Nhân dịp kỷ niệm 50 năm trường học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bửu - Trưởng Ban liên lạc HSMN Trung ương. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
* Chào anh Lê Bửu! Xin anh cho biết hoàn cảnh ra đời của tên "Trường HSMN trên đất Bắc"?
|
Tiến sĩ Lê Bửu |
- Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc; cán bộ, bộ đội ở miền Nam trước đây được tập kết ra Bắc. Đảng và Nhà nước ta với sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng chiến lược con người cho những năm sau này. Cùng với những trường bổ túc công nông dành cho những cán bộ, bộ đội lớn tuổi nâng cao trình độ văn hóa, Đảng và Bác Hồ còn thành lập cả một hệ thống trường HSMN trên đất Bắc. Đây là những trường dành riêng cho các cháu nhỏ miền Nam, trước hết là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình "thuộc diện chính sách" được các địa phương ở miền Nam chọn gửi ra miền Bắc XHCN để học tập, nuôi dưỡng, chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và cả nước những năm sau này.
Các trường HSMN từ cấp I đến cấp III gồm 28 trường với gần 30.000 học sinh ra Bắc theo ba đợt chính: đợt I (năm 1954- 1955), đợt II (năm 1961-1962), đợt III (năm 1968-1972). Các trường này đóng trên 10 tỉnh, thành phố ở miền Bắc (và cả bên Quế Lâm, Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc), hàng vạn HSMN ấy đã được đồng bào miền Bắc đùm bọc nuôi dưỡng nên người.
* Thưa anh, tại sao nói thành lập các trường HSMN là thể hiện tầm nhìn chiến lược thiên tài của Bác và Đảng ta về giáo dục - đào tạo?
- Nói "tầm nhìn chiến lược thiên tài" là vì: trong khi chuẩn bị chiến lược lâu dài để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước thì dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm đến việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho miền Nam trong khi miền Nam còn nằm trong chế độ tàn bạo của kẻ thù; đã thành lập các trường nội trú HSMN, nhằm nuôi dưỡng, bồi dưỡng, đào tạo những thiếu niên, nhi đồng miền Nam - mà Bác Hồ gọi là "những hạt giống đỏ" - thành một lớp người trưởng thành để chi viện cho miền Nam trong kháng chiến và xây dựng miền Nam và cả nước trong tương lai…
Tầm nhìn chiến lược thiên tài còn thể hiện ở một niềm tin tất thắng vào sức mạnh chính nghĩa của một dân tộc anh hùng. Trong suốt hơn 20 năm từ 1954 đến năm 1975, các lớp thanh, thiếu niên miền Nam được liên tục đưa ra Bắc đào tạo, ngay cả những năm tháng phong trào cách mạng miền Nam bị kẻ thù đàn áp khốc liệt nhất như những năm 1959, 1960, 1968… Nhưng Đảng ta vẫn tiếp tục đưa con em miền Nam ra Bắc đào tạo để trưởng thành trở về bảo vệ, xây dựng quê hương.
Tính đến tháng 4 năm 1975, đã có gần 30.000 học sinh được nuôi dưỡng trong các trường HSMN trên đất Bắc. Trong số đó, nhiều người sau khi rời ghế nhà trường đã trở về tham gia chiến đấu, công tác trên các chiến trường miền Nam, trở thành những anh hùng, dũng sĩ, những tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong quân đội; nhiều người tiếp tục học tập trong các trường đại học trong nước và nước ngoài, trở thành những giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, cán bộ quản lý từ trung ương đến địa phương. Nhiều địa phương ở miền Nam từ sau ngày giải phóng đến nay, những "hạt giống đỏ" được ươm trồng từ các trường HSMN trên đất Bắc ngày nào, nay đã trở thành lực lượng cán bộ nòng cốt trong quản lý, khoa học kỹ thuật… xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân.
* Anh cho biết kế hoạch tổ chức kỷ niệm 50 năm trường HSMN được thực hiện như thế nào?
