Đấu giá quyền sử dụng đất ở là để chống đầu cơ
17:22', 5/8/ 2003 (GMT+7)

Ngày 29-7-2003, lần đầu tiên tại Quy Nhơn đã diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hồ Quang Mươi- Giám đốc Sở địa chính tỉnh Bình Định về hoạt động giao dịch mới mẻ này.

- Xin ông cho biết mục đích của việc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thành phố Quy Nhơn vừa qua?

+ Theo quy định của UBND tỉnh, việc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại TP Quy Nhơn nhằm chuyển một quỹ đất cho những người có nhu cầu xây dựng nhà ở. Hoạt động này không phải nhằm mục đích thu lại nhiều tiền cho Nhà nước, hoặc nâng giá đất lên, mà nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Đấu giá quyền sử dụng đất ở cũng nhằm chống lại sự đầu cơ, thu lời bất chính từ mua bán đất.

- Kết quả từ phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở đầu tiên ở Quy Nhơn như thế nào?

+ Chúng tôi đã đưa ra đấu giá gồm 78 lô đất, có 128 hộ đăng ký tham gia đấu giá. Qua đấu giá công khai, có 41 hộ trúng đấu giá, đa số họ là người có nhu cầu xây dựng nhà ở. Kết quả của phiên đấu giá này cho thấy: hoạt động đấu giá đã đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân, việc đấu giá cũng khắc phục được tình trạng định giá đất không sát với cái giá của quan hệ cung cầu và giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường. Hơn nữa tổ chức đấu giá đất thì sẽ tập trung được nguồn thu từ đất vào ngân sách Nhà nước, mà không bị rơi rớt bởi sự định giá thấp như trước đây. Đấu giá đất cũng loại bỏ được thu nhập bất chính từ đầu cơ. Từ trước tới nay nhân dân rất than phiền về những tiêu cực trong quá trình giao đất ở, do những mối quan hệ quen biết, thiên... thì qua việc đấu giá quyền sử dụng đất ở công khai, những hiện tượng tiêu cực cũng bị kiên quyết loại bỏ.

- Làm thế nào để chống việc đầu cơ trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất ở, thưa ông?

+ UBND tỉnh đã ra những quy định rất chặt chẽ trong quá trình đấu giá công khai. Đầu tiên, người đăng ký đấu giá phải nộp tiền cọc bằng 5% giá trị khởi điểm của lô đất bán đấu giá. Trong phiên đấu giá, mỗi người tham gia phải có ít nhất một lần trả giá, mỗi lần trả giá phải cao hơn người trả trước ít nhất 1%. Nếu người tham gia đấu giá không trả giá lần nào thì sẽ mất tiền đặt cọc. Sở dĩ có quy định này là nhằm vô hiệu hóa những người đăng ký đấu giá nhưng không trả giá, thông đồng nhau để dành quyền cho một người trúng đấu giá với giá thấp, rồi cùng chia lợi. Quy định thứ hai là: sau khi trúng đấu giá, người tham gia đấu giá phải nộp ngay 10% giá trị lô đất mình đấu trúng. Và sau đó một tháng, khi quyết định giao đất được thông báo đến người trúng đấu giá, mà người trúng đấu giá không nộp tiền và làm các thủ tục nhận đất, thì họ phải mất tất cả các khoản tiền đã nộp trước. Đấu giá đất xong thì trong vòng 12 tháng phải sử dụng theo quy hoạch.

- Theo ông, giá đất được ấn định qua phiên đấu giá vừa qua có thể trở thành giá của thị trường bất động sản ở Quy Nhơn được không?

+ Vâng, đó chính là điều mà UBND tỉnh đang giao cho ngành địa chính nghiên cứu, đề xuất. Theo chúng tôi, trong phiên đấu giá cần phải xác định được giá khởi điểm hợp lý (do Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với các ngành khảo sát xây dựng trên cơ sở giá chuyển nhượng đất thực tế trong thời điểm hiện tại), nhằm chống lại sự đầu cơ đất. Giá khởi điểm đó có thể trở thành cơ sở để tính thuế nhà, thuế đất hay không còn chờ chủ trương của UBND tỉnh. Theo quan điểm của chúng tôi, việc nâng giá đất cần phải rất thận trọng, vì nó sẽ kéo theo việc nâng thuế làm ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số nhân dân. Chính vì vậy UBND tỉnh đang phải cân nhắc, xem xét và tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức… về vấn đề này.

- Xin ông cho biết cụ thể trong phiên đấu giá đầu tiên, có sự chênh lệch như thế nào giữa giá khởi điểm và giá đấu trúng?

+ Những lô đất vừa rồi đấu giá trúng có giá cao hơn từ 6 đến 8 lần so với giá quy định của Nhà nước trước đây. Lô đạt giá cao nhất, có giá đấu trúng cao hơn 15% giá khởi điểm. Xét trên quan hệ cung cầu đất ở tại Quy Nhơn thì mức giá này là hợp lý.

- Trong thời gian tới hoạt động đấu giá đất sẽ được tiếp tục như thế nào, thưa ông?

+ UBND tỉnh đã có chủ trương giao cho chúng tôi liên tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở, dự kiến từ một đến hai tháng tổ chức một lần. Khu đất nào đã quy hoạch để làm đất ở thì được đem ra đấu giá (không kể các khu đất quy hoạch phục vụ chính sách nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp). Cuối tháng 8-2003 phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở thứ hai tại Quy nhơn sẽ được tổ chức. Tại đây sẽ đấu giá toàn bộ các khu đất đã được quy hoạch làm đất ở tại đường Nguyễn Tư thuộc khu vực sân bay Quy Nhơn.

- Xin cảm ơn ông!

. Ngọc Diên (thực hiện)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hội chợ việc làm là cơ hội để tuyên truyền sâu rộng về xuất khẩu lao động   (04/08/2003)
Đến năm 2005, cơ bản xóa hết hộ nghèo diện gia đình chính sách   (04/08/2003)
Đổi mới sáng tạo trong hoạt động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh   (24/07/2003)
Góp thêm ý kiến về việc "Quảng bá cho Quy Nhơn"   (23/07/2003)
Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là Nhà nước đầu tư trực tiếp phần thuế cho hộ nông dân   (21/07/2003)
Làm cho dân thấy được lợi ích của việc làm chủ rừng lâu dài   (15/07/2003)
Bình Định là vùng đất có tiềm năng về du lịch   (13/07/2003)
Thăm và tặng sách cho Bộ đội Biên phòng  (11/07/2003)
Du lịch Bình Định sẽ phát triển ngang tầm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh  (11/07/2003)
Xây dựng thương hiệu trong hoàn cảnh khó khăn  (08/07/2003)
Nuôi tôm trên cát sẽ phát triển ở nhiều vùng trong tỉnh  (06/07/2003)
Sẽ có 4 nhóm hoạt động lớn tại Hội chợ việc làm  (03/07/2003)
Nhân lực trình độ cao là khâu đột phá quan trọng để kinh tế Bình Định phát triển  (02/07/2003)
Hội nhập AFTA: Cơ hội và thách thức  (01/07/2003)
Chúng tôi tin tưởng cầu vượt đầm Thị Nại sẽ bảo đảm chất lượng, tiến độ  (26/06/2003)