|
PV truyền hình đang tác nghiệp |
Thật thế không? - một câu hỏi được lặp lại với tần suất ngày càng cao trong xã hội hiện đại. Câu hỏi ấy bật ra khi mỗi người dân vừa thức dậy mở ti-vi xem bản tin chào buổi sáng. Câu hỏi ấy hiện hình khi anh công chức mở trang báo mới trước buổi làm việc đầu ngày. Và nó không thể, không trở thành vấn đề quan tâm đầu tiên của các nhà lãnh đạo, khi một thông tin báo giới đưa ra làm họ ngỡ ngàng.
Bạn đọc ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn thông tin từ các nhà báo, không chỉ do thông tin càng lúc càng chiếm giữ một vị trí quan trọng hơn trong xã hội phát triển, mà vì một lẽ khác, đó là: ngày càng nhiều tờ báo đưa tin không chính xác, lòng tin của độc giả vào báo giới vì thế mà không thể không giảm sút.
Thông tin là hàng hóa, báo chí là hàng hóa, nhưng không phải bao giờ khách hàng của loại hàng hóa đặc biệt này cũng mua được "món hàng" sự thật - hết sức cần thiết với họ. Chuyện bé xé ra to, giật gân câu khách, ý đồ thông tin tư lợi, thậm chí thông tin hoàn toàn sai lạc... nhan nhản trên nhiều mặt báo. Đó là loại hàng kém chất lượng, hàng giả của những nhà sản xuất thiếu trách nhiệm, của những nhà báo kém về đạo đức chức nghiệp. Trong xu hướng thương mại hóa, có nhiều nhà báo chỉ nhăm nhăm cốt bán được tin, nhiều tòa soạn chỉ chăm chăm cốt bán được báo, bán giá càng cao càng tốt, mà ít khi nghĩ lại trong món hàng mình bán có bao nhiêu phần trăm sự thật.
Vụ báo chí (Bộ Văn hóa - thông tin; Ban Văn hóa - tư tưởng Trung ương) đã "thổi còi" trong các trường hợp các cơ quan báo chí sai luật. Các cơ quan pháp luật đã xử lý nghiêm các nhà báo phạm pháp. Song chưa thấy cơ quan "quản lý thị trường" nào xử phạt các mặt hàng báo chí kém phẩm chất.
Làm gì để có những "món hàng" sự thật thật sự là hàng chất lượng cao? Đó là câu hỏi đặt ra một cách nghiêm túc cho báo giới. Đòi hỏi những nhà báo không ngừng nâng cao trình độ và đạo đức chức nghiệp, phải dũng cảm truy tìm sự thật, phải bản lĩnh trong đấu tranh bảo vệ sự thật, phải nhạy cảm trong xử lý các tình huống thông tin để sự thật thật sự có giá trị phục vụ cho xã hội, cho số đông công chúng, những người bỏ tiền ra mua báo, những người gián tiếp làm nên tờ báo. Nói như nhà báo lừng danh Pulitzer: Một nhà báo là một người canh chừng trên chiếc cầu của con thuyền Nhà nước. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần phải chú ý ở chân trời trong lúc thời tiết tốt. Anh tường thuật những cái gì đang nổi lềnh bềnh mà chiếc tàu có thể cứu vớt được. Anh xuất hiện trong sương mù và bão tố để dẫn đầu trong việc báo trước những hiểm nguy. Anh không nghĩ đến tiền lương của anh hoặc đến số tiền lời của ông chủ anh. Anh ở đó để coi chừng an ninh và hạnh phúc nhân dân tín nhiệm ở nơi anh.
. Huỳnh Hiếu
(Báo Phú Yên)
|