nhất và lần thứ hai đã và đang phát huy tác dụng rất tốt. Chẳng hạn dây chuyền thiết bị để bảo quản dịch truyền (của Công ty dược-trang thiết bị y tế), máy tuyển Ilmenite bằng vít xoắn di động (của Công ty BIMAL). Nói chung, các giải pháp đoạt giải không những phục vụ cho các doanh nghiệp, cho tập thể những người tạo ra, mà còn tạo ra mối quan hệ chuyển giao, tiếp nhận đối với những đơn vị khác cùng ngành nghề sản xuất (chẳng hạn như chuyển giao công nghệ của Công ty BIMAL cho Công ty Ban Mai…)
- Với tư cách là đại diện cơ quan thường trực Hội thi STKT tỉnh Bình Định, ông hy vọng điều gì qua Hội thi lần này?
+ Với những kết quả Hội thi của những lần trước, chúng tôi hy vọng sẽ có những kinh nghiệm để hướng dẫn, vận động nhiều tập thể và cá nhân gửi các giải pháp, đề tài dự thi trong Hội thi lần thứ 3 này, qua đó thu nhận được những giải pháp có giá trị lớn về mặt khoa học, cũng như tạo được hiệu quả kinh tế xã hội cho tỉnh nhà.
- Xin cám ơn ông.
. Khánh Hoàng
|