Tính đến ngày 30-1, đã có hơn 70 người ở 15 tỉnh, thành trong cả nước mắc bệnh cúm A và đã có 21 người tử vong. Bình Định chưa phát hiện thấy có người mắc bệnh này song là tỉnh có nguy cơ bởi dịch cúm gà đang bùng phát. Với cúm gà, ngành Nông nghiệp chủ công trong việc phòng, chống còn khi virus cúm đã chuyển sang người thì trách nhiệm chính là ngành Y tế. Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A của ngành Y tế đã dành cho PV Báo Bình Định cuộc phỏng vấn ngắn xung quanh vấn đề này.
* Thưa bác sĩ, ngành Y tế đã làm gì trước tình hình dịch cúm gà đang bùng phát ở Bình Định và có thể lây sang người?
- Ngày 30-1, Sở Y tế đã có một cuộc họp gồm đầy đủ lãnh đạo các trung tâm y tế huyện, thành phố và các trung tâm, bệnh viện trực thuộc Sở. Tại cuộc họp này, lãnh đạo Sở Y tế đã công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A của ngành. BS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế làm Trưởng ban, tôi làm Phó trưởng ban thường trực. Chúng tôi đã phổ biến Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm viêm đường hô hấp cấp nặng do virus cúm". Đây được coi là phác đồ chung sẽ được phổ biến cho nhân viên toàn ngành Y tế để xử lý nếu có dịch cúm A xảy ra. Tại cuộc họp này, lãnh đạo Sở Y tế cũng đã đưa ra 10 biện pháp cấp bách nhằm đối phó có hiệu quả với dịch cúm A.
* Bác sĩ có thể cho biết cụ thể nếu phát hiện có người bị mắc bệnh cúm A, họ sẽ được ngành Y tế giúp đỡ như thế nào?
- Chúng tôi đã chỉ đạo cho các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng phương tiện vận chuyển người bệnh, đội cấp cứu lưu động. BVĐK tỉnh cũng đã chuẩn bị 2 khu vực cách ly ở Khoa Nhi và Khoa Truyền nhiễm. Rất may là với việc chuẩn bị phòng chống dịch SARS, tỉnh đã trang bị cho ngành Y tế các phương tiện phòng hộ và thuốc men, những thứ chưa sử dụng cho bệnh SARS, chúng tôi sẽ sử dụng cho công việc điều trị bệnh cúm A. Cũng xin nói thêm rằng vì đây là dịch cúm rất dễ lây nên chúng tôi cũng đã yêu cầu các bệnh viện tiến hành tổng vệ sinh tại các khoa, phòng; thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt đồng thời phát hiện bệnh sớm và cách ly đúng quy định.
* Nếu so với dịch SARS đã từng xảy ra trước đây thì việc khống chế và dập tắt dịch cúm A có gì khó khăn hơn không?
- Khó khăn nhiều. Bệnh cúm A là do virus tuýp A chủng H5N1 gây ra. Virus này lây lan nhanh nên khó kiểm soát và dập tắt. Nếu xảy ra ở cộng đồng thì biện pháp cách ly và xử lý sẽ khó khăn do phạm vi rộng, khó xác định giới hạn ổ dịch. Nguyên tắc phòng chống và xử lý dịch cúm A giống như dịch SARS nhưng đối tượng theo dõi, giám sát rộng hơn nên khó khăn hơn. Mặt khác, bệnh cúm A diễn biến nặng, tỉ lệ tử vong cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccin phòng bệnh, kinh nghiệm điều trị căn bệnh này ở ta chưa có và chúng tôi chỉ dựa vào phác đồ mà Bộ Y tế vừa ban hành cũng là một khó khăn. Với bệnh SARS ý thức phòng chống của người dân cao hơn còn với bệnh cúm A do hiểu biết của cộng đồng còn hạn chế, một số người sẽ vì mục đích kinh tế mà sử dụng, buôn bán gia cầm bị bệnh nên sẽ khó khăn trong kiểm soát dịch cũng như trong việc phát hiện sớm và cách ly kịp thời.
. Quang Khanh - thực hiện |