Trong các yếu tố dùng để xác định chất lượng môi trường, nước là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhân ngày Môi trường thế giới năm nay (5-6-2003) phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thành Phương - cán bộ phụ trách phòng Môi trường (Sở KHCN - MT Bình Định) về tình hình cung cấp nước và chất lượng nguồn nước ở Bình Định.
- Thưa ông, xin ông cho biết những nét tổng quan về tình hình cung cấp nước sạch ở Bình Định?
+ Năm 2003 được Liên hiệp quốc (UN) chọn làm Năm quốc tế về nước sạch; ngày Môi trường thế giới năm nay lại được cơ quan Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) chọn chủ đề “Nước - hai tỉ người đang khát”, điều này chứng tỏ nước sạch đã trở thành vấn đề bức xúc có tính toàn cầu. Trong nhóm những quốc gia nghèo, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên xúc tiến nhiều chương trình quốc gia với mục tiêu bảo vệ nguồn nước, đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân từ thành thị đến nông thôn. Trong những năm qua, ở Bình Định, việc cung cấp nước sạch cho nhân dân đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Hiện tại, khoảng 51% số hộ dân ở Quy Nhơn đã được dùng nước sạch (chủ yếu ở khu vực nội thành) do Công ty Cấp thoát nước cung ứng. Dự kiến vào giữa tháng 6-2003, Quy Nhơn sẽ được cấp thêm mỗi ngày 48.000 m3, đồng thời hệ thống đường ống cũng được lắp thêm 60.000 mét. Đối với các huyện, UBND tỉnh cũng đang xúc tiến vay vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng các công trình cung cấp nước cho 10 thị trấn thuộc 7 huyện. Ở khu vực nông thôn, với 13 công trình cấp nước tập trung xây dựng bằng vốn ngân sách, hơn 1.000 giếng khoan và 500 giếng đào do nhân dân tự đầu tư, Bình Định đã có thêm 75.000 dân được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước sạch ở Bình Định đã tăng đến mức 52%. Đây là những con số rất đáng khích lệ.
- Còn về chất lượng môi trường nguồn nước?
+ Ô nhiễm môi trường nước là nguy cơ ô nhiễm có tác động rất xấu đến cuộc sống của con người và tự nhiên. Khi nguồn nước (bao gồm nước bề mặt, nước ngầm) bị ô nhiễm, nó dễ dàng tác động đến các môi trường khác như không khí, đất đai. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy các nguồn nước ở Bình Định đang bị nguy cơ ô nhiễm đe dọa. Về chỉ tiêu vi sinh, mẫu nước sông Lại lấy tại Phụng Du (Hoài Hảo) có hàm lượng coliform cao gấp 20 lần giới hạn cho phép (GHCP), mẫu nước lấy ở cầu Quai Ấm (An Nhơn) gấp 5 lần GHCP, mẫu nước sông Hà Thanh lấy ở cầu Trường Úc (Tuy Phước) gấp 30 lần GHCP, mẫu nước sông Kôn lấy ở cầu Định Bình (Vĩnh Thạnh) gấp 20 lần GHCP... Về chỉ tiêu nồng độ hữu cơ BOD, mẫu lấy ở cửa Huỳnh Giảng gấp 1,5 lần GHCP, hàm lượng nitơ cao gấp 2 lần. Hiện tượng ô nhiễm cũng xảy ra với nguồn nước ngầm. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến thực phẩm xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Ví dụ: mẫu nước giếng lấy ở cơ sở sản xuất nước mắm Mười Thu (An Nhơn) có độ cứng cao gấp 2 lần GHCP, đồng thời giếng còn bị nhiễm mặn. Ta đã mở rộng được mạng lưới đường ống, đã nâng cao tỷ lệ dân cư được dùng nước sạch, nhưng nếu không bảo vệ được nguồn thì sự phát triển ấy sẽ không bền vững. Những thông tin trên buộc chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ chất lượng nguồn nước.
. Bá Phùng
|