Thời gian gần đây, vấn đề đất đai ở nhiều tỉnh, thành trong đó có Bình Định đã và đang được nhiều người quan tâm. Công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất đai; chủ trương "đổi đất lấy công trình"; tình trạng đầu cơ, mua, bán, chuyển nhượng đất trái phép… diễn ra khá phức tạp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Mươi, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Định xung quanh những vấn đề này.
- Được biết, Chính phủ vừa có một số chủ trương mới xung quanh lĩnh vực quản lý đất đai. Ông có thể cho biết những nội dung chính?
|
Ông Hồ Quang Mươi |
+ Đúng là vừa qua, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo một số vấn đề về liên quan đến lĩnh vực đất đai. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: đến cuối năm 2005 phải hoàn thành việc giao đất và cấp giấy chứng nhận tất cả các loại đất. Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị phải soát xét lại quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, xem lại vấn đề "đổi đất lấy công trình"… Tinh thần chủ đạo là: Ngay sau khi Luật Đất đai mới được thực hiện thì mọi việc sử dụng đất đều phải có kế hoạch. Đi đôi với vấn đề trên, Bộ Chính trị đã có kết luận số 108, Chính phủ có Quyết định số 273/TTg là phải thanh tra, kết luận và xử lý nghiêm những vi phạm về đất đai. Nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật.
- Bình Định sẽ thực hiện những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ ra sao, thưa ông?
+ Tỉnh ủy cũng đã có Kế hoạch số 35 về việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đất đai và xây dựng cơ bản. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, chúng tôi đã có kế hoạch và hiện đang tiến hành làm điểm ở một số địa phương, đơn vị, trong đó có 4 huyện và 3 đơn vị. Để thực hiện được yêu cầu của Chính phủ, hiện tại Bình Định đang gặp 3 khó khăn rất lớn. Khó khăn thứ nhất là bản đồ địa chính có tọa độ quốc gia, bảo đảm độ chính xác, khoa học đến từng thửa đất thì chưa được phủ kín. Hiện mới có khoảng 60 đơn vị xã phường trong toàn tỉnh thực hiện. Hai là, công tác cấp giấy chứng nhận đất đô thị lâu nay tiến hành chậm. Ba là vấn đề đất lâm nghiệp. Hiện nay chúng ta chưa có bản đồ địa chính.
- Còn về vấn đề "đổi đất lấy công trình"?
+ "Đổi đất lấy công trình" gần như là thuật ngữ mới xuất hiện gần đây. Tuy nhiên, qua thực hiện việc đổi đất lấy công trình ở nhiều nơi đã nảy sinh một vấn đề: Do đất đai là một nguồn lực luôn luôn có hạn, trong khi nhu cầu lại vô hạn, chính vì vậy việc "đổi đất lấy công trình" ở nơi này, nơi khác bị đầu cơ đất đai. Cho nên, tại Hội nghị vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói rằng: "Chúng ta kiên quyết không để cho họ ngủ 1 đêm, sáng dậy họ có hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhờ đầu cơ đất". Thực tiễn ở Bình Định mấy năm qua, chúng ta không thực hiện việc "đổi đất lấy công trình", mà chúng ta đưa một bộ phận quỹ đất (chứ không phải toàn bộ) ra để đấu giá. Tiền thu từ đấu giá đó là thu cho ngân sách. Trên cơ sở này, muốn đầu tư vào hạ tầng nào thì chúng ta lập dự án đầu tư trên cơ sở có thiết kế, có dự toán. Ngân sách sẽ chi tiền ra để đầu tư. Làm như vậy không chỉ có hiệu quả mà còn chống được đầu cơ đất đai, chống được việc thu lợi bất chính. Chính từ những cơ sở nói trên nên vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rằng nên áp dụng phương thức đấu giá.
- Vậy phải chăng từ nay tất cả đất đai sẽ được đem ra đấu giá?
+ Không phải như vậy. Chính phủ cũng đã lưu ý các địa phương: không phải bất cứ đất nào cũng đem ra đấu giá. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là có nhiều người đã có nhà ở, nay họ muốn có thêm nhà ở, hoặc là họ muốn có nhà ở đẹp hơn, rộng hơn… nhưng cũng có không ít người chưa có nhà ở. Đó là những người mới lấy chồng, lấy vợ, không thể ở chung với gia đình vì quá chật chội. Họ rất cần đất ở để làm nhà, xây dựng mái ấm gia đình riêng. Như vậy, đối với những người có nhu cầu về đất ở chúng ta vẫn phải thực hiện việc giao đất theo giá đất Nhà nước quy định, để tạo điều kiện cho họ có nhà ở. Cần nhớ rằng, chúng ta phải coi việc họ có nhà ở là một trong những điều kiện cải thiện vật chất và tinh thần cho nhân dân theo Nghị quyết của Đảng. Đồng thời, chúng ta cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của những người có điều kiện mà họ muốn có nhiều nhà ở rộng hơn, đẹp hơn.
- Cụ thể việc đấu giá đất sẽ được tổ chức như thế nào, thưa ông?
+ Những người có điều kiện, có nhu cầu sẽ phải đấu giá quyền sử dụng đất. Song, không phải cứ đấu giá đất rồi thì họ muốn làm gì thì làm. Bởi vì, Luật đã quy định rất rõ là: mục đích sử dụng đất vẫn phải do Nhà nước định đoạt, quyết định. Chẳng hạn, Nhà nước đã quy hoạch đất này là đất ở thì khi cá nhân đó đấu giá trúng chỉ được xây dựng nhà ở và phải xây dựng trong thời hạn Luật quy định. Quá thời hạn sử dụng mà anh không xây dựng tức là anh không có nhu cầu xây dựng, hoặc anh xây dựng sai mục đích thì Nhà nước sẽ thu hồi. Có thực hiện như vậy chúng ta mới tránh được đầu cơ, chứ không phải cứ có tiền là đấu giá để đó, đất lên giá lại bán tiếp. Song, chống đầu cơ chứ chúng ta không chống nhu cầu chính đáng. Vì vậy, hàng năm chúng ta đều có kế hoạch đất ở cho dân. Vấn đề là, phải công bố từng kế hoạch đó trên từng địa bàn để cho dân, những người chưa có nhà ở, đang có nhu cầu nhà ở thực sự biết để họ đăng ký để được giao đất ở. Chúng ta phải lo giải quyết việc này chu đáo. Khi chúng ta giải quyết vấn đề trên chu đáo rồi thì tôi tin rằng việc lấn chiếm, cất nhà trái phép sẽ giảm. Đó cũng chính là chúng ta đã tạo cho nhân dân sống có kỷ cương.
- Xin cảm ơn ông!
. Viết Hiền - thực hiện
|