Chất lượng đội ngũ cán bộ - giảng viên (CB-GV) là yếu tố được nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Quy Nhơn Aptech (thuộc Trung tâm Hỗ trợ phát triển CNTT Bình Định - Cedasit). Ông Nguyễn Chánh Thi, Trưởng phòng Tư vấn - Tiếp thị Cedasit đã trả lời phỏng vấn Báo Bình Định về vấn đề này.
* Thưa ông, "sản phẩm" của Quy Nhơn Aptech là các lập trình viên quốc tế, vậy đội ngũ CB-GV của Quy Nhơn Aptech đang ở đẳng cấp nào?
- Trung tâm Hỗ trợ Phát triển CNTT Bình Định - Cedasit được thành lập theo QĐ số 81/2002/QĐ-UB ngày 22-7-2002 của UBND tỉnh. Một trong các chức năng hoạt động của Cedasit là hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ. Vì thế, Cedasit đã tiếp nhận công nghệ đào tạo lập trình viên quốc tế của tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới là Aptech Ấn Độ.
|
Ông Nguyễn Chánh Thi |
Theo tiêu chí tuyển chọn của chúng tôi, đội ngũ CB-GV của Cedasit đều đã tốt nghiệp các trường như ĐH Kỹ thuật, ĐH Khoa học tự nhiên (TP Hồ Chí Minh), ĐH Quy Nhơn chuyên ngành CNTT loại khá giỏi trở lên, có kinh nghiệm công tác, trình độ Anh văn đọc và dịch được tài liệu viết bằng tiếng Anh. Theo quy định của quy trình chuyển giao, CB-GV của hệ thống Aptech toàn cầu đều phải thi sát hạch qua mạng theo định kỳ hàng quý và được Ấn Độ cấp chứng chỉ. Cedasit còn tạo điều kiện cho CB-GV học tập nâng cao trình độ theo các chương trình đào tạo CNTT trong nước và nước ngoài.
Ngoài đội ngũ CB-GV cơ hữu của Cedasit, chúng tôi còn mời các chuyên gia, tiến sĩ, giảng viên CNTT trình độ cao thuộc các đơn vị đào tạo CNTT uy tín trong nước và thuộc hệ thống Aptech Việt Nam tham gia giảng dạy.
Phương châm chỉ đạo hoạt động của Cedasit là công tác đào tạo phải luôn gắn liền với thực tế. Một số CB-GV của Cedasit và GV từ Aptech Việt Nam đã có kinh nghiệm khi làm việc trong các công ty phần mềm của nước ngoài tại Việt Nam nên khi giảng dạy sẽ mang tính hiệu quả và thực tế.
* Xin ông nói cụ thể hơn về các lớp mà CB-GV Cedasit tham gia học tập nâng cao.
- Năm 2004, Cedasit có 7 CB-GV tham gia khóa đào tạo nâng cao kỹ năng giảng dạy CNTT của Aptech tại Huế, do Aptech cấp chứng nhận; 1 CB-GV tham gia khóa đào tạo mạng 20 ngày tại Hà Nội; 2 CB-GV tham gia kỳ thi sát hạch kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Đà Nẵng; đầu tháng 4-2004, Cedasit đã cử 3 CB-GV sang đào tạo tại Ấn Độ về các công nghệ mới Dot Net, JSP, J2EE trong 35 ngày, do Aptech cấp chứng nhận.
* Xin lỗi, ông có thể cho biết độ tuổi đội ngũ CB-GV của Cedasit?
- Câu hỏi này xin được phép không trả lời.
* Liệu có thuyết phục không khi đội ngũ CB-GV của Cedasit đều mới tốt nghiệp ĐH, chưa có kinh nghiệm giảng dạy?
- Đúng là lực lượng CB-GV của Cedasit hiện đang còn rất trẻ, nhưng họ đều đã tốt nghiệp ĐH và sau ĐH đạt loại khá giỏi, có trình độ ngoại ngữ khá. Chính vì trẻ nên họ có điều kiện và khả năng cập nhật, tiếp cận các công nghệ mới, kiến thức mới về CNTT để phục vụ giảng dạy. Theo quan điểm của tôi, tài liệu, giáo trình cập nhật, tiên tiến, hiện đại đạt chuẩn quốc tế do Ấn Độ chuyển giao mới là yếu tố mang tính thuyết phục hơn.
* Vì sao ông đánh giá cao yếu tố tài liệu, giáo trình như vậy, GV- người truyền đạt, hướng dẫn nghiên cứu cũng quan trọng chứ?
- Nếu xét về chất lượng đào tạo, chỉ đề cập đến giáo viên thì chưa đủ mà còn phải kết hợp với tài liệu, giáo trình. Chương trình đào tạo, giáo trình của Aptech được xây dựng công phu hàng năm thông qua việc nghiên cứu, khảo sát nhu cầu và sự phát triển, thay đổi công nghệ của nhiều công ty lớn như Microsoft, IBM, Novel, Sun, Oracle… Như tôi đã nói ở trên, công tác đào tạo phải gắn với thực tế, và chúng tôi khẳng định rằng, với quy trình và môi trường đào tạo theo chuẩn quốc tế, học viên của Cedasit sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực lập trình CNTT và làm được việc. Song, chất lượng đào tạo còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiếp thu và trình độ ngoại ngữ của chính học viên.
* Xin cảm ơn ông.
. Nguyên Sương - thực hiện |