Các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2004 có gì mới?
17:9', 19/2/ 2004 (GMT+7)

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị toàn quốc về các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ. Sau khi tham dự các cuộc họp này, ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đã trả lời phỏng vấn của PV Báo Bình Định.

* Thưa ông, Bộ GD-ĐT có quy định gì mới về kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm 2004 không?

- Về kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm học 2003-2004, Bộ GD-ĐT có quy định: Trong khi Quốc hội chưa sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp tiểu học vẫn được thực hiện. Tất cả các địa phương đều tổ chức thi tốt nghiệp tiểu học tại trường như một hoạt động kiểm tra, thi thường xuyên. Sở GD-ĐT ra đề thi tốt nghiệp tiểu học kết hợp với kỳ thi kiểm tra cuối năm. Ở tỉnh Bình Định kỳ thi tốt nghiệp tiểu học sẽ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ và đúng quy định. Sở GD-ĐT sẽ ra đề và hướng dẫn chấm; phòng GD-ĐT duyệt kết quả và cấp bằng tốt nghiệp, còn lại khâu coi thi, chấm thi sẽ giao cho nhà trường. Kỳ thi này sẽ được tổ chức như một hoạt động bình thường của nhà trường (đến giờ thi học sinh vào lớp và làm bài một cách tự giác, không khai mạc, đọc quyết định…).

* Các kỳ thi trung học có cải tiến không, nhất là đối với khâu ra đề thi tốt nghiệp THCS?

- Các kỳ thi tốt nghiệp THCS, bổ túc THCS và THPT, bổ túc THPT năm học 2003-2004 vẫn giữ ổn định như các năm học trước. Riêng về mặt tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT có một số thay đổi, cụ thể như: Mỗi đơn vị dự thi sẽ có giám thị của ít nhất hai đơn vị khác đến coi thi. Chủ tịch hội đồng coi thi là lãnh đạo cấp sở của đơn vị dự thi khác, 100% giám thị đều là người của đơn vị dự thi khác.

Đối với khâu ra đề thi tốt nghiệp THCS năm nay, theo hướng dẫn của Bộ, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới đề thi theo hướng tích cực, có sự phân hóa rõ nét hơn. Cụ thể là đề thi sẽ yêu cầu học sinh phải hiểu, biết vận dụng và có sáng tạo thì làm bài mới đạt kết quả cao. Mức độ đề thi giữa các môn thi phải đồng đều nhau, tránh trường hợp có môn thi thì đề quá khó, trong khi có môn thi đề thi lại quá dễ. Nội dung đề thi phải rõ ràng, chính xác, sát với nội dung chương trình môn học và phù hợp với thời lượng làm bài đã quy định. Đặc biệt, Sở GD-ĐT sẽ căn cứ vào chất lượng dạy và học của các trường để ra đề thi phù hợp với trình độ thực tế của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh yếu nếu đủ điều kiện dự thi, chăm chỉ, cố gắng đều có thể tốt nghiệp.

* Kết quả thi tốt nghiệp phổ thông với tỉ lệ đỗ gần 90% những năm gần đây bị dư luận đặt dấu hỏi gay gắt khi nó quá "vênh" với kết quả thi đại học được Bộ GD-ĐT tổ chức theo hình thức"ba chung". Ông có ý kiến gì khi một số giám khảo chấm thi các năm trước cho rằng, ngành đã quá quan tâm đến tỉ lệ đỗ của học sinh trong khâu chấm thi?

- Trước hết, xin khẳng định rằng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của tỉnh Bình Định trong ba năm gần đây khá ổn định (năm 2001 đạt 86,87%, năm 2002 đạt 84,96%, năm 2003 đạt 88,45%), điều này cho thấy công tác thi ở Bình Định được tổ chức và thực hiện nghiêm túc, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững (theo tổng kết của Bộ GD-ĐT thì toàn quốc chỉ có 6 tỉnh có kết quả tốt nghiệp THPT khá ổn định trong ba năm là Hà Nội, TPHCM, Bình Định, Đồng Tháp, Gia Lai và Vĩnh Long). Thứ hai, so sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả thi tuyển sinh đại học là không hợp lý vì mục đích, ý nghĩa của hai kỳ thi này hoàn toàn khác nhau, cách tổ chức thi, số môn thi, yêu cầu đề thi, thời lượng làm bài thi cũng khác nhau… Nếu nói riêng về kỳ thi tuyển sinh đại học trong những năm gần đây ở Bình Định thì chất lượng vẫn không có gì gọi là "vênh". Cụ thể năm 2001, tỉnh Bình Định có 4.009/41.271 thí sinh trúng tuyển vào ĐH,CĐ. Năm 2002, tỉnh Bình Định có 3.821/32.420 thí sinh trúng tuyển vào ĐH,CĐ. Tỷ lệ trúng tuyển này khá cao so với 61 tỉnh, thành trong toàn quốc (xếp thứ 11-12/61 tỉnh, thành).

