Sẽ đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm sữa bò tươi với giá cả có lợi cho người chăn nuôi bò sữa
9:47', 13/6/ 2003 (GMT+7)

Phân xưởng sản xuất sữa của Nhà máy sữa Bình Định

Việc Công ty TNHH sữa Bình Định đã khánh thành đưa vào hoạt động Nhà máy sữa Bình Định có công suất chế biến 25 triệu lít/năm tại Quy Nhơn đã mở ra vận hội mới cho người chăn nuôi bò sữa ở Bình Định và các tỉnh lân cận. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Huỳnh Hữu Thức, Phó Giám đốc Công ty TNHH sữa Bình Định về mối quan hệ hợp tác giữa nhà máy và người chăn nuôi.

- Thưa ông, Nhà máy sữa tại Quy Nhơn đi vào hoạt động sẽ đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty lên một tầm mức mới song liệu đó có phải là điều kiện tốt cho việc giải quyết đầu ra sản phẩm sữa bò tươi?

+ Trước hết Công ty TNHH sữa Bình Định xin chân thành cảm ơn Báo Bình Định đã quan tâm, chia sẻ về hoạt động của Công ty cũng như mối quan hệ giữa Công ty với người chăn nuôi bò sữa trong tỉnh. Nhà máy được khởi công xây dựng từ tháng 8 năm ngoái đến ngày 21-5 đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhà máy sữa Bình Định là Nhà máy sữa đầu tiên tại miền Trung được trang bị các dây chuyền thiết bị hiện đại: chế biến sữa UHT của Thụy Điển, kem của Ý, sữa chua của Đan Mạch với công suất 25 triệu lít/ năm. Việc đưa Nhà máy vào hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Với cơ sở vật chất hoàn thiện, trang thiết bị hiện đại, Nhà máy có đủ khả năng nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm sữa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và trong cả nước nói chung. Nhà máy hoạt động còn là điều kiện tốt hơn cho việc giải quyết đầu ra sản phẩm sữa bò, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần vào việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh.

- Vậy Công ty đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự hợp tác với nông dân nuôi bò? Sự chuẩn bị đó gồm những gì?

+ Xuất phát từ yêu cầu chất lượng cao của sản phẩm sữa, đòi hỏi người nuôi bò sữa phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi, chủ động và tích cực hơn nữa về kỹ thuật nuôi bò sữa, vắt sữa và bảo quản để tạo ra được sản phẩm sữa có chất lượng cao phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Nhà máy cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng trong tỉnh, chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với nông dân nuôi bò sữa trong tỉnh. Qua các buổi làm việc đó chúng tôi đã giải thích cho bà con nông dân hiểu và nắm bắt được chất lượng sản phẩm sữa, phương pháp thu mua và các chỉ tiêu kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm sữa của Công ty như: thử xanh methylen, độ khô, độ béo… nhằm tạo ra sản phẩm sữa chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Chúng tôi cũng đã tạo được kênh tiêu thụ sản phẩm sữa và nâng cao chất lượng sản phẩm sữa bò cho bà con nông dân bằng cách tổ chức các trạm thu mua gần các tụ điểm chăn nuôi, trong tháng 6 sẽ hoàn tất ít nhất 1 trạm thu mua sữa tại An Nhơn. Ngoài ra, Công ty còn phối hợp với Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi tỉnh tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, vắt sữa và bảo quản sữa cho bà con nông dân, tổ chức cho nông dân tham quan học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa ở các nơi khác. Nhờ đó đến nay, mối quan hệ giữa Nhà máy với bà con nông dân chăn nuôi bò sữa đã được thiết lập.

- Kế hoạch tổ chức thu mua sữa bò, giá cả, các chính sách hỗ trợ của Công ty đối với người chăn nuôi bò sữa trong tỉnh như thế nào, thưa ông?

+ Nhà máy sữa Bình Định đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần bò sữa Bình Định trong việc thiết lập các trạm thu mua gần điểm chăn nuôi của bà con nông dân nhằm thuận lợi cho việc thu mua sữa bò, và hướng dẫn cho nông dân các phương pháp bảo quản sữa. Nhà máy đã đặt làm thiết bị bồn bảo quản cho các trạm thu mua. Đến nay, thiết bị đã chế tạo xong và sắp đưa vào sử dụng. Hiện tại, Nhà máy đã sẵn sàng thu mua sữa tươi của bà con nông dân mang đến.

Về giá thu mua sữa tươi còn phụ thuộc rất lớn vào chất lượng sữa được kiểm tra. Mỗi kết quả kiểm tra sẽ có giá thu mua khác nhau và được thông báo công khai rộng rãi. Mức giá được xây dựng dựa trên cơ sở giá thu mua đang được áp dụng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác đảm bảo cho nông dân có lãi tối thiểu 2.600 đồng/kg. Việc áp dụng mức giá trên nhằm khuyến khích bà con nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm sữa cũng như về phương pháp chăn nuôi.

Trước mắt, Nhà máy sẽ tổ chức thu mua, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp bảo quản và đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm sữa bò tươi với giá cả có lợi cho người chăn nuôi bò sữa.

. Phạm Tiến Sỹ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao nhưng chưa tham gia bảo hiểm  (10/06/2003)
Vì sao có quá nhiều khiếu nại trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng?   (09/06/2003)
Cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ nguồn nước  (03/06/2003)
Một số vấn đề về xây dựng Đảng ở các cơ quan cấp tỉnh  (02/06/2003)
Vì sao nhiều trang trại trong tỉnh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?   (27/05/2003)
Khai thác du lịch lữ hành  (26/05/2003)
Tiềm năng du lịch Bình Định là cái nôi để Life Resort Quy Nhơn hoạt động, phát triển  (25/05/2003)
Chúng tôi đã sẵn sàng  (23/05/2003)
Hy vọng sẽ có những giải pháp có giá trị khoa học và hiệu quả   (22/05/2003)
Phát triển lĩnh vực phân tích kiểm nghiệm phục vụ công tác tiêu chuẩn hóa   (20/05/2003)
Các cụm thi, điểm thi được mở rộng hơn để tạo thuận lợi cho thí sinh   (19/05/2003)
Các phong trào nông dân đã góp phần tích cực đẩy nhanh CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn   (18/05/2003)
Tạo thêm nguồn lực giúp đỡ người nghèo  (14/05/2003)
Quy hoạch trung tâm xã phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài  (13/05/2003)
Tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn nhiều bất cập…  (12/05/2003)