Tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bình Định trong những ngày gần đây đã được khống chế triệt để, hầu như không còn phát sinh thêm các ổ dịch mới. Đây có thể nói là một thành công lớn của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng, đặc biệt lực lượng thú y đã nỗ lực hết mình để ngăn chặn dịch cúm gia cầm. Chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thông, Phó Cục trưởng Cục Thú y, nhân dịp ông có chuyến công tác kiểm tra tình hình dịch cúm gia cầm tại Bình Định.
* Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở Bình Định, thưa ông?
- Trong thời gian dịch cúm gia cầm xảy ra, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm T.Ư đã phân công tôi theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống dịch từ tỉnh Thanh Hóa đến Khánh Hòa và cả khu vực Tây Nguyên. Sau khi tổ chức họp triển khai công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng ngày 3-2-2004 với các giám đốc và Chi cục trưởng Chi cục Thú y các tỉnh, nghe báo cáo tình hình dịch bệnh và các biện pháp triển khai phòng chống dịch, chúng tôi đã tiến hành đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương trong khu vực. Tại Bình Định, tôi thấy rằng việc triển khai công tác chống dịch rất đồng bộ, chặt chẽ, thông suốt từ lãnh đạo tỉnh và ngành NN-PTNT. Bên cạnh đó, sự tham gia phối hợp của các cấp các ngành hữu quan rất chu đáo; đội ngũ cán bộ thú y rất nhiệt tình, đã lăn lộn, trực tiếp xông vào các ổ dịch để xử lý dịch bệnh. Do vậy, việc khống chế dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả rất tốt, tất cả các ổ dịch đã được ngăn chặn và không còn phát sinh thêm những ổ dịch mới. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận…
* Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm T.Ư vừa có công điện cho nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, nhiều ý kiến cho rằng nới lỏng vào thời điểm này là sự vội vàng và nguy hiểm. Ý kiến ông thế nào?
- Theo tôi đây là sự chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm T.Ư. Bởi vì hiện nay ở nhiều địa phương, dịch cúm gia cầm bước đầu đã được khống chế, không còn phát sinh thêm các ổ dịch mới, do đó cần phải nghĩ ngay đến phương án tái sản xuất để phục hồi ngành chăn nuôi trở lại. Việc cho vận chuyển thức ăn và tìm biện pháp cho chế biến gia cầm ở những vùng an toàn là nhằm mục đích giữ lại đàn giống để tái sản xuất và giúp đỡ người chăn nuôi đỡ bị thiệt hại…
* Cục Thú y đã có biện pháp gì để kiểm định nguồn thức ăn gia cầm đang cho phép lưu thông?
- Hiện nay, khu vực miền Trung chưa có nhà máy chế biến thức ăn gia cầm nào lớn, nguồn thức ăn chủ yếu vận chuyển từ các nhà máy chế biến ở khu công nghiệp Biên Hòa, và từ khu vực phía Bắc vào. Cục Thú y đã có chỉ đạo cho 2 trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y tại phía Bắc và phía Nam tiến hành kiểm tra nguồn thức ăn trước khi đưa đến cho người chăn nuôi. Và cả trong quá trình chế biến, từ lúc đưa nguyên liệu vào chế biến, sản xuất, nhà xưởng đều được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát rất kỹ…
* Thưa ông, nhiều người cứ nghĩ rằng, "nới lỏng" việc phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm là được phép tự do buôn bán, vận chuyển gia cầm và các loại sản phẩm gia cầm. Hiểu như vậy có đúng không?
- Theo tôi hiểu "nới lỏng" với nghĩa như vậy là hoàn toàn sai. Chủ trương của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm T.Ư hoàn toàn không có ý đó mà vẫn thắt chặt việc phòng chống dịch cúm gia cầm. Thế nhưng, để cho ngành chăn nuôi tồn tại, nhanh chóng phục hồi lại sản xuất sau dịch cúm thì phải có những biện pháp thích hợp. Có nghĩa là mọi việc mua bán vận chuyển thức ăn gia cầm, chế biến, tiêu thụ gia cầm phải dưới sự giám sát của ngành chức năng và lực lượng thú y...
. Nguyễn Hân - thực hiện |