Mô hình trường HSMN trên đất Bắc là bài học quý cho ngành giáo dục hôm nay
15:50', 26/10/ 2004 (GMT+7)

Vào ngày 31-10 tới đây, Sở GD-ĐT và Ban liên lạc học sinh miền Nam (HSMN) tỉnh Bình Định sẽ phối hợp tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường HSMN trên đất Bắc (10.1954-10.2004) theo chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ và Bộ GD-ĐT. Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định, Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm.

- Thưa ông, ngày 31-10 tới đây tỉnh Bình Định sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường HSMN trên đất Bắc. Trước hết, xin ông cho biết ý nghĩa của hoạt động này?

+ Trong năm 2004, cùng với các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc thì việc tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường HSMN trên đất Bắc (1954-2004) còn là sự kiện chính trị lớn trong việc tổng kết Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp GD-ĐT. Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường HSMN trên đất Bắc - một hiện tượng lịch sử của giáo dục - có các ý nghĩa như sau:

Một là khẳng định chiến lược trồng người rất tài tình và hiệu quả của Đảng và Bác Hồ.

Hai là khẳng định sự đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào miền Bắc trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng vẫn bảo vệ, nuôi dạy suốt hơn 20 năm (1954-1975) đối với gần 30.000 HSMN nói chung và khoảng 1.000 học sinh quê ở Bình Định nói riêng.

Ba là khẳng định sự đóng góp có hiệu quả của hàng vạn HSMN qua các thời kỳ đối với đất nước trên mọi lĩnh vực, mọi miền của Tổ quốc.

Bốn là khẳng định công lao to lớn, tình cảm ruột thịt của các thầy cô giáo, các cô chú phục vụ các trường HSMN đã góp phần quyết định trong việc GD-ĐT các thế hệ HSMN trưởng thành. Đồng thời, qua lễ kỷ niệm lần này, chúng ta sẽ rút ra những bài học quý giá về công tác nuôi, dạy của mô hình trường nội trú HSMN trên đất Bắc và vận dụng vào công tác GD-ĐT thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

- Đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm đã được Ban tổ chức tiến hành đến đâu rồi, thưa ông?

+ Chúng tôi đã tiến hành tập hợp danh sách các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đã từng công tác, giảng dạy, học tập tại các trường HSMN trên đất Bắc và tổ chức họp báo với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho sự kiện này. Đồng thời, chúng tôi cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí và xuất bản một tập san đặc biệt khoảng 80 trang có tên gọi "Một thời để nhớ" trong đó tập hợp nhiều bài viết của các thầy cô giáo, các cựu HSMN và danh sách các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đã từng công tác, giảng dạy, học tập tại các trường HSMN trên đất Bắc. Đến nay, có thể nói mọi công việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm đã hoàn tất. Lễ kỷ niệm chính thức sẽ diễn ra vào sáng ngày chủ nhật 31-10 tại Trường Đảng TP Quy Nhơn, số 28 - Nguyễn Huệ.

- So với nhiều tỉnh, thành khác thì Bình Định là một trong những tỉnh có rất đông HSMN. Ông có thể cho biết những đóng góp của họ đổi với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói riêng?

+ Bình Định có khoảng trên dưới 1.000 HSMN. Các đồng chí này đã có những đóng góp rất hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Những năm 1960, nhiều người trong số họ đã tình nguyện vào Nam tham gia chiến đấu giải phóng đất nước, giảng dạy tại các vùng giải phóng. Sau này đã có nhiều người trưởng thành trở thành cán bộ lãnh đạo của tỉnh như các đồng chí: Tô Tử Thanh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Hiểu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Phạm Bá, Trần Ngoạn, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Đăng Khanh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định; Nguyễn Minh Châu, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Quy Nhơn; Trần Trung Kiên, Tổng biên tập và Bùi Thị Xuân Mai, nguyên Phó tổng biên tập Báo Bình Định… cùng nhiều đồng chí khác hiện đang đảm nhiệm những nhiệm vụ khác nhau trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của Bình Định nói riêng và cả nước nói chung.

- Trường HSMN trên đất Bắc được coi là một hiện tượng lịch sử giáo dục. Vậy từ những kinh nghiệm của mô hình này chúng ta có học được gì để áp dụng vào sự nghiệp GD-ĐT hiện nay không, thưa ông?

+ Như tôi đã nói ở phần đầu, việc kỷ niệm 50 năm thành lập trường HSMN trên đất Bắc sẽ giúp chúng tôi, những người đang công tác trong ngành giáo dục hiện nay rút ra từ đó những bài học quý báu trong công tác nuôi, dạy học sinh. Hiện nay, Bình định có 2 loại hình trường phù hợp với mô hình trường HSMN là trường bán trú dân nuôi và trường phổ thông dân tộc nội trú. Chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm từ các trường HSMN những bài học trong công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ để đảm bảo việc nuôi dạy học sinh tốt hơn. Tôi tin tưởng rằng những bài học đó sẽ được vận dụng tốt hơn trong thời gian tới ở Bình Định.

- Xin cám ơn ông.

. Xuân Nguyên (thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dịch tôm ở Huỳnh Giản là bài học đắt giá cho người nuôi tôm  (24/10/2004)
Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc: Một tầm nhìn chiến lược thiên tài về giáo dục - đào tạo  (20/10/2004)
Phong trào sưu tập, chơi tem phải được "xã hội hóa"  (17/10/2004)
Hoạt động xuất khẩu của Bình Định sẽ vượt qua khó khăn để phát triển   (15/10/2004)
Chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý   (13/10/2004)
Đến năm 2005, phải có ít nhất 80% cán bộ công chức có trình độ về CNTT  (07/10/2004)
Đã sẵn sàng cho lễ hội quân   (06/10/2004)
Chi nhánh NHCSXH Bình Định: 4 tỉ đồng dành cho sinh viên vay vốn học tập   (23/09/2004)
Thanh niên phải có ý thức vươn lên làm chủ sự nghiệp và chịu trách nhiệm đến cùng   (23/09/2004)
Sẽ xây dựng 5 khu đa dạng sinh học   (22/09/2004)
Vì sao giáo viên dạy các lớp học linh hoạt chưa được nhận trợ cấp sinh hoạt phí?   (21/09/2004)
Nên chỉ có hai loại hình trường: công lập và tư thục  (15/09/2004)
Không có chuyện Trường chuyên "vừa đá bóng, vừa thổi còi"  (14/09/2004)
Cấp sổ đỏ tại Quy Nhơn: Vừa làm, vừa chờ   (09/09/2004)
Tìm các nhà tài trợ dài hơi để hỗ trợ học sinh nghèo   (25/08/2004)