Làm gì để đào tạo được 400 lập trình viên quốc tế ?
17:41', 19/8/ 2003 (GMT+7)

Học viên lớp lập trình viên quốc tế tại Trung tâm Quy Nhơn-Aptech

Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin (CNTT) Bình Định được thành lập vào tháng 7-2002. Chỉ 6 tháng sau, thông qua liên kết đào tạo với tập đoàn Aptech - Ấn Độ, Trung tâm đã khai giảng khóa học đầu tiên của lớp lập trình viên (LTV) quốc tế. Đến nay, tại Trung tâm đào tạo LTV quốc tế Quy Nhơn-Aptech đã có gần 90 học viên theo học các lớp LTV quốc tế và Kỹ thuật viên mạng máy tính. Tuy vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Trung tâm là đến năm 2005 đào tạo được 400 LTV quốc tế tại Bình Định là một thử thách lớn.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Võ Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển CNTT Bình Định xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, là một trong những đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh, trong thời gian qua, Trung tâm hỗ trợ phát triển CNTT Bình Định đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, kết quả ra sao?

+ Thực ra, Trung tâm của chúng tôi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2-2003 với nhiệm vụ được tỉnh giao là đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu phục vụ phát triển CNTT của tỉnh Bình Định. Sau hơn 5 tháng chính thức đi vào hoạt động, Trung tâm đã tổ chức đào tạo được 5 lớp, gồm 2 lớp LTV quốc tế, có 36 học viên theo học, 2 lớp kỹ thuật viên quốc tế, 33 học viên và 1 lớp quản trị mạng đào tạo theo chứng chỉ quốc tế có 20 học viên. Ngày 20-7 vừa qua, Trung tâm đã tổ chức thi tuyển lớp đào tạo LTV quốc tế. Đây là các lớp đào tạo LTV được Trung tâm chiêu sinh hàng tháng kể từ khi thành lập Trung tâm đến nay. Nhìn chung, tại các lớp đào tạo, các học viên đều học tập rất nghiêm túc. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được Tập đoàn Aptech cấp chứng chỉ. Chứng chỉ này có giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Theo ông, việc đào tạo LTV quốc tế, kỹ thuật viên mạng máy tính giúp gì cho tỉnh Bình Định trong việc ứng dụng và phát triển CNTT - một lĩnh vực mà tỉnh hiện đang tụt hậu so với mặt bằng chung trong nước và một số tỉnh trong khu vực?

+ Giúp rất nhiều chứ! Vì như tôi đã nói, đây là đội ngũ được đào tạo chuyên sâu và đặc biệt là được chú trọng ở kỹ năng, từ những chuyên viên quản lý mạng cho đến những chuyên viên lập trình. Nó giúp cho các học viên có những kỹ năng hoàn hảo, đoán trước được, dự báo được những xu hướng phát triển của công nghiệp phần mềm trong tương lai, và có thể sản xuất ra những sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế mà trong tương lai các Công ty phần mềm sẽ tiếp nhận. Với trình độ như vậy, nếu công tác tại tỉnh thì họ sẽ góp phần nâng mặt bằng chung về CNTT cho tỉnh.

- Chúng tôi được biết, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2005 sẽ đào tạo 400 LTV quốc tế. Vậy Trung tâm có những định hướng như thế nào, sẽ làm gì để thực hiện và đạt được mục tiêu này?

+ Trước hết, về cơ sở vật chất, chúng tôi đã báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy, với UBND tỉnh, và cũng rất mừng là vừa rồi, Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đầu tư xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển CNTT của tỉnh bằng nguồn vốn địa phương. Vị trí xây dựng Trung tâm đã được xác định là tại số nhà 01 đường Ngô Mây, TP Quy Nhơn và tòa nhà của Trung tâm sẽ được xây dựng từ 11–15 tầng. Mọi việc đều đang được tiến hành, nhưng có lẽ phải đến 2005 mới khởi công. Còn về kế hoạch đào tạo, thì như đã nói, Trung tâm thực hiện chiêu sinh hàng tháng. Các lớp LTV đều phải thi tuyển. Những người có nhu cầu học có thể đến trực tiếp tại Trung tâm, hoặc qua điện thoại để đăng ký dự tuyển.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Bình Định hiện nay?

