Đến năm 2005, cơ bản xóa hết hộ nghèo diện gia đình chính sách
17:24', 4/8/ 2003 (GMT+7)

Theo thống kê, Bình Định có 1.850 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 404 mẹ còn sống; hơn 25.000 thương binh và 1.881 bệnh binh… Những năm qua, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được phát động và thực hiện sâu rộng, đều khắp ở các địa phương. PV Báo Bình Định có cuộc phỏng vấn ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về kết quả của phong trào này.

- Ông có thể cho biết những kết quả đạt được sau 8 năm thực hiện hai pháp lệnh ưu đãi người có công ở Bình Định?

+ Sau 8 năm (1995-2003) thực hiện hai pháp lệnh ưu đãi người có công Bình Định đã thu được nhiều kết quả khả quan. Các chương trình: nhà tình nghĩa, ổn định đời sống thương binh có tỷ lệ mất sức lao động 81% trở lên, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc cha, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn không nơi nương tựa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi, con thương binh nặng được duy trì và phát triển.

Chẳng hạn, trong việc chăm lo cải thiện nhà ở cho gia đình chính sách, đối tượng có công, đến đầu năm 2003, toàn tỉnh đã xây dựng được 466 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí là 5.333 triệu đồng. Đồng thời, từ năm 2000, tỉnh đã thực hiện chủ trương "xóa nhà lá đơn sơ", xây dựng nhà ở kiên cố cho gia đình chính sách, mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, 5.468 ngôi nhà đơn sơ của hộ chính sách được kiên cố hóa, tổng kinh phí hỗ trợ gần 28,35 tỉ đồng. Toàn tỉnh hiện còn 80 hộ chính sách chưa được cải thiện nhà ở và sẽ cố gắng hoàn thành dứt điểm trong năm nay.

100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống ở trong tỉnh đã được các cơ quan nhận phụng dưỡng suốt đời. Khi ốm đau, các mẹ đều được chính quyền địa phương và đơn vị nhận phụng dưỡng thăm hỏi, chăm sóc chu đáo. Công tác quy tập, chăm sóc mộ, nghĩa trang, nhà bia ghi tên liệt sĩ được quan tâm. Hằng năm, Trung ương và tỉnh đều đầu tư kinh phí để xây dựng và sửa chữa, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ với tổng vốn đầu tư 14,3 tỉ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 1995 đến nay, toàn tỉnh đã quy tập 2.999 hài cốt liệt sĩ và trong 6 tháng đầu năm 2003, tiếp tục phát hiện một số hài cốt liệt sĩ và đang tích cực chuẩn bị để quy tập vào các nghĩa trang trong tỉnh.

Từ năm 1998 đến 2002, cấp tỉnh đã huy động 1,7 tỉ đồng; cấp huyện 1,2 tỉ đồng và cấp xã 2,5 tỉ đồng vào quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng gặp khó khăn hoạn nạn, ốm đau và thăm nhân các ngày lễ tết… Đến nay, 117/155 xã, phường trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công. Những kết quả đó đã góp phần rất lớn nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, người có công ở Bình Định.

- Việc xác nhận đối tượng người có công diện tồn đọng sau chiến tranh hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Sở LĐTBXH đã có lời giải nào đưa ra cho bài toán khó này chưa, thưa ông?

+ Quả thật là đến nay, vẫn còn những đối tượng có công chưa được xác nhận, chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Qua chốt danh sách, hiện vẫn còn tồn đọng gần 4.000 đối tượng. Trong đó, nhiều nhất là những người tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, hy sinh, bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác rà soát, kê khai danh sách diện tồn đọng chưa đúng đối tượng, chưa đúng quy trình, nên số người tuy có tên trong danh sách nhưng vẫn chưa đúng và đủ điều kiện. Việc xác lập hồ sơ và thủ tục chưa đảm bảo theo quy định. Bên cạnh đó, những người cùng chiến đấu, công tác nay không còn hoặc thay đổi nơi ở, thời gian đã lâu, gây nhiều khó khăn cho việc xác nhận. Ngoài ra, một số xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm đến công tác này.

Thực hiện thông tư 09 ngày 28-5-2001 của Bộ LĐ-TB&XH và Chỉ thị 14 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhằm tăng cường trách nhiệm của xã, phường trong việc hướng dẫn thủ tục và xác nhận đối tượng người có công. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ giải quyết tồn đọng còn chậm so với quy định.

Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đôn đốc, đẩy mạnh công tác xác nhận đối tượng, và thực hiện chính sách cho những đối tượng mới được bổ sung. Cụ thể, trong năm nay, cố gắng hoàn thành công tác xác nhận đối tượng người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa, người bị thương, hy sinh thời kỳ kháng chiến, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; thực hiện việc chi trả trợ cấp cho những người có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương sau ngày 1-1-1995 và trợ cấp cho thân nhân những người có công với cách mạng đã chết trước ngày 1-1-1995.

- Hiện nay, vẫn còn khoảng 1.134 gia đình chính sách thuộc hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,27% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Bình Định có những hỗ trợ gì để giúp các hộ chính sách này thoát nghèo?

+ Với những hộ chính sách còn gặp nhiều khó khăn, ngoài trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện chế độ vay vốn ưu đãi từ quỹ xóa đói giảm nghèo để giúp họ sản xuất kinh doanh, thoát khỏi đói nghèo. Bên cạnh đó, bằng con đường xã hội hóa phong trào "đền ơn đáp nghĩa", các hội, đoàn thể trên địa bàn cũng sẽ tích cực giúp đỡ các hộ này kinh nghiệm và phương pháp làm ăn thích hợp, mở ra cho họ những cơ may thoát nghèo... Hơn nữa, thời gian tới, chế độ trợ cấp của Nhà nước sẽ dần dần ổn định. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2005, cơ bản xóa hết hộ nghèo diện gia đình chính sách; tạo điều kiện để hộ chính sách Bình Định có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên cùng địa bàn.

- Xin cảm ơn ông!

. Khải Nhân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đổi mới sáng tạo trong hoạt động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh   (24/07/2003)
Góp thêm ý kiến về việc "Quảng bá cho Quy Nhơn"   (23/07/2003)
Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là Nhà nước đầu tư trực tiếp phần thuế cho hộ nông dân   (21/07/2003)
Làm cho dân thấy được lợi ích của việc làm chủ rừng lâu dài   (15/07/2003)
Bình Định là vùng đất có tiềm năng về du lịch   (13/07/2003)
Thăm và tặng sách cho Bộ đội Biên phòng  (11/07/2003)
Du lịch Bình Định sẽ phát triển ngang tầm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh  (11/07/2003)
Xây dựng thương hiệu trong hoàn cảnh khó khăn  (08/07/2003)
Nuôi tôm trên cát sẽ phát triển ở nhiều vùng trong tỉnh  (06/07/2003)
Sẽ có 4 nhóm hoạt động lớn tại Hội chợ việc làm  (03/07/2003)
Nhân lực trình độ cao là khâu đột phá quan trọng để kinh tế Bình Định phát triển  (02/07/2003)
Hội nhập AFTA: Cơ hội và thách thức  (01/07/2003)
Chúng tôi tin tưởng cầu vượt đầm Thị Nại sẽ bảo đảm chất lượng, tiến độ  (26/06/2003)
Hy vọng Hội thảo "Bình Định: Tiềm năng và Cơ hội Đầu tư - Kinh doanh" sẽ thành công tốt đẹp  (25/06/2003)
Cần công bố kết quả kiểm nghiệm cho mọi người biết  (24/06/2003)