Vào cuối tháng 3-2004, tại khu vực rừng đầu nguồn xã An Dũng (An Lão) đã xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng. Sau khi bị phát hiện, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng đã vào cuộc để tiến hành xử lý vụ vi phạm pháp luật này. Ông Nguyễn Đình Kim, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã trả lời phỏng vấn của Báo Bình Định về vụ việc này như sau.
* Thưa ông, vụ phá rừng đầu nguồn xã An Dũng diễn ra như thế nào?
|
Ông Đinh Văn Bích, thôn trưởng thôn 1 xã An Dũng và cây gỗ rừng bị khai thác trái phép |
- Sau khi phát hiện việc khai thác rừng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu ở xã An Dũng (An Lão), Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm An Lão báo cáo rõ tình hình; đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan như: Viện Kiểm sát, Công an phối hợp để điều tra làm rõ vụ việc. Kết quả điều tra ban đầu như sau: Tháng 2-2004, Công ty TNHH Tăng An (văn phòng tại Hoài Ân, do ông Trần Văn Phước làm giám đốc) trúng thầu xây dựng 3 nhà văn hóa tại thôn 1 thôn 2 và thôn 4 của xã An Dũng. Trong quá trình thi công công trình nói trên, vào cuối tháng 3-2004, ông Phước đã tự tiện liên hệ với ông Đinh Văn Phan, Chủ tịch UBND xã An Dũng để khai thác gỗ rừng (trái phép) với lý do lấy gỗ để xây dựng nhà văn hóa. Và sau đó ông Phước đã thuê Nguyễn Văn Bá, Đoàn Văn Nghị, Nguyễn Thông, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thanh Bình ở xã An Hòa (An Lão) trực tiếp đến khai thác gỗ tại lô 4, tiểu khu số 2, rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu thuộc địa bàn thôn 1 xã An Dũng.
Tại hiện trường, số lượng cây rừng bị đốn hạ là 48 cây, khối lượng gỗ ước tính 20,213 m3 gỗ tròn (từ nhóm 3 đến nhóm 5) và 30 ster củi. Đến khi các ngành chức năng phát hiện vụ việc, thì số gỗ đã bị cưa xẻ thành phẩm 9,914m3.
* Ngoài các đối tượng tổ chức và trực tiếp phá rừng trái phép còn có những cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm trong vụ phá rừng này?
- Theo Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21-12-1998 của Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp thì trách nhiệm này thuộc về UBND xã An Dũng. Việc Chủ tịch UBND xã An Dũng đã tự ý cho phép các đối tượng vào khai thác rừng phòng hộ xung yếu đầu nguồn để lấy gỗ xây dựng nhà văn hóa của xã là hoàn toàn sai trái, vượt quá thẩm quyền cho phép. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm An Lão cũng phải chịu trách nhiệm, bởi vì đây là cơ quan tham mưu, giúp UBND huyện An Lão thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn huyện theo sự phân cấp của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Hạt Kiểm lâm An Lão đã để xảy ra phá rừng mà không kịp thời phát hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý thì trách nhiệm của đơn vị này là không thể tránh khỏi.
* Vụ phá rừng được đánh giá là nghiêm trọng này sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?
- Trên cơ sở kết quả điều tra ban đầu, chúng tôi nhận thấy đây là vụ phá rừng có tổ chức; có sự chỉ đạo điều hành thống nhất của một người cầm đầu là ông Trần Văn Phước - Giám đốc Công ty TNHH Tăng An. Gỗ rừng khai thác thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu được quy định tuyệt đối cấm khai thác; số lượng gỗ khai thác khá lớn. Việc tổ chức khai thác là có sự cấu kết của lãnh đạo địa phương, cụ thể là ông Đinh Văn Phan - Chủ tịch UBND xã An Dũng. Do vậy, chúng tôi đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ điều tra để chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự khởi tố vụ án; nhằm làm rõ, xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.
* Xin cảm ơn ông!
. Nguyễn Hân - thực hiện
|