Du lịch Bình Định sẽ phát triển ngang tầm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh
9:14', 11/7/ 2003 (GMT+7)

Du lịch ngày nay không những được coi là ngành công nghiệp theo đúng nghĩa của nó, mà còn có tốc độ phát triển hết sức mạnh mẽ bởi vai trò, vị trí và hiệu quả của nó đối với kinh tế xã hội của các quốc gia, các địa phương. Mặc dù đã có những động thái tích cực để phát triển ngành công nghiệp này, thế nhưng du lịch Bình Định vẫn chưa phát triển ngang tầm, chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định. Chúng tôi đã có cuộc đối thoại với ông Hoàng Văn Thoan, Phó giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Bình Định xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông! Ngày nay, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm của nhiều quốc gia, nhiều địa phương, nhất là những nơi có tiềm năng. Trong xu thế ấy, Bình Định đã và đang làm gì để phát triển du lịch?

+ Tỉnh Bình Định nói chung, TP Quy Nhơn nói riêng ở vào một khu vực có vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn và nhiều điều kiện khác để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong nhiều năm trước đây, trong tình hình chung của ngành du lịch cả nước và các tỉnh trong khu vực, ngành du lịch Bình Định chưa được chú ý phát triển, tiềm năng chưa được khai thác, kết quả và hiệu quả hoạt động du lịch còn thấp. Bắt đầu từ năm 2000-2001, Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết số 02, ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch Bình Định. Theo đó, nhiều nhiệm vụ, biện pháp đồng bộ, tích cực được triển khai thực hiện. Trong một thời gian ngắn, chỉ mới hơn 2 năm rưỡi thực hiện Chương trình, ngành du lịch Bình Định đã thu được những kết quả khả quan.

- Ông có thể cho biết cụ thể về những kết quả khả quan này?

+ Đó là, trên cơ sở quy hoạch dài hạn, tỉnh đã xác định chương trình, chiến lược phát triển ngành du lịch trong từng giai đoạn, trước mắt là giai đoạn 2001-2005; từ đó tập trung các nguồn lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch. Đã xác định các quy hoạch tuyến, khu, điểm du lịch, các dự án đầu tư… làm căn cứ để kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển và kinh doanh du lịch.

Tỉnh đã ban hành các quyết định về quy định các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Đây được coi là một trong những bước chuyển cơ bản về cơ chế quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi mới cho ngành du lịch của tỉnh.

Xác định đặc điểm ngành du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính chất liên ngành, liên vùng, tính xã hội hóa cao; sự phát triển của ngành du lịch phải trên cơ sở đồng thời với sự phát triển của tất cả các lĩnh vực, các ngành khác, tỉnh cũng đã chú ý tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành KTXH, trong đó một số lĩnh vực liên quan, tác động trực tiếp đến ngành du lịch như: Đầu tư cải tạo, xây dựng các công trình giao thông vận tải (đường vào Sân bay Phù Cát, Ga Diêu Trì, các QL 19, 1A, 1D, đường Xuân Diệu Quy Nhơn, đường Cách Thử-Đề Gi…); đầu tư tôn tạo, khôi phục các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật; đầu tư nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, thương mại… Đặc biệt đã chú trọng công tác chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp đô thị TP Quy Nhơn - trung tâm KT-VH-XH của tỉnh và là thành phố du lịch trong tương lai.

Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cũng được tỉnh và các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Thông qua các Hội chợ, Hội thảo, các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa-thể thao-giáo dục…, hình ảnh đất nước, con người Bình Định và ngành du lịch Bình Định đã dần được thể hiện trên bản đồ du lịch Việt Nam và trong khu vực.

Có thể nói, những chủ trương, biện pháp mạnh nói trên của tỉnh, cùng với sự hợp tác, cố gắng của các nhà đầu tư, nhà kinh doanh du lịch, bước đầu đã làm cho ngành du lịch Bình Định có được những chuyển động với xu thế tốt, tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để du lịch Bình Định tiếp tục phát triển và gặt hái những thành quả trong thời gian tới.

