|
Tiến sĩ Lê Trường Tùng |
Mặc dù mới ra đời trong khoảng vài vài năm gần đây song Aptech Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong việc đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Giám đốc Hệ thống Aptech Việt Nam về sự phát triển của Aptech Việt Nam và Aptech Bình Định nói riêng.
- Trước hết, đề nghị ông cho biết quá trình hình thành và phát triển của Aptech Việt Nam?
+ Trung tâm đầu tiên của Aptech Việt Nam được đưa vào hoạt động từ tháng 9-1999. Đây là thời điểm Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển công nghệ phần mềm. Chúng ta coi phần mềm như là một hướng hoạt động quan trọng không chỉ đơn thuần như là một ngành khoa học công nghệ mà là một ngành kinh tế kỹ thuật, với hy vọng sẽ có tỉ trọng tăng về kinh tế và một trong những cách thức để hòa nhập vào nền kinh tế chung. Năm 1999, hai Trung tâm Aptech đầu tiên của Việt Nam được thành lập ở Hà Nội và TPHCM. Qua khoảng 4 năm hoạt động, đến nay Aptech đã thành lập được 19 Trung tâm ở 12 tỉnh, thành. Thực tế, qua công việc mà lứa học viên đầu tiên của Aptech tốt nghiệp cách đây 2 năm hiện đang làm việc tại Công ty phần mềm đã chứng minh rằng việc chọn Aptech để triển khai ở Việt Nam là đúng đắn.
- Ông có thể cho biết cụ thể về những thành công của Aptech Việt Nam?
+ Có thể nói Aptech Việt Nam là một hệ thống đào tạo CNTT số 1 ở Việt Nam hiện nay. Điều này thể hiện qua số lượng trung tâm, số người được đào tạo. Trung bình 1 năm Aptech Việt Nam đào tạo được từ 7.000 đến 10.000 người. Riêng năm 2003 số lượng học viên đăng ký được đào tạo ở Aptech gần 5.000 người. Đây là con số rất có ý nghĩa, bởi vì hiện ở Việt Nam có một số trung tâm ở các trường Đại học lớn nhưng mỗi năm cũng chỉ đào tạo được khoảng vài trăm người. Trong đó, một thành công lớn của Aptech là đào tạo được Lập trình viên quốc tế. Đây là cụm từ đầu tiên được dùng ở Aptech và đã trở thành cụm từ được thiết lập như một chuẩn chung. Chuẩn này không phải chỉ ở Việt Nam mà được nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Bên cạnh đó, Aptech luôn hướng tới vấn đề chất lượng. Hiện tại, trong số 19 trung tâm thì Aptech có 3 Trung tâm đã được chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001-2000. Hiện Aptech có khoảng trên 300 giảng viên có trình độ khá cao. Và, thành công lớn nhất của Aptech Việt Nam là đã gia nhập vào hệ thống Aptech toàn cầu. Chính sự hội nhập này đã tạo cho Aptech Việt Nam có một vị thế lớn trên trường quốc tế. Qua 2 lần Hội nghị thượng đỉnh Aptech quốc tế thì cả 2 lần Aptech Việt Nam đều được đánh giá là hệ thống tổ chức tốt nhất. Chẳng hạn như tại Hội nghị thượng đỉnh Aptech quốc tế lần thứ 2 vừa diễn ra tại Ấn Độ, trong số 52 quốc gia tham dự thì chỉ có 4 quốc gia đạt danh hiệu "Hệ thống Aptech tốt nhất", trong đó có Việt Nam.
- Liệu có khiếm khuyết gì không, thưa ông?
