Việc giữ xe tại nhà là một giải pháp mở, mang tính nhân văn
16:39', 16/9/ 2003 (GMT+7)

UBND tỉnh Bình Định đã có Quyết định số 150/2003/QĐ-UB về việc tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ tại nhà chủ sở hữu (chỉ áp dụng đối với xe mô tô, xe máy). Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-9-2003. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về nội dung của Quyết định này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Tâm, Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó Ban ATGT tỉnh.

- Thưa ông, được biết tỉnh Bình Định là địa phương đầu tiên thực hiện phương thức tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự ATGT đường bộ tại nhà chủ sở hữu. Vậy ông có thể cho biết Quyết định này của UBND tỉnh ra đời trên cơ sở nào?

+ Quyết định của UBND tỉnh về việc tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự ATGT đường bộ tại nhà chủ sở hữu ra đời trên cơ sở thực tế hoạt động tại các kho bãi giữ phương tiện giao thông vi phạm trong phạm vi toàn tỉnh thời gian qua không còn đủ sức chứa và công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các bãi giữ xe vi phạm ở thành phố Quy Nhơn có sức chứa từ 150-200 xe mô tô và xe máy, ở các huyện là khoảng 100 xe. Thế nhưng thời gian gần đây phương tiện vi phạm bị bắt tạm giữ trên địa bàn tỉnh rất nhiều, nên sức chứa ở các bãi này luôn bị quá tải, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo quản và dễ gây cháy nổ. Biện pháp giữ xe tại nhà nhằm giúp cho người vi phạm tự quản lấy phương tiện vi phạm của mình, hạn chế tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe và tránh xảy ra cháy nổ. Hơn nữa, đây là một giải pháp mở, mang tính nhân văn, nếu thực hiện tốt sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ.

- Xin ông cho biết các hành vi vi phạm nào sẽ được áp dụng tạm giữ phương tiện tại nhà?

+ Các hành vi vi phạm được áp dụng tạm giữ phương tiện tại nhà khi người điều khiển phương tiện: không có giấy phép lái xe; chưa đủ tuổi quy định; vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều; sử dụng rượu, bia quá quy định hoặc sử dụng chất kích thích mà pháp luật cấm; chở quá số người quy định; tránh vượt sai quy định; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; cản trở việc tiến hành kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; phương tiện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Thời gian tạm giữ phương tiện tại nhà được quy định tối thiểu là 10 ngày và không phải đóng phí như tạm giữ tại bãi tập trung của cơ quan công an. Hết thời gian tạm giữ, chủ phương tiện hoặc người vi phạm đưa xe đến cơ quan ra quyết định xử lý để kiểm tra, tháo niêm phong và làm thủ tục nộp phạt theo quy định.

- Theo hướng dẫn thực hiện niêm phong của Công an tỉnh là kẹp chì vào một chiếc niêm phong bằng mê - ca mang dòng chữ "Xe đang tạm giữ" ở cổ hoặc sau biển số xe, điều này khiến người vi phạm dễ dàng che lấp niêm phong và tiếp tục sử dụng phương tiện trong thời gian tạm giữ?

+ Đề ra các quy định như vậy, nhưng mặt khác chúng ta cần phát huy tinh thần tự giác của người dân. Theo tôi nghĩ, số người ngoan cố tiếp tục vi phạm không nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh việc niêm phong, phương tiện vi phạm còn bị tạm thu biển số và giấy đăng ký xe đối với xe đã đăng ký, chứng từ gốc đối với xe chưa đăng ký. Mặt khác chúng tôi cũng có những biện pháp mạnh đối với những trường hợp tiếp tục vi phạm này, ngoài quy định phạt nặng như trong quyết định, chúng tôi sẽ mở đường dây nóng để người dân sẵn sàng tố cáo các phương tiện đang bị tạm giữ mà vẫn lưu hành; bổ sung các biện pháp khác như xác nhận của hàng xóm và công an sở tại về tình hình chấp hành quyết định tạm giữ phương tiện giao thông tại nhà của chủ phương tiện trước khi tiến hành tháo niêm phong cho xe trở lại tham gia giao thông. Nếu phát hiện phương tiện đang bị tạm giữ tiếp tục lưu thông và có những vi phạm tiếp theo thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm trước đó theo mức tối đa, đồng thời xử lý hành vi vi phạm tiếp theo theo quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19-2-2003 của Chính phủ và bổ sung biện pháp tạm giữ phương tiện 60 ngày tại kho bãi của cơ quan Công an.

- Thông thường, một quyết định nào cũng có những mặt hạn chế. Vậy ông có lường trước là sẽ có tiêu cực phát sinh từ đây?

+ Theo như những quy định trên, người vi phạm rất muốn được tạm giữ phương tiện vi phạm tại nhà. Trong khi đó, việc giữ phương tiện vi phạm tại bãi tập trung của cơ quan công an hay tại nhà tùy thuộc rất lớn vào nhận định chủ quan của người kiểm soát giao thông. Bởi vậy, chúng tôi đã lường trước những trở ngại khi thực hiện quyết định này. Chẳng hạn việc cán bộ cảnh sát giao thông ngại phiền phức, sợ mất thu phí tại các bãi tập trung nên không cho được giữ phương tiện vi phạm tại nhà. Ngoài ra, vì tiêu cực hoặc vì thân quen, những vi phạm phải tạm giữ phương tiện vi phạm tại bãi tập trung lại cho tạm giữ tại nhà. Chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra để ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực này.

. Nhơn Thiện (thực hiện)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ở Bình Định đã ngày càng xuất hiện khá nhiều mô hình cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm   (12/09/2003)
Tình trạng nghẽn mạch của mạng Vinaphone sẽ được khắc phục vào cuối tháng 9   (10/09/2003)
Trại viết Văn nghệ Dân gian Việt Nam lần thứ VII -2003 đã thành công ngoài dự kiến   (08/09/2003)
Trung tâm Thương mại Quy Nhơn sẽ khai trương vào cuối năm nay  (27/08/2003)
Có đủ sách giáo khoa lớp 2, lớp 7 và thiết bị phục vụ năm học mới   (26/08/2003)
Doanh nghiệp tham dự hội chợ đông hơn mức mà chúng tôi dự kiến   (25/08/2003)
Cơ sở Mười Thu luôn chú ý đến chất lượng sản phẩm   (22/08/2003)
Hoạt động kinh doanh xăng dầu ở Bình Định có những "tín hiệu" đáng mừng   (20/08/2003)
Làm gì để đào tạo được 400 lập trình viên quốc tế ?   (19/08/2003)
Giải thưởng Quang Trung về học tập sẽ là một giải thưởng có ý nghĩa   (18/08/2003)
Về việc xét tuyển công chức ngành Giáo dục- Đào tạo năm học 2003-2004   (17/08/2003)
Cơ hội gặp gỡ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng  (14/08/2003)
Công nghiệp miền Trung - Tây Nguyên đang khởi sắc và phát triển   (11/08/2003)
Sẽ có khoảng 15 DN thuộc KCN tham gia Hội chợ Việc làm   (08/08/2003)
Đấu giá quyền sử dụng đất ở là để chống đầu cơ   (05/08/2003)