- Theo Công văn số 169/VP ngày 10-3-2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kế hoạch chuẩn bị và tổ chức kỷ niệm 50 năm HSMN trên đất Bắc sẽ được tổ chức trên toàn quốc, với các nội dung như sau:
1. Kiện toàn tổ chức Ban liên lạc HSMN từ Trung ương đến các địa phương, tỉnh nào cũng tổ chức Đại hội thành lập Ban liên lạc để tổ chức tốt các hoạt động trong năm nay và các năm về sau; đồng thời phối hợp với các Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh, tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm HSMN trên đất Bắc tại từng địa phương, và tiến tới tổ chức kỷ niệm chung toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội vào cuối tháng 11 năm nay.
2. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về hiện tượng lịch sử giáo dục đặc biệt này để khẳng định chiến lược "trồng người" rất tài tình và hiệu quả của Đảng và Bác Hồ; khẳng định sự đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào miền Bắc trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, khó khăn thiếu thốn trăm bề đã chăm lo cho các trường HSMN, dành mọi điều kiện tốt nhất cho công tác đào tạo, nuôi dạy suốt hơn 20 năm đối với HSMN; khẳng định sự đóng góp hiệu quả của hàng vạn HSMN lớp lớp trưởng thành trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh và từ sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay.
3. Tổ chức Hội thảo từng khu vực và Hội thảo cấp trung ương về trường HSMN trên đất Bắc trong quý 3, quý 4 năm nay; đồng thời tổ chức đi sâu viết lịch sử, làm phim, in tập kỷ yếu về trường HSMN…
4. Nêu cao truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", các Ban liên lạc HSMN thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các thầy, cô, chú đã gắn bó với các trường HSMN và đối với các địa phương có trường trú đóng với các nội dung, hình thức ý nghĩa, thiết thực; tổ chức những cuộc trở về nguồn bằng những việc làm cụ thể, có ích…
Đối với các Ban liên lạc HSMN, đây là một trong những công tác quan trọng nhất và không có thời gian cuối cùng.
* Nhân dịp này, anh có thể cho bạn đọc Bình Định biết thêm về mình và những lời nhắn gửi của anh tới những bạn bè HSMN trên đất Bình Định?
- Tôi rất vui khi được các bạn gọi bằng anh. Tôi tuổi Tý, thuộc hàng lớp HSMN lớn, nay đã sắp đến tuổi cổ lai hy. Quê tôi ở Vàm Cỏ Tây. Từ một xã đội trưởng trong kháng chiến chống Pháp tôi được tập kết ra Bắc và trở thành một HSMN, với vốn "học vấn" già lớp một, non lớp hai. Không phụ công ơn của Bác, Đảng và đồng bào miền Bắc nuôi dạy, cũng như các bạn HSMN khác, tôi quyết tâm mài sắt… Năm 1961-1965, học đại học ở Liên Xô (cũ), 1967- 1970 nghiên cứu sinh cũng ở Liên Xô; năm 1991 được công nhận Phó Giáo sư; 1992 được Đảng, Nhà nước giao làm Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao; 1997 nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh cùng vợ con; hiện làm tư vấn cho Bộ trưởng về TDTT. Hồi là HSMN, sống trong đại gia đình "tình thương mến thương" tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc với bạn bè người Bình Định. Khi làm Tổng cục trưởng cũng đã nhiều lần về Bình Định giúp UBND tỉnh và Sở TDTT quy hoạch phong trào TDTT Bình Định trong 15 năm (1995-2010)… Tôi xin gửi đến bạn đọc Bình Định nói chung và bạn bè HSMN Bình Định nói riêng, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Tôi tin chắc rằng, các bạn HSMN chúng ta dù trong hoàn cảnh nào, dù trong điều kiện nào cũng luôn luôn nhớ đến công ơn của Bác, Đảng và đồng bào miền Bắc đã nuôi dạy chúng ta nên người; nguyện tiếp tục phấn đấu, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước; và nuôi dạy con cháu chúng ta tiếp bước truyền thống của cha ông. Các thế hệ HSMN và con cháu chúng ta mãi mãi xứng đáng với đất nước, với nhân dân!
* Xin cám ơn anh.
. Xuân Mai (thực hiện) |