Hiện nay, việc thực hiện Chương trình 135 ở một số tỉnh không đúng mục tiêu theo qui định của Chính phủ. Còn ở Bình Định thực hiện ra sao? Để trả lời câu hỏi này, Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Lơ O Tằm, Phó trưởng Ban Dân tộc và Miền núi Bình Định.
- Chương trình 135 thực hiện ở Bình Định đã được 5 năm. Ông có thể cho biết kết quả?
+ Trong 5 năm (1999-2003) qua, vốn đầu tư cho Chương trình 135 ở Bình Định từ ngân sách Trung ương là 50,035 tỷ đồng. Từ số tiền trên, tỉnh đã phân bổ về 28 xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh để xây dựng các công trình. Tổng số công trình được xây dựng là 168. Trong đó, giao thông: 88 công trình với kinh phí 32,093 tỷ đồng; thủy lợi: 38 (11,076 tỷ đồng), điện: 19 (428 triệu đồng), nước sinh hoạt: 16 (215 triệu đồng), trường học: 5 (256 triệu đồng), khai hoang: 2 (179 triệu đồng). Đến nay, có 129 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Năm 2004, ngân sách Trung ương đầu tư về Bình Định 14 tỷ đồng để xây dựng mới 40 công trình và hoàn thiện 39 công trình chuyển tiếp. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của Trung ương 410 triệu đồng, tỉnh đã mở 48 lớp học cho 2.030 lượt người là các cán bộ xã, thôn, làng để hướng dẫn về: quản lý hành chính, quản lý nhà nước ở cấp cơ sở, khuyến lâm, khuyến ngư, phát triển kinh tế trang trại…
Từ chỗ mỗi năm ngân sách Trung ương đầu tư 400 triệu đồng/xã đặc biệt khó khăn thì từ năm 2003 đến nay, ngân sách Trung ương đầu tư tăng lên 500 triệu đồng/xã. Ngoài ra 3 xã không nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ, nhưng tỉnh vẫn đưa vào chương trình và mỗi năm UBND tỉnh đầu tư cho 200 triệu đồng/xã để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cũng xin nói thêm, do nguồn vốn của Trung ương đầu tư hạn hẹp, UBND tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép nhiều chương trình, dự án, chính sách khác như: chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình giải quyết việc làm, chương trình phát triển giáo dục, chương trình nước sạch nông thôn, chương trình mục tiêu y tế… vào địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, nâng số tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở mỗi xã 1 tỷ đồng/năm.
- Được biết, có một số tỉnh thực hiện Chương trình 135 không đúng mục tiêu, gây thất thoát kinh phí và nhiều công trình không đảm bảo chất lượng. Vậy ở Bình Định thì sao, thưa ông?
+ Đúng là hiện nay báo chí đang phản ánh một số tỉnh thực hiện Chương trình 135 không đúng mục tiêu, mục đích. Nhưng ở Bình Định thì Chương trình này được thực hiện đúng mục tiêu, mục đích, đúng đối tượng, không thất thoát. Từ khi triển khai Chương trình 135, tình hình kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc ở Bình Định đã có bước chuyển biến tích cực. Chương trình đã đi nhanh vào cuộc sống, làm cho bộ mặt các xã đặc biệt khó khăn có sự thay đổi đáng kể.
Chương trình 135 ở Bình Định được thực hiện tốt như vậy là do sự quan tâm sâu sát của các cấp, ban, ngành. Riêng Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các huyện, xã có Chương trình 135 phải nghiêm túc thực hiện đúng qui định của Chính phủ. Chính vì vậy, từ khi thực hiện Chương trình cho đến nay, chúng ta không bị thất thoát kinh phí và các công trình đều đảm bảo chất lượng. Thời gian qua, Thanh tra tỉnh cũng đã đi kiểm tra các công trình nhưng không phát hiện có sai sót gì.
Mới đây, ông Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thay mặt cho Chính phủ đã về Bình Định kiểm tra các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh. Sau khi đi kiểm tra, Bộ trưởng đánh giá cao các công trình mục tiêu của tỉnh đã thực hiện đúng theo qui định của Chính phủ. Riêng Chương trình 135 thì Bình Định thực hiện khá tốt, tiến độ công trình thực hiện nhanh, chất lượng đảm bảo, không bị thất thoát và mang lại hiệu quả cao.
. Nguyễn Phúc - thực hiện |