Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ III năm 2002-2003:
Các giải pháp sáng tạo kỹ thuật có chất lượng cao hơn nhiều so với 2 lần hội thi trước
18:6', 30/5/ 2004 (GMT+7)

Như tin đã đưa, UBND tỉnh Bình Định đã ra Quyết định công nhận 21 tập thể và cá nhân đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Bình Định lần thứ 3 năm 2002-2003. Theo đánh giá của BTC, Hội thi STKT tỉnh Bình Định lần thứ 3 đã đạt được những thành công đáng kể. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Nghĩa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Bình Định, đại diện cơ quan thường trực Hội thi, về kết quả Hội thi.

- Thưa ông, cứ định kỳ 2 năm 1 lần, Hội thi STKT tỉnh Bình Định lại được tổ chức. Hội thi lần thứ 3 đã được phát động cách nay 2 năm. Vậy, BTC đã thu nhận kết quả như thế nào?

 Ông Lê Minh Nghĩa

+ Qua 2 năm triển khai Hội thi STKT tỉnh Bình Định lần thứ 3, chúng tôi đã nhận tất cả 38 giải pháp của các tác giả và đồng tác giả gửi dự thi. Về số lượng các giải pháp tham dự Hội thi, so với 2 lần Hội thi trước thì ngang nhau, nhưng về chất lượng, ở lần thứ 3 này, về tầm mức, trình độ về mặt kỹ thuật cũng như hiệu quả mang lại về mặt kinh tế-xã hội cao hơn nhiều. Qua xem xét của BTC và kết quả chấm điểm của Ban Giám khảo (BGK), có 3 giải pháp đạt giải nhất, 5 giải pháp đạt giải nhì, 4 giải pháp đạt giải 3 và 9 giải khuyến khích.

- Theo ông, BGK đã đánh giá như thế nào về các giải pháp đạt giải trong Hội thi lần thứ 3?

+ Tôi cho rằng, các giải nhất, nhì, ba của Hội thi là hoàn toàn xứng đáng. Riêng các giải pháp đạt giải khuyến khích, theo chúng tôi, về mặt kỹ thuật, về hiệu quả KTXH chưa phải là hoàn thiện hoặc chưa đạt trình độ cao, nhưng các đối tượng tham dự thi là những người tuy chỉ ở trình độ phổ thông, những công nhân, nông dân  bình thường (chưa phải trình độ ĐH, CĐ trở lên), nhưng họ vẫn có những sáng tạo và gửi giải pháp tham dự Hội thi. Ở góc độ này, chúng tôi xem xét những giải pháp của họ vẫn đem lại lợi ích cho xã hội và cho tỉnh nhà ở chừng mực nhất định. Do đó, BTC và BGK Hội thi thấy rằng cần phải có sự động viên, khuyến khích đối với họ, cho nên đã chấm đạt giải khuyến khích.

- Những giải pháp kỹ thuật nào mà ông cho rằng có tính độc đáo tại Hội thi lần này?

+ Có thể kể ra đây giải pháp mà tôi cho là mang tính độc đáo qua Hội thi. Chẳng hạn như đề tài Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo phục hồi ru lô ma sát cho thiết bị kiểm tra phanh MB8000 của Cử nhân Võ Bá Trọng, công tác tại Trạm Đăng kiểm 7701S Bình Định. Thiết bị này dùng để kiểm tra, kiểm định trọng lượng, tải trọng của xe, cũng như kiểm tra hiệu quả lực phanh của xe ô tô. Từ trước đến nay là nhập ngoại hoàn toàn. Thế nhưng, Trạm Đăng kiểm 7701S của tỉnh Bình Định là đơn vị đi đầu, đã nghiên cứu, sáng tạo ru lô ma sát này đạt tiêu chuẩn tương đương với các thiết bị nhập ngoại. Sau thành công của đề tài, Cục đăng kiểm VN đã quyết định cho áp dụng thiết bị này trong toàn quốc để kiểm định các loại xe qua trạm. Chúng tôi đánh giá cao giải pháp kỹ thuật này ở tính hiệu quả, cả về mặt kỹ thuật và mặt kinh tế.