+ Bình Định có nhiều ưu thế: có trường ĐHSP Quy Nhơn với 1 khoa tin học đào tạo nhân lực CNTT bậc ĐH, trường CĐSP cũng đào tạo về tin học, và nhiều cơ sở đào tạo tin học các trình độ khác nhau. Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, các trung tâm đào tạo tin học ở Bình Định còn phân tán, nhất là các trung tâm của tư nhân. Thứ nhất, giáo trình đào tạo chưa chuẩn. Thứ hai, phòng máy chưa đầy đủ, trang thiết bị còn nghèo nàn trong khi CNTT yêu cầu là phải có sự đầu tư lớn và giáo trình phải chuẩn. Trong giai đoạn chúng ta từng bước tiếp cận với quốc tế, thì việc đào tạo càng đòi hỏi phải có quy mô, bài bản. Tôi e rằng vấn đề đào tạo của chúng ta hiện nay đang thiếu một sự chuẩn hóa. Ngay ở các trường PTTH - nơi chuẩn bị cho các em học sinh bước vào ĐH thì cũng chưa đủ các phương tiện để các em tiếp cận với tin học. Vì vậy, đây cũng là khó khăn, thách thức rất lớn trong quá trình hội nhập của Bình Định.

- Vậy theo ông, làm thế nào để CNTT Bình Định phát triển theo như kế hoạch và mong muốn của những ai quan tâm đến vấn đề này?

+ Tôi cho rằng cần phải có sự chỉ đạo tập trung của Ban chỉ đạo phát triển CNTT của tỉnh. Trước hết, cần phải nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền về vai trò và tầm quan trọng của CNTT trong mọi lĩnh vực của đời sống KTXH hiện nay. Thứ 2, cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho CNTT. Thứ 3 là phải chuẩn hóa đội ngũ cán bộ (trong đó có yêu cầu về trình độ tin học nhất định), phải có biên chế cán bộ CNTT trong từng cơ quan, đặc biệt là những cơ quan lãnh đạo ở địa phương các cấp. Ở những sở ngành lớn, nhất thiết phải có Phòng CNTT để quản trị những cơ sở dữ liệu. Ở những nơi đã được trang bị hệ thống máy vi tính, cần phải ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa các phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành. Một yếu tố quan trọng khác của CNTT là phải chú trọng phát triển thương mại điện tử, hiện nay vấn đề này ở Bình Định đang rất yếu.

- Xin cám ơn ông.

. Khánh Hoàng (thực hiện)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giải thưởng Quang Trung về học tập sẽ là một giải thưởng có ý nghĩa   (18/08/2003)
Về việc xét tuyển công chức ngành Giáo dục- Đào tạo năm học 2003-2004   (17/08/2003)
Cơ hội gặp gỡ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng  (14/08/2003)
Công nghiệp miền Trung - Tây Nguyên đang khởi sắc và phát triển   (11/08/2003)
Sẽ có khoảng 15 DN thuộc KCN tham gia Hội chợ Việc làm   (08/08/2003)
Đấu giá quyền sử dụng đất ở là để chống đầu cơ   (05/08/2003)
Hội chợ việc làm là cơ hội để tuyên truyền sâu rộng về xuất khẩu lao động   (04/08/2003)
Đến năm 2005, cơ bản xóa hết hộ nghèo diện gia đình chính sách   (04/08/2003)
Đổi mới sáng tạo trong hoạt động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh   (24/07/2003)
Góp thêm ý kiến về việc "Quảng bá cho Quy Nhơn"   (23/07/2003)
Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là Nhà nước đầu tư trực tiếp phần thuế cho hộ nông dân   (21/07/2003)
Làm cho dân thấy được lợi ích của việc làm chủ rừng lâu dài   (15/07/2003)
Bình Định là vùng đất có tiềm năng về du lịch   (13/07/2003)
Thăm và tặng sách cho Bộ đội Biên phòng  (11/07/2003)
Du lịch Bình Định sẽ phát triển ngang tầm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh  (11/07/2003)