- Thế nhưng, du lịch Bình Định vẫn chưa phát triển ngang tầm, vẫn chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ông lý giải điều này như thế nào?

+ Có nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề này, nhưng theo tôi có 3 trở ngại chính. Thứ nhất, mặc dù Bình Định có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, thế nhưng cũng phải thấy rằng chúng ta có những bất lợi thế, những hạn chế so với một số tỉnh trong khu vực: Bình Định ở xa các trung tâm du lịch của cả nước, điều kiện giao thông, nhất là đường hàng không vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của khách. Trở ngại thứ 2 là chúng ta đi sau và thực sự mới chỉ được tập trung phát triển trong thời gian gần đây, cho nên chúng ta chưa có những sản phẩm mạnh và đặc trưng của Bình Định, chưa hấp dẫn khách du lịch. Thứ 3 là về quản lý nhà nước và đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn của tỉnh, chúng ta mới chỉ chú ý tập trung bước đầu, do đó có thể nói vẫn chưa đủ điều kiện để tạo sự bứt phá ngay mà cần phải có thời gian, và thời gian đó dài hay ngắn là tùy thuộc vào sự cố gắng của chúng ta.

- Trước tình hình như vậy, theo ông, cần thực hiện những giải pháp gì để du lịch Bình Định phát triển?

+ Trong thời gian tới, tình hình chung vẫn còn những khó khăn, điều kiện của tỉnh cũng còn những hạn chế. Để đẩy mạnh phát triển du lịch theo định hướng và kế hoạch đã đề ra, cần phải tập trung tích cực nhiều biện pháp sau đây:

Tỉnh cần tiếp tục đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, coi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch. Khẩn trương hoàn thành, phê duyệt các quy hoạch tuyến, khu, điểm du lịch để làm cơ sở kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo thêm nhiều sản phẩm mới của du lịch Bình Định; đồng thời chỉ đạo, tạo điều kiện để các dự án đã và đang triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình đưa vào hoạt động, như: Dự án Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, Dự án Khách sạn COSEVCO, Khách sạn Hoàng Anh - Gia Lai, Resort Ghềnh Ráng, các công trình nâng cấp Khách sạn Quy Nhơn, Hải Âu…

Một số dự án đầu tư phát triển du lịch đã và đang triển khai tại Bình Định

1. Xây dựng quy hoạch và các dự án đầu tư Tuyến du lịch sinh thái Phương Mai-Núi Bà (Tuyến du lịch chủ lực trong hệ thống du lịch của Bình Định).

2. Xây dựng TP phố Quy Nhơn trở thành Trung tâm du lịch (Thành phố du lịch) của tỉnh với các chương trình đầu tư lớn, gồm:

* Các dự án khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp:

- Khu Life Resort Bãi Dài-Quy Nhơn (liên doanh với Aùo, vốn đầu tư 60 tỷ đồng, đã đưa vào hoạt động GĐ1).

- Khách sạn cao cấp Hoàng Anh-Gia Lai (vốn đầu tư 82 tỷ đồng).

- Nâng cấp KS Hải Âu (vốn đầu tư 3 tỷ đồng).

- Nâng cấp KS Quy Nhơn (vốn đầu tư 2 tỷ đồng).

- KS Sài Gòn-Quy Nhơn (vốn đầu tư 60 tỷ đồng, khởi công ngày 10-7-2003).

- Khu Resort Ghềnh Ráng-Quy Nhơn (40 tỷ đồng).

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, nâng cấp nhiều KS, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, nhà hàng ở thành phố Quy Nhơn.

* Các dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, điện, nước, thông tin liên lạc, văn hóa-giáo dục-TDTT:

- Dự án cầu đường Quy Nhơn-Nhơn Hội.

- Dự án đường Xuân Diệu (ven biển Quy Nhơn).

- Khu đô thị mới, khu công nghiệp Nhơn Hội.

- Các dự án Công viên biển Quy Nhơn.

- Mở rộng, nâng cấp Trường ĐH Quy Nhơn.

