Trường Cao đẳng sư phạm Bình Định: Phát triển theo hướng đa ngành
14:12', 4/5/ 2004 (GMT+7)
Trường CĐSP Bình Định đang được đầu tư để trở thành Trung tâm đào tạo giáo viên chất lượng cao với tổng kinh phí khoảng 100 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn (từ 2000-2005 và 2005-2010). Trường chưa xây xong nhưng từ năm học 2004-2005, nhà trường đã phải "giã từ" hầu hết các ngành đào tạo hệ sư phạm vì nhu cầu giáo viên đã bão hòa. Vậy tương lai Trường CĐSP Bình Định sẽ đi về đâu?
Các SV trường CĐSP Bình Định trong giờ thực hành
Ông Võ Văn Bồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2004-2005, Trường được tỉnh giao đào tạo 240 giáo viên cao đẳng (ngân sách nhà nước cấp) thuộc 5 ngành toán-tin, thể dục-công tác đội, cao đẳng mầm non, mỹ thuật-âm nhạc và ngành mới là kỹ thuật công nghiệp-công nghệ để phục vụ cho cải cách giáo dục. So với năm học trước đã giảm 90 chỉ tiêu do trường sẽ không tuyển các ngành toán, lý, hóa, văn, sử, địa... vì nhu cầu giáo viên của tỉnh đã gần như bão hòa. Tuy nhiên, để đảm bảo quy mô đào tạo, năm học này, Bộ GD-ĐT đã cho phép trường tiếp tục đào tạo các ngành cao đẳng ngoài sư phạm như tin học, công nghệ hóa học, công nghệ môi trường (210 chỉ tiêu, người học đóng học phí).
* Với xu hướng này, trường sẽ phát triển như thế nào?
- Trường sẽ phát triển theo hướng đa ngành. Từ năm học 2002-2003, trường đã mở ngành cao đẳng tin học. Năm học 2004-2005, trường sẽ tiếp tục liên kết với Trường Cao đẳng công nghệ Đà Nẵng để mở thêm ngành công nghệ hóa học và công nghệ môi trường. Trong tương lai, mỗi năm trường sẽ mở thêm vài ngành học mới phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
* Thưa ông, cùng trên địa bàn tỉnh, Trường Đại học Quy Nhơn đang đào tạo theo hướng đa ngành và đã có quá trình phát triển theo hướng này trên mười năm; lại nữa, Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn cũng là một trường dạy nghề có quy mô lớn, có sự đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc về trang thiết bị và cũng đang trên tiến trình nâng cấp thành Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật... trong khi đối với trường Cao đẳng sư phạm tất cả chỉ mới là bước khởi đầu?
- Đây là hướng đi cần thiết để trường tiếp tục tồn tại và phát triển. Hiện nay, hầu hết các trường cao đẳng địa phương đều phát triển theo hướng này. Tuy nhiên, để không có sự "dẫm đạp" lên nhau, các cấp quản lý phải có sự quy hoạch về mạng lưới các trường cao đẳng, đại học, THCN, dạy nghề trên địa bàn, khu vực. Trên cơ sở đó mà giao nhiệm vụ cho từng trường, tránh sự giành giật, thương mại hóa trong lĩnh vực đào tạo.
Về phía trường, trước mắt, sẽ phải liên kết đào tạo những ngành có thể sử dụng các trang thiết bị sẵn có của trường (các phòng thí nghiệm thực hành lý, hóa, sinh) và mở những ngành không cần nhiều "thiết bị" như du lịch, kinh tế, kế toán... Trong thời gian đó, trường sẽ từng bước đầu tư và phát triển trang thiết bị, đội ngũ giáo viên nhà trường theo hướng đa ngành.
* Còn về dự án xây dựng và phát triển trường thành trung tâm đào tạo giáo viên chất lượng cao, liệu có lãng phí quá không, thưa ông?
- Xét trên điều kiện "đủ" thì đội ngũ giáo viên của ta hiện nay chưa đủ. Để đảm bảo tỷ lệ 1,1 giáo viên/lớp ở bậc tiểu học và 1,85 giáo viên/ lớp ở THCS thì tỉnh vẫn còn thiếu từ 10-20% (theo niên giám thống kê năm 2003 của Cục Thống kê Bình Định trang 52 thì số giáo viên thiếu so với định mức ở bậc tiểu học là 594, ở bậc THCS là 1.424). Mặt khác, một bộ phận giáo viên của tỉnh có trình độ chưa chuẩn còn nhiều; giáo viên lớn tuổi nghỉ hưu hàng năm cũng chiếm một tỷ lệ tương đối so với số lượng giáo viên toàn tỉnh cần có sự đào tạo để thay thế. Hơn nữa, việc đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao cho một nền giáo dục hiện đại luôn là đòi hỏi và yêu cầu cấp bách đối với các trường sư phạm.