Vì sao có quá nhiều khiếu nại trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng?
16:46', 9/6/ 2003 (GMT+7)

Một khu tái định cư mới tại KCN Phú Tài

Những năm gần đây, cùng với cả nước, Bình Định đã rất nỗ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, tích cực khuyến khích và thu hút đầu tư. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất được mở ra thu hút lao động, giải quyết việc làm…Tuy nhiên, đi kèm với việc xây dựng các khu công nghiệp, các khu dân cư và các dự án giao thông, du lịch…là việc các cơ quan chức năng phải giải quyết rất nhiều khiếu nại của nhân dân liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Vì sao lại có tình trạng này?

Hiện nay, các vụ khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm phần lớn trong lượng đơn phát sinh, trong đó nhiều và nóng bỏng nhất là các khiếu nại về đền bù GPMB. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Quy Nhơn, các dự án còn đang thực hiện dở dang như: dự án khu công nghiệp Phú Tài, Nam sông Hà Thanh, khu du lịch Ghềnh Ráng, khu dân cư Bông Hồng, dự án đường Xuân Diệu… đều có số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan việc đền bù GPMB. Đó là chưa kể đến các khiếu nại về đền bù giải tỏa Quốc lộ 1A có số lượng đơn từ huyện lên tỉnh nhiều nhất. Qua thực tiễn giải quyết khiếu nại, chúng tôi thấy rằng các dạng khiếu nại trong lĩnh vực đền bù GPMB thường gặp bao gồm:

Thứ nhất, những khiếu nại yêu cầu Nhà nước tính lại giá trị đền bù đã nhận trước đây theo quy định mới của pháp luật. Người khiếu nại cho rằng tính toán đền bù trước đây so với hiện nay chưa công bằng. Dạng khiếu nại này xảy ra phổ biến ở các dự án có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền ở phạm vi lớn nhưng lại tổ chức thi công gián đoạn, kéo dài nhiều năm, thi công đến đâu, đền bù GPMB đến đấy, trong thời gian thực hiện dự án chính sách đền bù có thay đổi.

Thứ hai, các khiếu nại yêu cầu tính toán đền bù bổ sung diện tích nhà, đất, cây cối hoa màu, vật kiến trúc… mà khi kiểm kê còn thiếu hoặc tính sai diện tích, sai loại đất; riêng dự án Quốc lộ 1A còn có thêm một dạng khiếu nại thường xuyên và phổ biến là yêu cầu tính đền bù diện tích đất đã bị giải tỏa trước đây (theo Nghị định 203 và Nghị định 36) và việc không công bằng trong chính sách đền bù đối với những người chấp nhận tự giải tỏa so với những người chây ì, không thực hiện.

Thứ ba, là những khiếu nại liên quan việc thực thi Nghị định 22, nổi bật là giá đền bù thấp như: đơn giá bồi thường nhà thấp so với giá xây dựng nhà mới thực tế tại địa phương; giá đất ở, đất vườn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Bên cạnh đó, việc xác lập hệ số K để xác định giá trị đền bù thiệt hại về đất là vấn đề gây nhiều bất đồng.

Thứ tư, các khiếu nại về diện tích đất ở, diện tích đất được đền bù, giá đền bù, quyền lợi trong khu tái định cư, điều kiện và kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp… Đây là dạng khiếu nại phức tạp liên quan đến chính sách đền bù và kết quả quản lý đất đai ở địa phương, đặc biệt là cơ sở để xác định và phân biệt tiêu chuẩn diện tích đất ở trong tổng số diện tích đất khuôn viên và tính hợp pháp của nó.

Ngoài ra, còn có một số khiếu nại cho rằng có sự không công bằng trong chính sách đền bù giữa các dự án. Dạng khiếu nại này phát sinh khi có các dự án ở cùng hoặc gần địa điểm nhưng khác nhau về chính sách đền bù, tái định cư.

