Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà:
Nhân lực trình độ cao là khâu đột phá quan trọng để kinh tế Bình Định phát triển
20:7', 2/7/ 2003 (GMT+7)

Ông Vũ Hoàng Hà (đứng giữa) và các đại biểu dự hội thảo

Tại Hội thảo "Bình Định: Tiềm năng và cơ hội Đầu tư - Kinh doanh", ngoài những câu hỏi của các nhà đầu tư, đại diện các DN trong và ngoài nước, ông Vũ Hoàng Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trả lời nhiều câu hỏi của một số cơ quan thông tin đại chúng. Trong số những câu hỏi đặt ra, các nhà báo rất quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao và sinh viên mới ra trường. Báo Bình Định xin trích giới thiệu một số câu hỏi của các nhà báo và trả lời của Chủ tịch Vũ Hoàng Hà.

- Xin ông Chủ tịch tỉnh cho biết đôi nét về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao của Bình Định hiện nay?

+ So với các tỉnh khác, Bình Định là tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 800.000 người, trình độ, năng lực tay nghề của người lao động Bình Định nói chung là khá. Trong những năm qua chúng tôi đã tập trung đào tạo rồi. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức của chúng tôi cũng tương đối khá. Hiện nay, trên địa bàn của tỉnh chúng tôi có 34 tiến sĩ, 138 thạc sĩ, 15.800 người có trình độ đại học, cao đẳng. Ngoài ra, chúng tôi còn hướng đến mục tiêu đào tạo chuyên sâu. Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chúng tôi đang có chính sách tuyển người để đưa đi nước ngoài đào tạo chuyên sâu để về phục vụ cho nền kinh tế của tỉnh, trong đó có việc phục vụ cho các DN. Chúng tôi cho rằng, nhân lực là khâu đột phá quan trọng để kinh tế Bình Định phát triển.

- Xin lỗi, ông có thể cho biết là ông đã hài lòng về nguồn nhân lực với 34 tiến sĩ, trên 100 thạc sĩ của Bình Định hiện nay chưa?

+ Với con số như tôi vừa nêu thì chưa đủ đáp ứng được mức tối thiểu của nhu cầu phát triển kinh tế của Bình Định. Do đó, chúng tôi đã có những chính sách cụ thể để tăng cường chất lượng nguồn nhân lực.

- Trong những chính sách về nguồn nhân lực của Bình Định thì chúng tôi vẫn chưa thấy sự ưu đãi cụ thể?

+ Có chứ sao lại không? Về nguồn nhân lực ở Bình Định, bên cạnh nhiều cơ sở tự đào tạo những lao động có tay nghề để phục vụ cho các DN thì chúng tôi có chính sách rất cụ thể. Ví dụ, nếu như từng DN có yêu cầu đào tạo riêng thì chúng tôi có chính sách hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo cho DN. Ngoài ra, với trách nhiệm của mình chúng tôi còn đưa đi đào tạo trong và ngoài nước với trình độ cao để về làm việc ở các DN của tỉnh.

- Như vậy, ngoài những đối tượng mà ông vừa nói, ngân sách của tỉnh Bình Định đã chi bao nhiêu cho phần hỗ trợ thêm nguồn nhân lực trình độ cao và bắt đầu chi từ khi nào?

+ Nguồn này chúng tôi chi hàng năm bình quân không dưới 1 tỉ đồng. Chúng tôi quyết tâm chi cho lĩnh vực này không dưới 1 tỉ đồng/năm. Chúng tôi bắt đầu chi từ cách đây khoảng 4-5 năm. Hiện nay, tỉnh chúng tôi còn có chủ trương là tuyển một số cán bộ để đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Toàn bộ vấn đề chi phí, ăn ở học tập do ngân sách tỉnh đài thọ.

- Được biết là ông đang tiếp xúc với các sinh viên người Bình Định để có thể mời họ về làm việc? Vậy ông có thể cho biết cụ thể về mức lương, chế độ ưu đãi đối với các em?