* Ông có thể cho biết thêm một số nét mới trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay và dự báo những tác động của nó cho đối tượng học sinh phổ thông trong tỉnh?

- Về cơ bản công tác tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2004 vẫn tiến hành như năm 2003 với những điểm bổ sung cho phù hợp với thực tế nhằm khắc phục những tồn tại của năm 2003 và tiếp tục hoàn thiện giải pháp ba chung. Một số điểm bổ sung, sửa đổi trong quy chế tuyển sinh (ban hành theo Quyết định số 8/2003-QĐ-BGDĐT ngày 13-3-2003) như sau:

Các trường công bố điểm thi của thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, chậm nhất là ngày 15-8-2004; mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1 và giữa các khu vực kế tiếp nhau là 0,5; tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương) tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên khu vực đó. Nếu trong ba năm học lớp cuối cấp có chuyển trường thì học ở đâu lâu hơn hưởng ưu tiên khu vực ở đó. Quy định này áp dụng cho cả các thí sinh đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh; thí sinh mang tài liệu, phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm vào phòng thi dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi; Bộ cũng đã điều chỉnh, sắp xếp lại bảng ký hiệu các đối tượng ưu tiên và bảng phân chia khu vực tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngoài ra, còn một số sửa đổi, bổ sung khác có tính chất kỹ thuật như cách xử lý kết quả chấm lần 1,2,3, thời hạn xét tuyển và triệu tập trúng tuyển…

* Xin cám ơn ông!

. Ngọc Quỳnh - thực hiện

 

* Thi tốt nghiệp các cấp:

- Về ngày thi tốt nghiệp THCS: Được tổ chức trong 2 ngày 25 và 26-5-2004. Thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT được tổ chức trong 3 ngày 2,3 và 4-6-2004. Riêng bổ túc THCS thì tỉnh Bình Định thi tốt nghiệp kỳ I được tổ chức trùng với ngày thi tốt nghiệp THCS, các kỳ thi khác tùy tình hình Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn riêng.

-Về môn thi: Kỳ thi tốt nghiệp THCS, bổ túc THCS vẫn tổ chức thi 4 môn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT vẫn tổ chức thi 6 môn. Các môn thi cụ thể sẽ được Bộ GD-ĐT công bố chậm nhất vào ngày 31-3-2004.

-Về đối tượng dự thi, điều kiện dự thi, hồ sơ dự thi, việc xét tốt nghiệp vẫn thực hiện theo quy chế thi được ban hành theo các Quyết định số 17/2002/QĐ-BGDĐT ngày 5-4-2002 và Quyết định số 18/2002/QĐ-BGDĐT ngày 8-4-2002 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

* Tuyển sinh ĐH,CĐ:

- Về đợt thi: Trong toàn quốc vẫn tổ chức hai đợt thi ĐH và một đợt thi CĐ:

Ngày 4 và 5-7-2004: thi ĐH khối A

Ngày 9 và 10-7-2004: thi ĐH khối B,C,D

Ngày 16 đến 22-7-2004 thi cao đẳng.

- Về cụm thi: Vẫn giữ như năm 2003, tức toàn quốc vẫn có 3 cụm thi, đó là cụm thi tại TP Vinh, cụm thi tại TP Cần Thơ và cụm thi tại TP Quy Nhơn. Riêng cụm thi tại TP Quy Nhơn dành cho thí sinh thi vào Trường Đại học Quy Nhơn và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực Hà Nội và TP HCM.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định đã khống chế rất tốt dịch cúm gia cầm!  (18/02/2004)
Chúng tôi tâm niệm đã làm gì thì phải làm cho ra trò   (17/02/2004)
Bình Định là vùng đất tiềm năng để nghề vệ sĩ chuyên nghiệp phát triển   (15/02/2004)
Phấn đấu xây dựng Hầm Hô thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn   (06/02/2004)
AFC hài lòng với cơ sở hạ tầng của sân Quy Nhơn  (04/02/2004)
Sẽ không để tăng giá cả thị trường đột biến do dịch cúm gà   (03/02/2004)
Chúng tôi đã sẵn sàng đối phó với dịch cúm A  (02/02/2004)
Chúng ta có quyền tự hào và tiếp bước truyền thống Quang Trung  (30/01/2004)
Trong tương lai không xa Aptech Bình Định sẽ ngày càng phát triển   (30/01/2004)
Sẽ hạn chế tối đa sự cố mất điện trong dịp Tết Giáp Thân   (16/01/2004)
Tâm tình của một phụ nữ giàu nghị lực  (13/01/2004)
Trang trí thành phố để đón Tết   (08/01/2004)
Người tiêu dùng không lo thiếu lương thực trong dịp Tết   (05/01/2004)
Hội chợ - Triển lãm mở đầu năm mới 2004  (30/12/2003)
Xây dựng các điểm đến về du lịch - Vấn đề cần quan tâm!  (01/01/2004)