Nguyên nhân chủ yếu phát sinh thực trạng trên phải kể đến là việc thay đổi liên tục chính sách đền bù. Một thực tế là cùng một vị trí, một loại đất nhưng giá trị bồi thường ở các văn bản pháp luật càng về sau càng có lợi cho người bị thu hồi đất cả về điều kiện được nhận tiền đền bù và giá trị đền bù. Thực tế này phù hợp với quy luật phát triển kinh tế và mong muốn của nhân dân, nhưng nếu không đúng sẽ tạo tiền lệ ủng hộ những người không nghiêm chỉnh thi hành pháp luật. Do kinh phí eo hẹp nên nhiều dự án làm đến đâu đền bù giải tỏa đến đấy, dẫn đến tình trạng trong một dự án nhưng phải áp dụng các văn bản khác nhau để tính toán đền bù. Điều này đương nhiên người bị giải tỏa sau nhận được đền bù lớn hơn người bị giải tỏa trước. Người đã nhận đền bù khi bị giải tỏa trước thấy thiệt thòi nên khiếu nại. Điển hình cho dạng khiếu nại này là việc đền bù của dự án khu công nghiệp Phú Tài khi UBND tỉnh thay thế Quyết định số 158/1999/QĐ-UB (ngày 12-10-1999) bằng Quyết định số 77/2003/QĐ-UB (ngày 18-4-2003) đã thoáng hơn rất nhiều về hạn mức đền bù đất ở, đất có khuôn viên rộng, cấp thêm đất tái định cư, hỗ trợ di dời… Nhưng ngược lại, nếu áp dụng văn bản áp dụng quy phạm pháp luật giai đoạn trước để tính cho cả dự án thì người bị thu hồi đất sau lại khiếu nại việc đền bù làm không đúng quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, tình trạng khiếu nại còn là hậu quả để lại của những việc cơ quan quản lý đất đai và đơn vị thi công làm trái quy định của pháp luật; việc tính toán áp giá đền bù có nhiều sai lệch, thiếu sót, sau đó "chữa cháy" bằng hình thức tính toán đền bù bổ sung. Do đó, dẫn đến việc dân không tin tưởng, ngờ vực và cho rằng việc đền bù như vậy là chưa thỏa đáng.

Cùng với đó, hệ thống tài liệu pháp lý về quyền sử dụng đất chưa đầy đủ, sự buông lỏng trong quản lý đất đai của các cơ quan có thẩm quyền, các ngành chức năng đặc biệt là ở cấp xã, phường, thị trấn; công bằng xã hội, dân chủ chưa được phát huy, rất nhiều những vụ đền bù GPMB không bàn bạc dân chủ với dân, không công khai phương án đền bù cho toàn thể dân được rõ…

Một nguyên nhân khác xuất phát từ ý chí chủ quan của người dân, đó là việc sau khi Nhà nước công bố quy hoạch nhưng người dân vẫn cố tình xây dựng, cơi nới nhà cửa, trồng thêm cây cối hoa màu… để "đòi" Nhà nước bồi thường. Từ đó dẫn đến việc rất khó xác định tính hợp pháp của quyền sử dụng đất và tài sản của chủ hộ để đền bù cho đúng.

Mặt khác, đền bù GPMB là vấn đề nhạy cảm có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và tài sản của người dân. Do đó, một thực tế không thể phủ nhận là tâm lý người dân ai cũng muốn khiếu nại, mong sự "xét lại" của Nhà nước để có thể có thêm một khoản lợi ích nào đó mà theo họ thì việc khiếu nại chỉ có được hoặc không được chứ không có mất.

Thực trạng trên gây rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB làm giảm tiến độ thi công của các dự án, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Điều này thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ và dự đoán chính xác khả năng biến động của thị trường bất động sản trong tương lai để bồi thường thiệt hại cho các hộ gia đình có công trình bị giải tỏa một cách hợp lý, hợp tình và đúng pháp luật. Bên cạnh đó, có thái độ cứng rắn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, không thi hành pháp luật.

Công tác đền bù GPMB hiện nay nhìn chung còn nhiều bất cập. Các cơ quan chức năng không phải không thấy được những khiếm khuyết, tồn tại từ công tác này. Song không thể giải quyết vấn đề bằng những "giải pháp đằng ngọn", ngày một ngày hai, bởi đây là hệ quả lớn của cả một hệ thống chính sách, pháp luật còn thiếu đồng bộ và hiệu quả.

. Phan Trung

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ nguồn nước  (03/06/2003)
Một số vấn đề về xây dựng Đảng ở các cơ quan cấp tỉnh  (02/06/2003)
Vì sao nhiều trang trại trong tỉnh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?   (27/05/2003)
Khai thác du lịch lữ hành  (26/05/2003)
Tiềm năng du lịch Bình Định là cái nôi để Life Resort Quy Nhơn hoạt động, phát triển  (25/05/2003)
Chúng tôi đã sẵn sàng  (23/05/2003)
Hy vọng sẽ có những giải pháp có giá trị khoa học và hiệu quả   (22/05/2003)
Phát triển lĩnh vực phân tích kiểm nghiệm phục vụ công tác tiêu chuẩn hóa   (20/05/2003)
Các cụm thi, điểm thi được mở rộng hơn để tạo thuận lợi cho thí sinh   (19/05/2003)
Các phong trào nông dân đã góp phần tích cực đẩy nhanh CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn   (18/05/2003)
Tạo thêm nguồn lực giúp đỡ người nghèo  (14/05/2003)
Quy hoạch trung tâm xã phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài  (13/05/2003)
Tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn nhiều bất cập…  (12/05/2003)
Văn hóa dòng họ và dòng họ văn hóa  (11/05/2003)
Vì sao hệ thống cung cấp nước sinh hoạt Vĩnh An chưa hoạt động?   (06/05/2003)