+Tôi nói ví dụ, đối với các cháu tốt nghiệp các trường đại học, nếu tốt nghiệp loại giỏi mà về Bình Định làm việc thì chúng tôi trợ cấp ngay lần đầu là 5 triệu đồng và chịu trách nhiệm bố trí công tác ngay cho các cháu. Đối với cán bộ của tỉnh đi học đại học, chúng tôi hỗ trợ 500.000 đồng/tháng ngoài lương; trên đại học được hỗ trợ 600.000 đồng/tháng ngoài lương. Khi bảo vệ luận án thạc sĩ thì chúng tôi hỗ trợ 15 triệu đồng/người và bảo vệ luận án tiến sĩ thì chúng tôi hỗ trợ 30 triệu đồng/người. Nếu người ở địa phương khác về Bình Định công tác, có trình độ thạc sĩ thì chúng tôi cấp ngay lần đầu là 15 triệu đồng/người; là tiến sĩ thì chúng tôi cấp 30 triệu đồng/người. Ngoài ra, chúng tôi bố trí chỗ ăn, chỗ nghỉ, việc làm cho vợ (chồng) và kể cả người thân trong gia đình họ khi đến với Bình Định. Cụ thể vừa rồi có tiến sĩ y khoa Phạm Tỵ về Bình Định, chúng tôi cấp ngay 30 triệu và 1 lô đất trị giá 700 triệu đồng. Đồng thời, ngoài số lương của vị tiến sĩ này, hàng tháng chúng tôi cấp thêm 4 triệu đồng để tạo điều kiện cho anh ta làm việc.

- Từ khi có những chính sách đó thì số sinh viên người Bình Định học ở TP.HCM và các trường khác về công tác ở tỉnh nhà có khá lên không?

+ Vấn đề không phải là hiện các em đã về Bình Định đông chưa, mà theo tôi vấn đề là phải có chỗ cho các em làm việc. Cho nên, UBND tỉnh, hay cụ thể là trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Bình Định là phải tạo ra những chỗ làm cho các em. Muốn thực hiện được điều đó thì Bình Định phải phát triển kinh tế, tạo ra nhiều ngành nghề, phải có thêm nhiều DN… thì mới có thêm nhiều chỗ cho các em về. Bởi vì, các em về mà "chui" vào trong biên chế hành chính của Nhà nước thì không được rồi. Vì vậy, hiện chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ là phát triển kinh tế, tạo thêm những DN và kêu gọi các em về. Đồng thời, chúng tôi có chính sách hỗ trợ thêm cho các em. Tôi nói ví dụ, các em tốt nghiệp đại học về, nếu đưa xuống huyện, xuống cơ sở thì ngoài mức lương khởi điểm của các em, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng/em. Chúng tôi hỗ trợ đến khi nào mà lương của các em lên đến trên mức đó thì mới thôi hỗ trợ.

- Hồi nãy ông có nói đến việc tỉnh Bình Định sẽ chọn và gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài? Cụ thể vấn đề này là như thế nào? Ông có thể cho biết cụ thể hơn là tỉnh sẽ đào tạo cán bộ ở những lĩnh vực nào?

+ Đúng vậy, mới vừa rồi, trong cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy chúng tôi cũng bàn đến vấn đề đưa một số cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Đối với tỉnh Bình Định hiện nay thì có khá nhiều lĩnh vực cần thiết. Ví dụ như trồng trọt, dâu tằm, kỹ sư chuyên về cây mía, chuyên về cây điều… Trên lĩnh vực công nghiệp, chúng tôi quan tâm đến lĩnh vực chế biến. Ngay lĩnh vực này chúng tôi cũng cần kỹ sư chuyên về từng lĩnh vực, từng ngành. Hiện chúng tôi đang yêu cầu các sở, ngành, địa phương chọn, giới thiệu đội ngũ cán bộ cho tỉnh để đưa đi đào tạo.

. Viết Hiền

(Lược ghi)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hội nhập AFTA: Cơ hội và thách thức  (01/07/2003)
Chúng tôi tin tưởng cầu vượt đầm Thị Nại sẽ bảo đảm chất lượng, tiến độ  (26/06/2003)
Hy vọng Hội thảo "Bình Định: Tiềm năng và Cơ hội Đầu tư - Kinh doanh" sẽ thành công tốt đẹp  (25/06/2003)
Cần công bố kết quả kiểm nghiệm cho mọi người biết  (24/06/2003)
"Món hàng" sự thật  (22/06/2003)
Triển khai dịch vụ internet băng thông rộng ADSL  (18/06/2003)
Doanh nghiệp với việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa  (17/06/2003)
Trung tâm Học tập cộng đồng là công cụ thiết yếu để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở  (17/06/2003)
Sẽ đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm sữa bò tươi với giá cả có lợi cho người chăn nuôi bò sữa  (13/06/2003)
Nhiều đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao nhưng chưa tham gia bảo hiểm  (10/06/2003)
Vì sao có quá nhiều khiếu nại trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng?   (09/06/2003)
Cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ nguồn nước  (03/06/2003)
Một số vấn đề về xây dựng Đảng ở các cơ quan cấp tỉnh  (02/06/2003)
Vì sao nhiều trang trại trong tỉnh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?   (27/05/2003)
Khai thác du lịch lữ hành  (26/05/2003)