Nhân dịp ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp vào công tác tại Bình Định, PV Báo Bình Định đã phỏng vấn Bộ trưởng xung quanh hoạt động sản xuất của công nghiệp miền Trung nói chung, Bình Định nói riêng. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
- PV: Khu vực 13 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có diện tích và dân số chiếm hơn 30% cả nước, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực này chỉ chiếm tỷ trọng 9%. Bộ trưởng có nhận xét gì về các chỉ số này?
+ Bộ trưởng Hoàng Trung Hải: Đúng như anh nói, khu vực 13 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có diện tích và dân số chiếm hơn 30% cả nước. Đây là khu vực có nguồn nhân lực dồi dào, và đầy tiềm năng thiên nhiên để phát triển công nghiệp. Nhưng do vị trí địa lý, địa hình, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội thấp, lại chịu nhiều bất lợi về khí hậu thiên tai… nên giá trị sản xuất trong toàn vùng vẫn còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn ở mức 9% so với công nghiệp cả nước. Tuy nhiên qua các số thống kê cho thấy sản xuất công nghiệp khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trong các năm vừa qua đã tăng trưởng với tốc độ cao; tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp giai đoạn 1999 - 2002 đạt 20,5% năm và 6 tháng đầu năm 2003 đạt 21,8%, cao hơn so với mức tăng trưởng công nghiệp của cả nước. Điều đó nói lên sự cố gắng, nỗ lực to lớn của các địa phương trong vùng và khẳng định bước đi đúng trong phát triển công nghiệp của các tỉnh; lợi thế về tiềm năng của các địa phương đang dần được khai thác, công nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang khởi sắc và phát triển.
- Thưa Bộ trưởng, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương trên địa bàn chiếm 24,8%, thấp xa so với hai đầu đất nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong vùng cũng chiếm tỷ lệ thấp: 14,6%. Phải chăng lâu nay, trong công tác quy hoạch phát triển công nghiệp cả nước, Trung ương đã quên khu vực này?
+ Khu vực các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là những căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ; con người và mảnh đất nơi đây đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, lại thêm những bất lợi về vị trí địa lý, thiên tai đã làm cho cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội ở khu vực này phát triển chậm hơn so với hai đầu cầu đất nước. Vì vậy Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trung ương đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực này, các dự án lưới điện, nhà máy thủy điện công suất lớn, đường giao thông, cảng biển nước sâu, sân bay, khu công nghiệp, khu chế xuất... đã đang được khởi công xây dựng khắp nơi trên khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là tiền đề cực kỳ quan trọng cho những bước phát triển đột phá của kinh tế, xã hội khu vực này trong những năm tới.
Cần khẳng định lại rằng không có việc Trung ương quên các tỉnh miền Trung trong quy hoạch phát triển công nghiệp cả nước. Tuy nhiên tỷ trọng công nghiệp Trung ương trên địa bàn chiếm 24,4%, thấp xa so với hai đầu của đất nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong vùng cũng chiếm tỷ lệ thấp (14,6%) là do công nghiệp của các tỉnh trong vùng có điểm xuất phát thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhỏ bé, chưa có sản phẩm công nghiệp đặc thù có tác động chi phối thị trường trong vùng, chưa nói đến phạm vi cả nước. Các doanh nghiệp công nghiệp trong nước cũng như ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu nên chưa có khả năng tạo nên bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, với những tiềm năng to lớn về tài nguyên và con người của vùng này, cộng thêm sự nỗ lực và tính sáng tạo của các địa phương, nhất định kinh tế và công nghiệp trên địa bàn sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn tới.
- Đánh giá của Bộ trưởng về thực trạng công nghiệp Bình định hiện nay? Để phát triển tốt thì công nghiệp Bình Định phải làm gì? Là thành viên Chính phủ phụ trách 3 tỉnh miền Trung trong đó có Bình Định, bộ trưởng sẽ làm gì để công nghiệp Bình Định và miền Trung theo kịp tốc độ phát triển của cả nước?
