Từ ngày 1-7-2003, nền kinh tế Việt Nam chính thức đối mặt với AFTA. Với mức thuế xuất nhập khẩu phải bằng hoặc thấp hơn 20% theo nguyên tắc của ASEAN, các mặt hàng của các nước trong khu vực sẽ tràn ngập thị trường nước ta, có lợi hơn cho người tiêu dùng. Theo đó, diễn biến thị trường hàng hóa thời gian tới sẽ như thế nào? Vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Thứ - Phó giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Bình Định - xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, sự kiện cắt giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ các nước ASEAN vào nước ta sẽ có ảnh hưởng gì trong hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh?
+ Từ ngày 1-7-2003 VN thực hiện tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình CEPT/AFTA như đã cam kết, với mức thuế suất bắt đầu đưa vào cắt giảm nhỏ hơn hoặc bằng 20%. Song, các nước của ASEAN như Thái Lan, Malaysia còn dành mức thuế ưu đãi hơn đối với một số mặt hàng nhập khẩu so với thuế CEPT cho các thành viên mới ASEAN, trong đó có VN. Đây sẽ là cơ hội tốt để hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước ASEAN và chuyển hướng nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn từ thị trường ASEAN. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, sự cạnh tranh hàng hóa của tỉnh với hàng hóa ASEAN càng gay gắt hơn cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong tỉnh.
- Ông có thể cho biết khả năng diễn biến trên thị trường trong tỉnh thời gian tới?
+ Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Bình Định đã coi trọng việc phát triển thị trường một cách toàn diện, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thúc đẩy sản xuất trong tỉnh phát triển, tăng trưởng kinh tế, từng bước đưa hoạt động của các doanh nghiệp vào môi trường cạnh tranh. Từ tháng 7-2003, theo lộ trình thuế AFTA, thực hiện chuyển các mặt hàng trong danh mục loại trừ tạm thời sang danh mục cắt giảm. Việc cắt giảm thuế quan, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong tỉnh phải đặt mình trước tình thế cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn ở thị trường trong nước, trong tỉnh, đặc biệt cạnh tranh với hàng hóa các nước ASEAN. Danh mục các mặt hàng chủ yếu đưa vào cắt giảm như điện tử, giấy, xi măng, kính xây dựng… sẽ diễn biến về giá trên thị trường. Trước đây, những nhóm mặt hàng này được bảo hộ với mức thuế suất cao từ 30 đến 50%, thậm chí có loại hơn 50% thuế nhập khẩu, nhưng từ 1-7-2003 các mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN sẽ có mức thuế suất 20%, đem lợi ích cho người tiêu dùng nhưng lại là sự thách thức của các nhà sản xuất trong nước.
- Ngành Thương mại - Du lịch Bình Định đã có những động thái gì trước sự kiện quan trọng này?
+ Sở Thương mại và Du lịch BĐ đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch ở trong và ngoài nước, tham gia các hội chợ, triển lãm hàng hóa trong và ngoài nước, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Triển khai các biện pháp thực hiện chương trình nâng cao chất lượng hàng hóa, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa để tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chống gian lận thương mại, chống sản xuất và buôn bán hàng giả; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để hoạt động thương mại, du lịch của tỉnh ngày càng phát triển, nhanh chóng đáp ứng với yêu cầu hội nhập.
- Xin cám ơn ông!
. Quỳnh Thanh
|