Với 2 giải nhất còn lại, trước hết là giải pháp Thiết kế chế tạo máy giặt Bidifar của Công ty dược-trang thiết bị y tế Bình Định. Các cán bộ kỹ thuật của Công ty này đã tự nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy giặt đạt được công suất 50kg/mẻ giặt. Xuất phát từ tình hình thực tế của Công ty, trong sản xuất thuốc cần phải bảo đảm vô trùng, do vậy quần áo của công nhân tham gia sản xuất thuốc phải luôn luôn được giặt giũ, được hấp và tẩy trùng. Những thiết bị có tính năng tương tự nếu mua của nước ngoài thì rất đắt. Nhưng họ đã nghiên cứu sản xuất hoàn toàn máy giặt có công suất lớn trên cơ sở cải tiến máy giặt của nước ngoài, nhưng nguyên liệu hoàn toàn "nội địa" (trong tỉnh hoặc trong nước), do đó giá thành chỉ bằng 1/3 giá máy phải nhập của nước ngoài, không những chỉ sử dụng trong các Công ty sản xuất thuốc mà còn có thể sử dụng cho các nhà hàng, khách sạn. Cái độc đáo của giải pháp kỹ thuật này là công đoạn sấy khô, các loại máy giặt tương tự của nước ngoài thường là không có, và nếu có chức năng này, thì máy loại này rất đắt tiền, nhưng ở đây giải pháp đã sáng tạo được chức năng này, hoạt động đạt hiệu quả.

Giải nhất còn lại thuộc về đề tài Thiết kế chế tạo Lavabo rửa tay tự động, cũng của tập thể tác giả Công ty Dược-trang thiết bị y tế Bình Định. Mặt hàng này lâu nay nước ta nhập khẩu của Trung Quốc khá nhiều, nhưng chất lượng không bảo đảm lắm, chủ yếu là bộ phận "mắt thần" điều khiển tự động hóa trong quá trình rửa tay rất dễ bị hỏng hóc. Cũng xuất phát từ đặc điểm của ngành, họ đã nghiên cứu cải tiến thành công. Phần mềm mà các tác giả xây dựng nên hoàn toàn hợp lý và bảo đảm tính kỹ thuật trong quá trình vận hành. Và họ đã liên kết được quá trình tự động giữa rửa tay, tiệt trùng và sấy khô sau khi rửa khép kín một cách hoàn hảo. 

- Xin cám ơn ông.

. Khánh Hoàng - thực hiện

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chương trình "Tiếp sức mùa thi" 2004 đã sẵn sàng  (27/05/2004)
Quy Nhơn - Bình Định sẽ là điểm nhấn của Vietravel trong các tour mùa hè 2004   (25/05/2004)
Đã xử lý nước thải ứ đọng ở KCN Phú Tài  (19/05/2004)
Chất lượng giảng viên tại Quy Nhơn Aptech đang ở đẳng cấp nào?  (19/05/2004)
Những điểm mới trong các kỳ thi tốt nghiệp năm học 2003-2004   (18/05/2004)
Luật Đất đai mới phải phổ cập đến với người dân   (14/05/2004)
CCN Nhơn Bình chỉ thu hút các DN sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường  (14/05/2004)
Cải cách hành chính ở Bình Định, còn nhiều việc phải làm   (13/05/2004)
Nhà máy sẽ góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm cây sắn và việc làm cho nông dân   (11/05/2004)
Ngân hàng Chính sách xã hội: Cầu nối để hộ nghèo và gia đình chính sách thoát nghèo   (09/05/2004)
Trường Cao đẳng sư phạm Bình Định: Phát triển theo hướng đa ngành  (04/05/2004)
Sẽ chấn chỉnh những tồn tại của loại hình xe khách chất lượng cao   (03/05/2004)
Chương trình 135 ở Bình Định làm khá tốt  (02/05/2004)
Chống đầu cơ đất đai nhưng cần phải quan tâm đến nhu cầu đất ở của nhân dân   (21/04/2004)
Hãy góp thêm niềm vui cho phụ nữ nghèo   (19/04/2004)