Chỉ tiêu xuất khẩu 1.000 lao động trong năm 2004 là có thể thực hiện được
17:38', 25/3/ 2004 (GMT+7)

Thời gian gần đây, dư luận "rộ" lên những thông tin về tình hình khó khăn của người lao động (LĐ) Việt Nam (trong đó có LĐ của Bình Định) đang làm việc tại Malaysia. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Bình Định cho biết:

* Hiện nay, tại Malaysia, có 72.000 LĐ Việt Nam đang sống và làm việc. Trừ 1% trong số này phải về nước vì lý do sức khỏe, vì tay nghề yếu và vì vi phạm kỷ luật, những người còn lại đang làm việc ổn định và có thu nhập cao. Tuy vậy, thời gian gần đây, có gần 600 LĐ (trong số 17.000 LĐ làm nghề xây dựng) hiện không ổn định việc làm. Lý do là hiện nay Malaysia đang điều chỉnh lại nguồn vốn trong ngành xây dựng, mặt khác, do giá nguyên liệu (sắt thép) tăng, họ đang muốn giảm bớt tiến độ thi công một số công trình trọng điểm.

Riêng tỉnh Bình Định, trong năm 2003, chúng ta đã đưa 567 LĐ xuất khẩu sang 9 nước, trong đó có 318 LĐ sang làm việc tại Malaysia. Tuyệt đại đa số LĐ của Bình Định đều có việc làm ổn định và thu nhập khá, nhiều người đã tích lũy được tiền để gửi về cho gia đình. Qua tiếp xúc với chúng tôi, gia đình của những LĐ đi Malaysia rất cám ơn tỉnh đã có chủ trương xuất khẩu LĐ, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người LĐ và gia đình. Đây là thuận lợi bước đầu trong việc đưa LĐ có tổ chức ra nước ngoài. Tuy vậy, trong số 567 LĐ của Bình Định, thì có 11 người làm nghề xây dựng hiện công việc không ổn định. Trước tình hình này, Sở LĐ-TB-XH Bình Định đã có cuộc họp với các sở ngành, và các địa phương có LĐ tại Malaysia, giao trách nhiệm cho Công ty tuyển dụng LĐ cử người sang Malaysia giải quyết. Hướng giải quyết trong thời gian tới là thương lượng bố trí số LĐ này ở những công trình có việc làm ổn định, hoặc chuyển sang một số ngành khác có thu nhập khá hơn. Theo các Công ty tuyển dụng LĐ, kết quả giải quyết số LĐ có khó khăn về việc làm hiện đang khả quan.

- Thưa ông, thời gian gần đây, có một số thông tin nói sẽ tạm dừng xuất khẩu LĐ sang Malaysia. Thông tin này đã gây hoang mang cho những người LĐ đang muốn đi LĐ tại Malaysia. Cụ thể vấn đề này như thế nào?

* Tôi cũng có nghe dư luận về vấn đề này. Nhưng trước khi trả lời câu hỏi, tôi xin nói để người LĐ và gia đình yên tâm: Ở Malaysia, ít nhất trong 10-15 năm tới, họ có nhu cầu rất lớn về LĐ từ nước ngoài đến làm việc. Ước tính LĐ cho thị phần Việt Nam khoảng 200.000 người trong 3-4 năm tới (đến nay chúng ta mới chỉ đáp ứng 72.000 LĐ mà thôi). Hiện nay, Malaysia đang phải đối phó với tình trạng thiếu hụt LĐ ở một số ngành kinh tế, đặc biệt là LĐ xây dựng, chế biến gỗ, dệt may, da giày, lắp ráp điện tử và ngành nhựa. Như vậy, có nghĩa là chúng ta vẫn tiếp tục đưa LĐ đi Malaysia.

Còn về thông tin nói rằng ngừng đưa đi LĐ sang thị trường Malaysia thì hiện nay Bộ LĐ-TB-XH chưa có một công văn nào nói là tạm ngưng cả. Những thông tin ngừng đưa đi LĐ chỉ là truyền miệng, thiếu chính xác. Cho đến nay, Sở LĐ-TB-XH Bình Định, cơ quan được UBND tỉnh giao trách nhiệm quản lý về xuất khẩu LĐ, chưa nhận bất cứ văn bản nào nói về việc ngưng đưa đi Malaysia.

- Trước một số thông tin về những khó khăn về thị trường LĐ tại Malaysia, tỉnh Bình Định đã có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu là đưa 1.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong năm nay?

* Hiện nay, tỉnh Bình Định có 10 Công ty đang tuyển dụng LĐ đưa đi nước ngoài, trong số này có 5 Công ty đang tổ chức giáo dục định hướng cho 200 LĐ Việt Nam đi Malaysia ngay tại tỉnh, chứ không đưa đi giáo dục định hướng tại TPHCM, để giảm bớt chi phí cho người LĐ. Hiện nay, 200 LĐ này đang học tại các trung tâm giáo dục định hướng của tỉnh, đang làm hộ chiếu và sẽ tiếp tục đi Malaysia trong thời gian tới.

