|
Nuôi tôm trên cát tại Phù Mỹ |
Nuôi tôm trên cát là kỹ thuật mới được áp dụng ở Bình Định cách đây vài năm, đến nay một số mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, ngành Thủy sản Bình Định đang tiếp tục phổ biến hình thức nuôi này. Để giúp người nuôi tôm hiểu rõ chủ trương của ngành và hiệu quả của việc nuôi tôm trên cát, PV Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Sở Thủy Sản xung quanh vấn đề này.
- Xin bà cho biết tình hình nuôi tôm trên cát trên địa bàn Bình Định trong thời gian qua như thế nào?
+ Với kết quả nuôi thử nghiệm tôm trên cát tại TP Quy Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, năng suất đạt từ 1.000- 5.500 kg/ha/vụ, có lợi nhuận từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/vụ, bước đầu đã khẳng định được hiệu quả của mô hình này ở Bình Định. Từ kết quả đó, Sở Thủy sản đã phối hợp với các địa phương ven biển xây dựng và mở rộng mô hình nuôi tôm trên cát. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 4 dự án nuôi tôm trên cát là Dự án nuôi tôm trên vùng cát ven biển huyện Phù Mỹ, Dự án của Công ty ASIA- HAWAII và 2 dự án của 2 doanh nghiệp trong nước, với tổng quy mô diện tích sản xuất 270 ha. Các dự án này hiện đã đưa vào sản xuất được 30 ao nuôi. Ngoài các dự án trên, các địa phương ven biển cũng đang xây dựng và lập kế hoạch chuyển đổi tiếp diện tích cát có thể đưa vào nuôi tôm sang nuôi tôm trên cát.
- Bà có thể đánh giá việc nuôi tôm trên cát so với nuôi tôm truyền thống lâu nay?
+ Qua tổng kết tình hình nuôi tôm trên cát trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy việc nuôi tôm trên cát so với nuôi tôm truyền thống lâu nay có nhiều thuận lợi như: Nuôi tôm trên cát tiến hành trên vùng cát, đất hoang hóa ven biển, nên dễ dàng tiến hành khâu quy hoạch cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình nuôi. Nuôi tôm trên cát có lợi thế phù hợp với hình thức nuôi công nghiệp theo phương pháp ít thay nước, cho năng suất cao và hạn chế được việc lây bệnh. Việc chi phí cho công tác cải tạo ao cũng ít hơn nhờ dễ dàng tháo cạn nước khi cần thiết. Ngoài ra, việc nuôi tôm trên cát còn chủ động nuôi 2 vụ/năm mà không sợ lũ lụt… Tuy nhiên, việc nuôi tôm trên cát vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, nuôi vào mùa khô nên nhiệt độ thường cao, độ bốc hơi lớn nên độ mặn trong các ao nuôi cao, cần phải có nguồn nước ngọt để bổ sung. Việc xử lý chất thải, nước thải của quá trình nuôi nếu không được thực hiện nghiêm ngặt thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan vùng ven biển…
- Với những khó khăn và thuận lợi như vậy, định hướng và kế hoạch phát triển diện tích nuôi tôm trên cát của Bình Định trong thời gian đến như thế nào?
+ Thời gian đến nuôi tôm trên cát sẽ được phát triển trên nhiều vùng trong tỉnh. Trước tiên, các dự án nuôi tôm phải được triển khai trên những vùng đã được quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch, thiết kế. Quy trình nuôi tôm trên vùng cát đòi hỏi nghiêm ngặt vì vậy các dự án triển khai phải hội đủ các điều kiện về hệ thống cấp, thoát nước, điện, nước ngọt, hệ thống xử lý nước thải… Ngoài ra, người sản xuất phải được đào tạo để có thể vận hành, quản lý sản xuất một cách có hiệu quả. Và điều quan trọng nhất để hạn chế dịch bệnh và sản xuất có hiệu quả là phải hình thành trên các vùng nuôi các tổ chức quản lý sản xuất theo hình thức cộng đồng.
- Xin cảm ơn bà!
. Ngọc Thái
|