Ngày 12-5, đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) của Trung ương về làm việc tại Bình Định. Phóng viên Báo Bình Định đã gặp gỡ và trao đổi với ông Thang Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng thư ký Ban chỉ đạo CCHC Trung ương về công tác CCHC tại Bình Định.
- Qua đợt kiểm tra về CCHC, theo ông Bình Định hiện đang ở mức nào trong cả nước?
|
Ông Thang Văn Phúc |
+ Đến Bình Định, chúng tôi rất mừng là tinh thần chấp hành CCHC rất tốt; từ Tỉnh ủy, Ủy ban cho đến các sở, ngành công tác này đã được triển khai. Nhưng đánh giá một cách khách quan thì Bình Định đang ở tầm trung bình. Vẫn còn rất nhiều việc mà Bình Định phải tiếp tục làm, đó là những việc đòi hỏi sự kiên trì liên tục; một thái độ dũng cảm, cầu thị và tự phê bình. Đối với cải cách hành chính thì tất cả các quan hệ giao tiếp đều phải thật chuẩn mực và không thể tùy tiện. Trong thực tế, ở rất nhiều địa phương trong quá trình CCHC đã nảy ra nhiều sáng kiến hữu ích mà Bình Định có thể vận dụng được như: Cơ chế khoán, quy trình một cửa, một dấu... của TP Hồ Chí Minh từ cuối những năm 90 chẳng hạn. Những sáng kiến này sau một thời gian thực hiện và tổng kết đến nay đã có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác, như là những biểu hiện cụ thể của hoạt động CCHC.
- Theo ông, có những vấn đề gì trong công tác CCHC mà tỉnh Bình Định cần lưu ý và phải lập kế hoạch thực hiện trong thời gian tới?
+ Theo tôi việc thực hiện cơ chế "một cửa", tỉnh Bình Định đang triển khai thực hiện nhưng vẫn ở mức chậm. Đáng lẽ từ 1-1-2004 là phải triển khai cho tất cả cấp huyện và các sở, ngành, thì bây giờ đã là tháng 5, Bình Định mới triển khai được ở cấp huyện và trên 50% ở các sở, ngành. Thứ hai là việc tổ chức nơi giao dịch "một cửa" có nơi chưa đảm bảo các yêu cầu hướng dẫn, chưa chứng tỏ được rằng người dân đến trụ sở của các cơ quan hành chính Nhà nước được phục vụ tốt hơn trước; đó là những việc mà hiện nay Bình Định cần phải tập trung điều chỉnh ngay. Một việc nữa là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Cần phải có một chuyên mục về CCHC trên báo chí địa phương, không nhất thiết là chỉ để phê bình mà chủ yếu là để hướng dẫn cho xã hội những điển hình, những mô hình tốt trong CCHC và cần thiết nhắc nhở những cán bộ công chức, thậm chí phê bình cả những tổ chức thực hiện không nghiêm những quy định để tạo ra một nền hành chính thực sự thông suốt và phục vụ tốt hơn.
- Vậy theo ông, các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy toàn xã hội tham gia vào tiến trình CCHC?
+ Vấn đề này thì trong quyết định 178 của Chính phủ ban hành cuối năm 2003 đã nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các công chức và đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng phải thực sự vào cuộc đồng bộ với cơ quan chỉ đạo CCHC và tiến trình CCHC. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã có chuyên mục, diễn đàn CCHC, hoặc là gắn với chương trình giải đáp pháp luật, giáo dục công dân… để tuyên truyền về CCHC. Đây là điều rất mới trong công tác tuyên truyền mà Chính phủ đã xác định là một yếu tố hết sức quan trọng, có sức mạnh trong việc thúc đẩy tiến trình CCHC.
- Theo ông thì đâu là nguyên nhân buộc chúng ta phải thúc đẩy thật nhanh các hoạt động CCHC?
+ Động lực chính của CCHC là cho sự phát triển xã hội. Trong các Nghị quyết của Đảng có nêu: CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba giải pháp quan trọng để thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cải thiện các mối quan hệ xã hội và đây là yêu cầu để chúng ta hội nhập quốc tế. Xưa nay chúng ta lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự đi vào các khung mức pháp lý. Nếu chúng ta chậm chạp trong việc CCHC, thì có nghĩa là chúng ta tự kéo lùi sự phát triển; đấy chính là nguyên nhân buộc chúng ta phải mau chóng thực hiện CCHC.
- Xin cảm ơn ông!
. Ngọc Diên - Thực hiện
|