Trung tâm điều hành, hướng dẫn du lịch (TTĐH-HDDL) – Công ty Du lịch Bình Định là đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Thời gian gần đây, hoạt động của trung tâm đã từng bước ổn định và có nhiều triển vọng khả quan. Báo Bình Định đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trọng – Giám đốc TTĐH-HDDL về vấn đề góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.
- Thưa ông, hiện nay lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc tạo điều kiện thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển. Là một đơn vị kinh doanh du lịch, ông đón nhận sự kiện này như thế nào?
+ Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và có định hướng rất rõ trong việc đầu tư, phát triển du lịch Bình Định, nhất là từ Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh cho đến hiện nay. Trước tình hình này, chúng tôi rất phấn khởi, vì công việc của đơn vị mình làm có được sự ủng hộ và tạo điều kiện của cấp trên. Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công ty Du lịch tỉnh, chúng tôi đang đẩy mạnh việc kinh doanh du lịch, đồng thời tăng cường, củng cố và nâng cao nguồn nhân lực của đơn vị; tập trung nhiều hơn cho công tác nghiên cứu, khảo sát thị trường; quảng bá, tiếp thị sản phẩm du lịch Bình Định đối với trong tỉnh, trong nước và quốc tế để có thể tổ chức tốt hoạt động lữ hành trọn gói và từng phần.
- Xin ông nói cụ thể về hoạt động lữ hành của đơn vị?
+ Bình Định là một vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch. Chúng tôi có sự liên kết với các công ty lữ hành trong nước và quốc tế để đưa khách đến Bình Định. Dựa vào thế mạnh của tỉnh, chúng tôi tập trung khai thác tính chất văn hóa truyền thống qua các tour văn hóa làng nghề và văn hóa Chăm. Từ đầu năm 2003 đến nay, TTĐH-HDDL đã tổ chức được 4 tour tham quan làng nghề cho gần 700 khách du lịch tàu biển (Mỹ, Pháp, Đức) và 5 đoàn khách Nhật đi tour văn hóa Chăm. Về tour làng nghề (An Nhơn) chúng tôi đã giới thiệu với khách du lịch nước ngoài về một nền sản xuất thủ công gắn với lịch sử một vùng đất vốn là kinh đô của 2 triều đại, qua các làng nghề tiện gỗ, đúc đồng, làm nón lá, sản xuất bánh tráng… Hiện nay chúng tôi đang khảo sát để có thể đưa khách tham quan làng nấu rượu Bàu Đá (Nhơn Phúc, An Nhơn). Đa số khách du lịch tàu biển khi đến Bình Định đều khen ngợi việc đón tiếp (đón khách từ tàu lên bờ để đi tham quan) với các hoạt động đậm chất văn hóa truyền thống; không có người ăn xin, người bán hàng lưu niệm theo chèo kéo, mời chào làm phiền khách; các điểm tham quan đều rất lý thú, chẳng hạn khách chỉ cần xem vài phế tích như voi đá, một góc thành cổ, vài làng nghề… là có thể hình dung ra một vùng văn hóa phong phú, sinh động. Đối với tour văn hóa Chăm thì vài năm nay chúng tôi khai thác tương đối tốt, chủ yếu là khách Nhật. Riêng Bảo tàng Quang Trung cũng đã có nhiều đổi mới trong cung cách, chương trình biểu diễn, phục vụ khách tốt hơn. Năm 2002, chúng tôi đã khảo sát và chào hàng tour sinh thái (leo núi), từ Quy Nhơn đi An Nhơn, Vân Canh, Tây Sơn, qua các vùng có cảnh quan đẹp, đậm chất văn hóa miền núi… Rất tiếc là vì lý do khách quan nên tour này chưa có khách hàng. Vừa qua, vì ảnh hưởng chiến tranh Iraq và tiếp đến là dịch SARS nên hoạt động của đơn vị bị hạn chế ít nhiều: 4 tour lữ hành nội địa với trên 100 khách và một số tour lữ hành quốc tế đưa khách vào Việt Nam đến Bình Định đã bị hủy hợp đồng.
- Được biết TTĐH-HDDL sắp đưa vào khai thác các tour lữ hành nội địa khá hấp dẫn?
+ Vâng! Chúng tôi đang liên kết với Công ty Du lịch Gia Lai nhằm khai thác thế mạnh về biển (Quy Nhơn) và rừng (Gia Lai, Tây Nguyên) để tổ chức các tour lữ hành vào dịp cuối tuần; như tour Quy Nhơn – Pleiku 1 ngày 1 đêm; Quy Nhơn – Pleiku – Kon Tum 3 ngày 2 đêm; Quy Nhơn – Pleiku – Buôn Ma Thuột 3 ngày 2 đêm… Đến Tây Nguyên, khách Quy Nhơn sẽ được tham quan Biển Hồ; thủy điện Yaly; Biệt điện Bảo Đại; Vườn quốc gia Yok Đôn; trường huấn luyện voi; đi cầu treo trên sông Serepoc; thăm một số buôn làng vùng cao… Đến Quy Nhơn, khách Tây Nguyên sẽ đi thuyền ngắm biển - đảo, câu cá, tắm biển, thăm Bảo tàng Quang Trung cùng các ngôi chùa cổ nổi tiếng như chùa Long Khánh, Nguyên Thiều, Thập Tháp, chùa Ông Núi… Giá các tour này khá thấp vì bước đầu chúng tôi chấp nhận lỗ để thu hút du khách, và tin rằng các “Open tour” này sẽ hấp dẫn du khách trong mùa hè 2003.
- Là người có lòng yêu nghề, gắn bó với hoạt động kinh doanh du lịch, ông tâm niệm điều gì trong công việc của mình hiện nay?
+ Chúng tôi có được thuận lợi cơ bản là được sự quan tâm chỉ đạo, động viên và ủng hộ của tỉnh, Sở Thương mại – Du lịch, Công ty Du lịch tỉnh; nhưng không phải là đã hết khó khăn. Bình Định có nhiều tiềm năng nhưng chưa biến được nó thành sản phẩm du lịch cụ thể; tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch chưa cao; việc quảng bá, tiếp thị, khảo sát thị trường… còn yếu. Chính vì vậy chúng tôi còn phải nỗ lực rất nhiều. Trước mắt, chúng tôi chọn những cái mà chúng tôi có thể làm được là tập trung vào hoạt động lữ hành, qua các tour văn hóa làng nghề, văn hóa Chăm, du lịch tuyến biển; từng bước đổi mới các sản phẩm đang khai thác để tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách. Chúng tôi tin rằng ngành Du lịch tỉnh nhà sẽ phát triển trong một tương lai gần và chúng tôi phải chuẩn bị tất cả để đón bắt vận hội mới ngay từ hôm nay.
- Xin cám ơn ông!
. Bùi Lợi
|