Trước thềm Đại hội lần thứ IV Hội Nhà báo tỉnh Bình Định (nhiệm kỳ 2003 - 2008), PV Báo Bình Định đã gặp gỡ ông Võ Xuân Phụng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh trao đổi những vấn đề bức xúc về công tác Hội.
- Thưa anh, phải thừa nhận rằng, Hội Nhà báo BĐ trong nhiệm kỳ 1998-2003 đã có nhiều hoạt động sôi nổi và đem lại hiệu quả thiết thực. Điều gì đem lại sự khởi sắc này?
+ Với tư cách là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của những người làm báo, đại diện cho quyền lợi của các nhà báo, Hội Nhà báo (HNB) Bình Định có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho các nhà báo và góp phần vào sự chỉ đạo, quản lý báo chí, xây dựng và thúc đẩy các chính sách, pháp luật về báo chí ở địa phương. Thực hiện các nhiệm vụ trên, trong 5 năm qua, HNB Bình Định đã có nhiều cố gắng đoàn kết giới báo chí trong tỉnh, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị, tổ chức các sinh hoạt văn hóa thể thao và nhiều hoạt động xã hội khác trong giới báo chí nhằm phát huy năng lực các nhà báo phục vụ cho sự nghiệp phát triển báo chí tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Sự khởi sắc của HNB tỉnh bắt đầu từ sự quan tâm củng cố về tổ chức và tăng cường nguồn lực cho Hội của lãnh đạo tỉnh. Bên cạnh đó là sự tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo điều kiện để các cấp HNB VN hoạt động có hiệu quả nhất là từ sau Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 24-11-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Một yếu tố quan trọng khác đó là sự thay đổi nhanh chóng diện mạo báo chí tỉnh nhà cùng với sự trưởng thành của đội ngũ làm báo… Với những điều kiện thuận lợi đó và kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm các nhiệm kỳ trước, Ban chấp hành HNB nhiệm kỳ 1998 – 2003 đã hoạt động năng nổ, sáng tạo, thật sự đổi mới, tạo được nhiều chuyển biến mới trên mọi lĩnh vực hoạt động.
- Theo chỗ chúng tôi được biết thì một trong những vấn đề mà hội viên quan tâm hàng đầu và cũng là đòi hỏi chính đáng với HNB tỉnh là làm sao để họ được học tập, nâng cao trình độ chính trị và trình độ nghiệp vụ một cách tốt nhất và thường xuyên hơn. Theo anh trong Đại hội lần thứ IV này, HNB Bình Định cần phải làm gì để đáp ứng nguyện vọng đó?
+ Một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ IV đã xác định và sẽ được thảo luận trong Đại hội này là việc đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của nhà báo, góp phần xây dựng một đội ngũ nhà báo giỏi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới và theo kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban chấp hành khóa III có nhiều cố gắng trong công tác này nhưng hiệu quả chưa cao. Qua thảo luận tại Đại hội lần này, Hội sẽ tìm ra những phương thức phù hợp để công tác đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả và chất lượng hơn. Ví dụ như mở lớp Đại học báo chí tại chức, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày tại chỗ, gửi các nhà báo đang công tác dự các lớp đào tạo nghiệp vụ do HNB VN phối hợp với trường báo chí Lille (Pháp) mở, gửi phóng viên mới đến một số cơ quan báo chí Trung ương có uy tín và kinh nghiệm nhờ kèm cặp… Trong dự thảo báo cáo của Ban chấp hành khóa III có nêu ra mục tiêu trong 5 năm tới bằng nhiều hình thức phấn đấu có 100% hội viên được đào tạo nghiệp vụ đạt trình độ Đại học báo chí.
- Với tư cách là Phó chủ tịch thường trực HNB tỉnh trong nhiệm kỳ III được theo dõi khá kỹ hoạt động của các Chi hội cơ sở, anh có điều gì băn khoăn về hoạt động Hội ở cơ sở không?
+ Một trong những mặt yếu của HNB trong những năm qua mà Ban chấp hành cũng rất quan tâm là chất lượng hoạt động của các chi hội cơ sở. Hiện nay ở tất cả các cơ quan báo chí và các tạp chí trong tỉnh đều có chi hội nhà báo nhưng nhìn chung hoạt động còn lúng túng, mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Có chi hội trong suốt cả năm không sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân là sự phối hợp giữa chi hội với lãnh đạo cơ quan thiếu chặt chẽ, cán bộ chi hội thiếu nhiệt tình và chủ động trong công việc. Tôi tin rằng vấn đề này sẽ được thảo luận tại Đại hội IV để tìm ra một giải pháp chung nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của cấp chi hội trong nhiệm kỳ tới.
- Còn với báo chí trong tỉnh, theo anh, những vấn đề gì là bức xúc nhất cần tập trung giải quyết. Trong những vấn đề đó, HNB có vai trò trách nhiệm như thế nào?
+ Trước hết cần xác định, báo chí Bình Định đã có những tiến bộ đáng mừng, trình độ nghiệp vụ của các nhà báo trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí được trang bị tương đối hiện đại và đồng bộ. Báo chí trong tỉnh nói chung ngày càng được bạn đọc và khán thính giả yêu mến và do đó uy tín của báo chí ở Bình Định cũng được nâng cao hơn trước. Tuy nhiên cũng cần thấy là chúng ta còn nhiều mặt hạn chế. Trước hết là đội ngũ nhà báo trong tỉnh chưa được đào tạo về nghề báo một cách chính quy, cơ hội để các nhà báo tiếp xúc, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm rất ít do đó tính chuyên nghiệp của các nhà báo không cao. Các nhà báo lại làm việc trong môi trường không bị tác động của qui luật cạnh tranh như các thành phố lớn nên ý thức rèn luyện để vươn lên không mạnh mẽ. Mặt khác chế độ đối với những người làm việc ở các cơ quan báo chí chưa tương xứng. Đây có thể coi là những lực cản làm cho báo chí tỉnh nhà chưa vươn lên được như mong muốn của công chúng và của chính những người làm báo. Những vấn đề trên, trong một chừng mực nào đó đều có liên quan đến trách nhiệm của HNB, trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, tham gia xây dựng các chính sách đối với báo chí và nhà báo.
- Xin cảm ơn anh!
. Quang Khanh (thực hiện)
|