+ Về phát triển công nghiệp trên địa bàn Bình Định trong thời gian qua, tôi có một số nhận xét sau:
- Ngành công nghiệp Bình Định đã có những đóng góp đáng kể trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVI, đã từng bước xác định được phương hướng phát triển, tập trung khai thác tốt một số tiềm năng, thế mạnh, đã đầu tư được một số dự án sản xuất sản phẩm mới có hiệu quả kinh tế xã hội. Hiện nay hệ thống lưới điện của Bình Định đã được cải tạo hoặc lắp đặt mới, 157 xã, phường của Bình Định đều được cung cấp điện. Bình Định ngày nay đã được biết đến thông qua một loạt các công ty đóng trên địa bàn tỉnh như: Công ty bia Quy Nhơn công suất 20 triệu lít/năm, Xí nghiệp liên doanh sữa 20 triệu lít/năm, Công ty giầy Bình Định, Công ty Đường Bình định công suất 1.800 tấn mía/ngày, Nhà máy chế biến gỗ ván dăm công suất 5.000 m3/năm… Các công ty này đang hoạt động rất hiệu quả và đóng góp nhiều cho ngân sách của tỉnh.
- Xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng dần, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 35% GDP. Trong thời gian qua tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Bình Định đạt khá cao, giai đoạn 1996-2000 là 27,91%/ năm, giai đoạn 2001-2002 đạt 14% và 6 tháng đầu năm 2003 đạt 20,8% (ước thực hiện năm 2003 đạt 21,5%).
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định đang hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy cao như KCN Phú Tài - Long Mỹ, Nhơn Hội, Tam Quan… cùng các dự án đầu tư mới dự kiến triển khai thực hiện trong thời gian tới với tổng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, như dự án công ty may xuất khẩu công suất 5 triệu sản phẩm/năm, công ty bông Bình Định, nhà máy may Phù Cát, các nhà máy chế biến hải sản, súc sản đông lạnh công suất 1.500 - 2.000 tấn/năm đặt tại Quy Nhơn, Phù Cát và Phù Mỹ, nhà máy sản xuất săm lốp ô tô xuất khẩu công suất 2 triệu bộ/năm tại KCN Nhơn Hội, nhà máy gỗ ván dăm công suất 10.000 m3/năm… đặc biệt là dự án nhà máy thủy điện tích năng đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ được xây dựng vào những năm 2006-2010 trên sông Côn tại xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh để đến năm 2011 đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành. Tổng vốn đầu tư của công trình dự kiến vào khoảng 7.700 tỷ đồng với tổng công suất 5 x 200 MW = 1.000 MW. Ngoài ra giai đoạn 2006-2010 có dự kiến triển khai xây dựng và đưa vào vận hành 2 tổ máy của nhà máy thủy điện sông Côn với tổng công suất 40 MW theo hình thức BOT. Các cụm, KCN và các dự án nêu trên khi được đưa vào vận hành sẽ tạo nên những bước đột phá trong công cuộc CNH - HĐH của Bình Định.
Tiềm năng, lợi thế và nguồn lực phát triển của các tỉnh miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng cho thấy khu vực này có những điều kiện cần thiết và thuận lợi để công nghiệp phát triển hơn nữa trong tương lai.
Hiện nay công nghiệp trên địa bàn một số tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định, còn chưa phát triển và chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Vì vậy biện pháp phát triển công nghiệp khu vực này là song song với việc chuẩn bị đầu tư các công trình mới, cần sắp xếp, củng cố lại các doanh nghiệp hiện có, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và thiết bị theo hướng tăng mức chế biến sâu để nâng cao giá trị hàng hóa, tăng khả năng thâm nhập vào thị trường xa, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác đầu tư xây dựng mới các xí nghiệp sử dụng nguyên liệu là tài nguyên, khoáng sản, cây trồng, tài nguyên nước của tỉnh. Đồng thời hết sức chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện đầu tư phát triển công nghiệp nhanh chóng, thuận lợi.
Để phát triển công nghiệp với tốc độ cao, ổn định và bền vững cần phát huy triệt để nội lực của Bình Định cũng như tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước bằng các hình thức liên doanh, liên kết, liên danh với nước ngoài, với các thành phần kinh tế khác trong nước, kể cả kinh tế quốc doanh Trung ương cũng như kinh tế tư nhân. Cần xây dựng các chính sách, cơ chế kinh tế linh hoạt nhằm động viên khuyến khích, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào công nghiệp. Trong quá trình thực hiện xây dựng công nghiệp theo Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cần phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong và ngoài nước.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
. Cát Hùng (Thực hiện)
|