|
Học sinh trường THCS Quang Trung - Quy Nhơn biểu diễn trích đoạn "Trần Quốc Toản ra quân" |
Như chúng tôi đã đưa tin, từ đầu tháng 9, Dự án Sân khấu học đường (DA SKHĐ) chính thức được triển khai tại ba trường THCS: Bình Tường (huyện Tây Sơn), thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn) và Quang Trung (TP Quy Nhơn). Thực hiện DA này là con đường tích cực để đưa sân khấu truyền thống (SKTT) đến với giới trẻ. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về DA, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn NSƯT Hòa Bình, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, về vấn đề này.
- Mục tiêu chính khi triển khai DA này tại Bình Định là gì, thưa bà?
+ Đưa SKTT tiếp cận với giới trẻ, để góp phần thành hình lớp khán giả trẻ, diễn viên kế cận trong tương lai luôn là vấn đề đáng quan tâm. Phải làm sao để các em, ngay từ thời thơ ấu của cuộc đời, không còn cảm thấy xa lạ với những bộ môn nghệ thuật dân tộc. DASKHĐ đã ra đời với mục tiêu như vậy.
Trước đây, do một số trở ngại, DA chưa được triển khai tại Bình Định. Năm 2003 này, Bình Định là một trong 5 tỉnh trong cả nước được chọn để triển khai DA. Tuy có muộn màng so với các địa phương khác, nhưng việc triển khai DA đã mở ra nhiều hy vọng cho những người nặng lòng với SKTT. Mục tiêu chính của chúng tôi khi triển khai DA vẫn là hình thành khán giả trẻ của SKTT và qua đó, biết đâu, trong những "nghệ sĩ" nhỏ tuổi hôm nay, sẽ có những em lóe sáng tài năng, và trở thành người kế thừa ngày mai của SKTT.
- Triển khai DASKHĐ tại Bình Định, so với các địa phương khác, hẳn sẽ có nhiều thuận lợi. Những thuận lợi đó là gì, thưa bà?
+ Là một trong những cái nôi của nghệ thuật Tuồng, vốn đã hình thành một lớp khán giả say mê bộ môn nghệ thuật truyền thống này, việc triển khai DASKHĐ tại Bình Định có nhiều thuận lợi. Hơn nữa, chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm bước đầu trong việc đưa SKTT vào học đường. Từ hơn 5 năm nay, mô hình Câu lạc bộ "Em yêu tiếng hát dân ca và tuồng" tại Trường THCS Quang Trung đã hoạt động rất hiệu quả. Các em học sinh ở đây đã được các nghệ sĩ truyền thụ nghệ thuật truyền thống và đã đến với nó bằng một tấm lòng trân trọng, say mê. Nhiều trích đoạn đã được các em biểu diễn thành công và nhận được nhiều khen ngợi. Qua đó, các nghệ sĩ Nhà hát cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc truyền thụ SKTT cho các em học sinh. Những kinh nghiệm bước đầu như vậy của việc đưa SKTT vào học đường như tại Trường THCS Quang Trung là rất quý khi triển khai DASKHĐ.
- Tiến trình thực hiện của DA sẽ như thế nào, thưa bà?
+ DA sẽ được thực hiện trong ba tháng, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2003, với tổng kinh phí khoảng 130 triệu đồng. DA được triển khai tại ba trường THCS: Bình Tường (huyện Tây Sơn), thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn) và Quang Trung (TP Quy Nhơn). Đây là các trường tại các địa phương có phong trào hát Tuồng và người dân yêu thích Tuồng, cũng như tiêu biểu cho các vùng địa lý của tỉnh.
DA sẽ tiến hành theo ba bước. Đầu tiên, các nghệ sĩ Nhà hát biểu diễn minh họa vở Thạch Sanh, giới thiệu những nét đẹp của bộ môn nghệ thuật này và giao lưu bằng cách đặt ra các câu hỏi để các em trả lời. Sau đó, mỗi trường sẽ tổ chức tuyển chọn một nhóm từ 15 đến 20 em học sinh lớp 8, yêu thích nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ chịu trách nhiệm truyền dạy nghệ thuật Tuồng cho các em và tập các trích đoạn. Các trích đoạn có nội dung phù hợp với lứa tuổi và có nhiều hành động, ít hát. Tiếp theo, chúng tôi sẽ cho các em học sinh ba trường giao lưu, diễn báo cáo và tổng kết DA. Kết thúc DA, các em học sinh không chỉ hiểu, yêu thích nghệ thuật tuồng mà có thể diễn được từ 2 đến 3 trích đoạn.
- Với một DA chỉ tiến hành trong 3 tháng, với một số lượng học sinh tham gia rất hạn chế, thì chỉ có thể xem là bước khởi đầu trên con đường dài để SKTT đến với giới trẻ. Vậy sau khi DA kết thúc, những công việc này có được tiếp diễn?
+ Quả thật, thời gian ba tháng, có chăng cũng chỉ đủ khơi gợi trong các em niềm yêu thích, say mê với nghệ thuật truyền thống. Bởi vậy, chúng tôi rất hy vọng rằng, sau khi kết thúc DA, sẽ có điều kiện để không chỉ duy trì mà còn nhân rộng DA sang các trường khác. Và rồi từ những hạt nhân ban đầu như vậy, SKTT sẽ tìm lại được người xem của mình.
- Nhưng việc triển khai DA liệu có ảnh hưởng đến việc học tập của các em học sinh tham gia, thưa bà?
+ Tham gia DA phải là những học sinh khá, giỏi và DA được triển khai vào chủ nhật hàng tuần, ngoài giờ học chính khóa. Nội dung của DA cũng phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Các em cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc học. Hơn nữa, việc tham gia vào DA của các em học sinh là hoàn toàn không áp đặt. Do vậy, tham gia DA sẽ không ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
- Hiện nay, bước 1 của DA đã hoàn tất. Bà đánh giá như thế nào về sự tiếp nhận của các em?
+ Nhìn chung là rất đáng phấn khởi. Các buổi giao lưu diễn ra sôi nổi, các em học sinh tiếp nhận nhanh và trả lời rất tốt các câu hỏi. Sau khi xem các bạn ở Trường THCS Quang Trung diễn các trích đoạn, được thầy giáo hỏi: "Các em có làm được như các bạn không?", các em trả lời: "Làm được!".
- Xin cảm ơn bà!
. Lê Viết Thọ (thực hiện) |