+ Nếu có chăng thì đó là điều đáng tiếc, rằng vì sao chúng ta không chọn Aptech sớm hơn. Bởi vì, nếu chọn Aptech sớm hơn thì chúng ta không chỉ đào tạo được nhân lực mà còn là việc khi ta chuyển giao công nghệ về thì nó sẽ tác động lại đối với hệ thống đào tạo mà chúng ta đang có. Bên cạnh đó, thực tế là hiện tại hệ thống đào tạo của Việt Nam nói chung vẫn còn những khiếm khuyết nhất định. Trong đó, khiếm khuyết cơ bản nhất là giữa việc đào tạo trong nhà trường với nhu cầu của các ngành kinh tế. Lĩnh vực công nghệ phần mềm (CNPM) luôn có sự đổi mới rất nhanh chóng về công nghệ, khác hẳn so với việc đào tạo mang tính hàn lâm ở các trường đại học. Trong quá trình phát triển, chúng tôi nhận thấy hoạt động của Aptech ở mỗi quốc gia không hoàn toàn giống nhau. Bởi vậy, trong quá trình hoạt động chúng tôi có những thay đổi tùy theo tình hình, điều kiện, hoàn cảnh thực tế và phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của mỗi đất nước. Cũng như một số quốc gia, chúng tôi thực hiện việc "bản địa hóa" chương trình đào tạo Aptech.
- Đề nghị ông cho vài nhận xét về tình hình phát triển của Aptech khu vực miền Trung và Bình Định nói riêng?
+ Khu vực miền Trung hiện có 3 Trung tâm Aptech là Huế, Đà Nẵng và Quy Nhơn. Sự ra đời và hoạt động của 3 trung tâm này chứng tỏ sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc đón đầu về lĩnh vực CNTT. Điều đáng nói là trong khi một số Trung tâm Aptech ở các tỉnh, thành là do các trường đại học hoặc đơn vị đứng ra thành lập, thì cả 3 Trung tâm Aptech ở miền Trung đều do nhà nước cấp tỉnh đầu tư xây dựng. Đây là điều kiện rất thuận lợi đối với các học viên, đồng thời cũng là chủ trương đúng đắn của các tỉnh, thành. Riêng đối với Aptech Bình Định, so với các Trung tâm của các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… thì Bình Định không bằng, song nếu so với những địa phương khác thì Aptech Bình Định có quy mô hoạt động khá lớn. Mặc dù mới ra đời nhưng Aptech Bình Định đã chứng tỏ tiềm năng của mình. Tôi nghĩ rằng trong một thời gian không xa Aptech Bình Định sẽ tiến kịp các Trung tâm Aptech trong khu vực.
- Ông có thể nhận định về sự phát triển của Aptech Việt Nam trong tương lai?
+ Aptech Việt Nam sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới Aptech ở các thành phố lớn còn lại của Việt Nam. Trước mắt chúng tôi sẽ mở 2 Trung tâm Aptech ở Nha Trang và Hải Phòng. Tiếp sau đó sẽ là khu vực Tây Nguyên (có thể sẽ là TP Đà Lạt - Lâm Đồng). Song song với việc phát triển các trung tâm Aptech, chúng tôi sẽ thực hiện giải pháp đào tạo nhân lực cho hệ thống tin học hóa quản lý nhà nước và chương trình phổ cập tin học cho những đối tượng cần thiết. Đồng thời, Aptech Việt Nam sẽ phát triển một số sản phẩm mới để có thể phục vụ những mục tiêu khác chứ không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nhân lực.
- Xin lỗi, ông có biết đến Báo Bình Định điện tử không?
+ Có. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc Bình Định Điện tử để nắm bắt thông tin, trong đó có những thông tin về hoạt động của Aptech Bình Định.
- Ồ! Vậy xin ông cho biết vài nhận xét về Bình Định Điện tử?
+ Theo tôi Bình Định điện tử là một kênh thông tin rất tốt để phản ánh những hoạt động KT-XH của tỉnh Bình Định đối với bạn đọc cả nước. Đồng thời, Bình Định điện tử còn là cầu nối giữa tỉnh đối với bạn đọc ở nước ngoài. Ngược lại, Bình Định điện tử cũng góp phần thông tin đến bạn đọc trong tỉnh những thông tin của các địa phương trong nước và thế giới. Vấn đề quan trọng đối với một tờ báo điện tử là chất lượng của những thông tin đưa lên mạng và việc cập nhật thông tin như thế nào. Tôi nghĩ, Bình Định điện tử là một trong những báo điện tử đã làm tốt được điều này.
- Xin cảm ơn ông!
|