Khi những chiếc xe buýt đầu tiên của Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn đi vào hoạt động, nhiều người vẫn còn hoài nghi hiệu quả của nó. Nhưng qua thời gian ngắn, loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã chứng tỏ hiệu quả của mình. Ông Nguyễn Từ Mẫn - Chủ nhiệm HTX vận tải ô tô Bình Minh, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn, đã có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Định về những chiếc… xe buýt và loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Ông Mẫn nói:
- Tháng 4-2003, dịch vụ đi lại bằng xe buýt được thử nghiệm và đi vào hoạt động. Có thể nói, đây là một loại hình vận tải hành khách công cộng rất mới với Bình Định vì khi ấy cả nước mới chỉ có 6 tỉnh thành (đa phần vẫn là các thành phố lớn) có xe buýt. Theo dự án, 6 chiếc xe buýt đầu tiên loại 40 khách bắt đầu đi vào hoạt động trên 2 tuyến nội thành Quy Nhơn - Phú Tài và Quy Nhơn - Diêu Trì. Sau đó, tỉnh lại tiếp tục đầu tư thêm 6 chiếc xe nữa với thiết kế 55 chỗ ngồi để tăng cường cho tuyến Quy Nhơn - Diêu Trì và mở thêm tuyến Cảng Thị Nại - Đập Đá. Trong dịp Tết Nguyên đán 2004, 3 chiếc xe buýt lớn, loại 80 chỗ ngồi, đã được tăng cường trên tuyến: Quy Nhơn - Phú Tài và Tây Sơn. Như vậy, chúng tôi hiện đã có 15 chiếc xe buýt phục vụ cho 4 tuyến với tổng chiều dài 117,7 km. Tính đến nay, chúng tôi đã vận chuyển hơn 830 ngàn lượt khách.
* Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2003 và lễ hội kỷ niệm 215 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, xe buýt đã để lại nhiều ấn tượng tốt với hành khách. Nhưng để có được những ấn tượng tốt đó, có lẽ Xí nghiệp đã gặp không ít khó khăn?
- Thật sự mà nói, đến bây giờ chúng tôi vẫn còn không tin nổi mình lại có thể hoàn thành việc phục vụ cho các hoạt động trên bởi nhu cầu hành khách quá lớn và dồn dập trong khi lực lượng lại quá mỏng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tâm niệm đã làm gì thì nhất thiết phải làm cho ra trò.
Trong đợt thi tuyển sinh, chúng tôi không hề được triệu tập trước và họp bàn công tác phục vụ như các đơn vị khác. Cho đến cận ngày thi, chúng tôi mới được lệnh điều động xe buýt phục vụ cho việc di chuyển thí sinh và người nhà từ ga Diêu Trì, bến xe trung tâm về thành phố và đưa thí sinh đến các địa điểm thi, rồi lại đưa về sau đó. Toàn thể anh em chúng tôi, cả lãnh đạo và các tài xe đều như lên... cơn sốt bởi lượng người quá đông trong khi chúng tôi không được chuẩn bị trước.
Hay như đợt phục vụ lễ hội kỷ niệm 215 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, tuy chúng tôi đã có sự chuẩn bị trước nhưng cuối cùng vẫn bị vỡ... kế hoạch. Ban đầu, chúng tôi dự kiến đưa 3 xe chạy tuyến Tây Sơn nhưng không làm xuể. Hành khách quá đông, trong khi các tuyến còn lại vẫn phải đảm bảo lưu thông đều đặn. Đến lúc cao điểm là ngày mùng 5 Tết, chúng tôi buộc phải linh động cắt bớt xe của các tuyến khác cho chạy lên Tây Sơn thành 8 chiếc, đồng thời huy động cả các xe vận tải khách dự phòng để bổ sung. Mỗi xe phải chạy liên tục từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Điều chúng tôi lo lắng là cường độ làm việc của các tài xế quá lớn. Đến 8 giờ tối ngày mùng 5 Tết, khi tất cả các xe đều đã về vị trí đỗ an toàn chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và tin rằng mình đã thành công.
* Năm 2004, hướng phát triển của loại hình vận tải công cộng này sẽ như thế nào, thưa ông?
- Hướng phát triển của chúng tôi trong năm 2004 là đầu tư thêm đầu xe, mở rộng địa bàn và cả việc đào tạo nguồn nhân lực. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục cho đưa vào sử dụng thêm 7 đầu xe mới để tăng cường khả năng phục vụ. Về địa bàn, chúng tôi sẽ lên kế hoạch mở rộng đến huyện Tây Sơn để phục vụ khách tham quan các di tích, danh thắng ở đây. Về nhân lực, về lâu về dài cần phải có trình độ nghiệp vụ dành riêng cho loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt. Điều này, chúng tôi đang chờ Sở tài chính đồng ý cấp nguồn kinh phí để mở lớp học nghiệp vụ cho các nhân viên.
* Xin cảm ơn ông!
. Lê Thu Hiền
|