Về giải pháp xuất khẩu LĐ, trong năm 2004, chúng tôi đã có cách làm khác so với năm 2003. Hiện nay, chúng tôi đã có ký kết trách nhiệm giữa Sở LĐ-TB-XH và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh về giải quyết việc làm cho người LĐ là thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ về địa phương, trong đó có việc đưa đi LĐ ở nước ngoài. Chúng tôi đã tiến hành ký kết chương trình tương tự với Hội LHPN tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh. Đồng thời, chúng tôi cùng các Công ty tuyển dụng LĐ xuống các địa phương để tuyên truyền chính sách của Nhà nước và của tỉnh về vấn đề xuất khẩu LĐ; sau đó, các Công ty tiến hành tuyển dụng luôn. Chương trình sẽ được thực hiện trong cả năm 2004 và chúng tôi hy vọng rằng khả năng tuyển dụng 1.000 LĐ là có thể thực hiện được.

- Xin cám ơn ông!

. Khánh Hoàng - thực hiện

   

* Một số thay đổi trong chính sách đối với người đi LĐ xuất khẩu: Nhà nước vẫn thực hiện chủ trương cho 5 đối tượng chính sách vay vốn để đi xuất khẩu LĐ, nhưng trước kia mức vay 20 triệu đồng/người, nay điều chỉnh xuống còn 10 triệu đồng, lãi suất 0,5%/tháng.

Riêng tỉnh Bình Định mở rộng thêm một số đối tượng vay vốn: bộ đội xuất ngũ, con em dân tộc thiểu số, những người đến tuổi LĐ mồ côi cả cha lẫn mẹ, và một số đối tượng khác. Sở LĐ-TB-XH Bình Định đang đề nghị với UBND tỉnh tăng thêm mức vay vốn lên thêm 5 triệu đồng nữa, và vay tại Ngân hàng chính sách xã hội các địa phương.

* Hiện nay Malaysia tuyển LĐ ở các công xưởng từ 21-28 tuổi, trình độ văn hóa 9/12, một số nghề chỉ yêu cầu 6/12, tuyển cả LĐ kỹ thuật và LĐ phổ thông.

* Chi phí đi LĐ tại Malaysia từ 17-21,5 triệu đồng, tùy theo công việc và từng Công ty, không phải nộp tiền đặt cọc.

* Mức thu nhập của người LĐ làm việc tại các nhà máy ở Malaysia bình quân là 70.500 đồng/người/ngày, công nhân xây dựng 90.000-95.000 đồng/người/ngày, công nhân kỹ thuật lành nghề từ 150.000-170.000 đồng/ người/ngày. Đây là mức thu nhập theo chế độ tuần làm việc 7 ngày, mỗi ngày 8 giờ/ngày. Nếu người LĐ làm thêm giờ, hoặc làm việc trong ngày lễ, ngày tết, tiền lương có thể gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Các cầu thủ trẻ của Bình Định rất có triển vọng   (24/03/2004)
Tỉnh Bình Định sẽ điều chỉnh đơn giá thanh toán vật liệu cho các đơn vị thi công  (22/03/2004)
"Cơ chế một cửa đã góp phần hạn chế tiêu cực"   (16/03/2004)
Sẽ tạo nên phong trào sâu rộng để tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh   (12/03/2004)
Để đạt đến đỉnh cao cần có sự đầu tư ở tầm lớn hơn   (10/03/2004)
Cơ hội để phát triển trước hết phải là nỗ lực của chị em  (07/03/2004)
Ghi nhớ lời Bác dạy, ngành y tế thực hiện tốt 12 điều y đức, nâng cao thái độ phục vụ người bệnh   (27/02/2004)
Việc tăng giá xăng dầu là cơ hội để người tiêu dùng cùng chia sẻ những khó khăn chung  (25/02/2004)
"Các hội nghị hiệp thương đã diễn ra dân chủ, đúng luật"  (22/02/2004)
Các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2004 có gì mới?  (19/02/2004)
Bình Định đã khống chế rất tốt dịch cúm gia cầm!  (18/02/2004)
Chúng tôi tâm niệm đã làm gì thì phải làm cho ra trò   (17/02/2004)
Bình Định là vùng đất tiềm năng để nghề vệ sĩ chuyên nghiệp phát triển   (15/02/2004)
Phấn đấu xây dựng Hầm Hô thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn   (06/02/2004)
AFC hài lòng với cơ sở hạ tầng của sân Quy Nhơn  (04/02/2004)