- Nâng cấp, hiện đại hóa BVĐK tỉnh Bình Định.

- Xây dựng các Trung tâm Hội chợ, thương mại, siêu thị.

- Chương trình làm sạch bãi biển Quy Nhơn.

* Các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

- Dự án đường du lịch Cách Thử-Đề Gi (phục vụ Khu kinh tế-đô thị Nhơn Hội và Tuyến du lịch Phương Mai-Núi Bà.

- Quy hoạch xây dựng, mở rộng Khu di tích Tây Sơn thành khu di tích lịch sử-văn hóa lớn, khu du lịch lớn gắn với lịch sử phong trào Tây Sơn, triều đại Tây Sơn.

- Liên doanh xây dựng Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Một (An Nhơn).

- Đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái Hầm Hô (Tây Sơn).

. (Nguồn: Sở Thương mại và Du lịch Bình Định)  

Đối với tuyến du lịch sinh thái Phương Mai-Núi Bà, đây là tuyến du lịch trọng điểm của Bình Định trong tương lai, cần phải đẩy nhanh tiến độ công trình đường Cách Thử-Đề Gi để cùng với việc triển khai dự án cầu đường Quy Nhơn-Nhơn Hội, hình thành tuyến du lịch sinh thái Phương Mai-Núi Bà với 4 cụm dự án du lịch. Tuyến du lịch này đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, và do đó, tin tưởng rằng nó sẽ sớm được triển khai và tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nhất của du lịch Bình Định.

Cần tiếp tục tôn tạo, phục hồi, nâng cấp, khai thác hệ thống di tích lịch sử và danh thắng của tỉnh, như hệ thống Tháp Chàm, các chùa, Khu di tích Nhà Tây Sơn, các khu danh thắng Hầm Hô, Hồ Núi Một, các bãi biển ở Quy Nhơn và ở các huyện. Đây cũng sẽ là điều kiện cho việc khẳng định các tour du lịch lịch sử-văn hóa, du lịch sinh thái…

Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các Hội chợ, Hội thảo, qua các hoạt động TDTT (các giải bóng đá), hoạt động giáo dục (kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ), qua các lễ hội lớn, xuất bản các ấn phẩm du lịch...

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch, củng cố, đổi mới các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nâng cao khả năng liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch lớn ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… để kết nối, đưa du khách nước ngoài và trong nước đến với Bình Định ngày càng nhiều hơn.

- Xin cám ơn ông.

. Khánh Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng thương hiệu trong hoàn cảnh khó khăn  (08/07/2003)
Nuôi tôm trên cát sẽ phát triển ở nhiều vùng trong tỉnh  (06/07/2003)
Sẽ có 4 nhóm hoạt động lớn tại Hội chợ việc làm  (03/07/2003)
Nhân lực trình độ cao là khâu đột phá quan trọng để kinh tế Bình Định phát triển  (02/07/2003)
Hội nhập AFTA: Cơ hội và thách thức  (01/07/2003)
Chúng tôi tin tưởng cầu vượt đầm Thị Nại sẽ bảo đảm chất lượng, tiến độ  (26/06/2003)
Hy vọng Hội thảo "Bình Định: Tiềm năng và Cơ hội Đầu tư - Kinh doanh" sẽ thành công tốt đẹp  (25/06/2003)
Cần công bố kết quả kiểm nghiệm cho mọi người biết  (24/06/2003)
"Món hàng" sự thật  (22/06/2003)
Triển khai dịch vụ internet băng thông rộng ADSL  (18/06/2003)
Doanh nghiệp với việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa  (17/06/2003)
Trung tâm Học tập cộng đồng là công cụ thiết yếu để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở  (17/06/2003)
Sẽ đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm sữa bò tươi với giá cả có lợi cho người chăn nuôi bò sữa  (13/06/2003)
Nhiều đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao nhưng chưa tham gia bảo hiểm  (10/06/2003)
Vì sao có quá nhiều khiếu nại trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng?   (09/06/2003)