Nhà báo Đinh Phong, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:
Nghề báo là một nghề rất thú vị, rất đáng đam mê và dấn thân
16:57', 20/6/ 2004 (GMT+7)

Nhắc đến tên Đinh Phong, hẳn bạn đọc, nhất là giới báo chí Việt Nam đều biết. Bởi Đinh Phong không chỉ nổi tiếng với những phóng sự, điều tra, mà còn là một cây viết đa năng, đa tài, với khá nhiều loại hình, lĩnh vực, như: văn học, thơ ca, điện ảnh, sân khấu... Đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 79 Ngày Báo chí Việt Nam (21-6), nhà báo Đinh Phong có mặt tại TP. Quy Nhơn. Chúng tôi đã không bỏ lỡ dịp "bắt cóc" ông và Đinh Phong đã vui lòng dành cho Báo Bình Định một cuộc trò chuyện thân tình...

- Trước hết, đề nghị ông đánh giá một cách khái quát về vai trò của báo chí Việt Nam trong những năm vừa qua, nhất là thời kỳ sau Đổi mới?

Nhà báo Đinh Phong đang nói chuyện với giới báo chí Bình Định

+ Phải nói rằng, thời gian qua báo chí đã góp phần phát hiện những nhân tố mới, đấu tranh với những tiêu cực và góp phần hoàn thiện các chính sách đã được ban hành. Báo chí đã đóng góp rất tích cực trong sự nghiệp đổi mới, trong đó tự thân báo chí cũng đã đổi mới rất nhiều về nội dung, hình thức, đã đưa báo chí vươn tới các vùng sâu, vùng xa và ra đến nhiều nơi trên thế giới.

- Đâu là những tồn tại, khó khăn?

+ Đội ngũ báo chí Việt Nam vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tế. Chưa theo kịp trình độ của các đồng nghiệp trong khu vực. Theo tôi, các nhà báo cần nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ để đảm nhiệm công việc hàng ngày nhiều và với trình độ cao hơn.

- Thời gian qua, "làng báo" Việt Nam xảy ra một số vụ việc như Trần Mai Hạnh, Hoàng Linh, Quang Thắng…Thái độ và quan điểm của ông về những vụ việc này?

+ Đúng là trong đội ngũ báo chí vẫn còn "những hạt sạn". Cần phải đấu tranh tích cực để đội ngũ báo chí ngày càng viết hay, trong sáng, trung thực, được nhân dân tin tưởng, yêu mến. Đông đảo các nhà báo đã cố gắng giữ ngòi bút trung thực, trong sáng, vì lợi ích của nhân dân. Song đáng tiếc vẫn còn một số nhà báo và cả người có trách nhiệm ở cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Những người đó đã làm giảm uy tín của làng báo chúng ta, làm mất niềm tin của nhân dân. Đối với nhà báo, cơ chế thị trường có 2 mặt: mặt phải và mặt trái. Mặt trái của cơ chế thị trường giống như vòi bạch tuộc đeo bám, dụ dỗ, dẫn lối chúng ta làm điều tiêu cực, phạm tội. Nhà báo nào cũng có thể bị dẫn dắt vào con đường sai trái. Vì vậy, mỗi người phải biết cảnh giác, rèn luyện mình để giữ cho ngòi bút trung thực. Phải rèn luyện thường xuyên mới có thể đứng vững, kể cả những người đã được tôi luyện trong chiến tranh nếu không nghiêm khắc với mình vẫn có thể sa vào cạm bẫy của bọn tiêu cực.

- Ông có nhận xét gì về công tác đào tạo báo chí ở Việt Nam? Có điều gì bất cập giữa đào tạo với sử dụng?

+ Việc đào tạo báo chí của ta quả đang gặp một số bất cập. Mỗi năm chúng ta trao bằng cử nhân báo chí cho khoảng 300 em trong hệ thống chuyên nghiệp nhưng nhu cầu của các báo, đài chỉ thu hút vài mươi người mỗi năm. Điều đáng nói, lâu nay chúng ta đào tạo cử nhân báo chí, nhưng chưa đào tạo nhà báo - những người viết báo. Để khắc phục điều này, theo tôi cần tuyển các sinh viên có năng khiếu viết báo như tuyển sinh viên mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh… hoặc sau 2 năm học cơ bản sẽ chọn ra các sinh viên có năng khiếu viết báo để đào tạo. Viết báo là một nghề, vì vậy phải chú trọng đào tạo nghề mới mong có nhiều nhà báo.

- Ông bước vào nghề báo từ bao giờ và bằng con đường nào?

+ Tôi thích viết báo từ lúc còn học phổ thông, nhưng chỉ là viết báo tường. Sự đam mê đó đã dẫn tôi đến báo Nhân Dân. Khi đó, tôi mới 16 tuổi. Tôi được đào tạo để trở thành một người làm báo với tất cả các công việc: dò bài, sửa mo-rát, vẽ ma-két, viết tin, viết phóng sự… Năm 19 tuổi, tôi được học viết báo tại lớp đào tạo đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại.

- Những kỷ niệm vui, buồn trong cuộc đời làm báo của ông?

+ Thời kỳ làm báo ở miền Bắc, phóng viên chúng tôi khi đó chỉ có chiếc xe đạp cọc cạch và những bữa ăn sơ sài, đạm bạc. Song, những ngày đó thật sôi nổi, hăng hái, để lại những kỷ niệm khó quên. Tôi còn nhớ, bài phóng sự đấu tranh của tôi dài 1.200 chữ được đăng báo Nhân Dân năm 1959. Năm 1964 tôi vô Nam tham gia chiến đấu và viết. Cuộc kháng chiến chống Mỹ khá ác liệt và người phóng viên vừa cầm súng, vừa cầm viết. Trong những tháng năm đó tôi đã tích lũy được nhiều tư liệu để viết truyện ngắn. Ngoài viết báo, tôi đã viết gần 50 truyện ngắn và được in thành nhiều tập.

- Trong đời làm báo, có bao giờ ông phải đứng trước những thử thách, cám dỗ và hiểm nguy?

+ Có chứ! Trong thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, tôi đã từng tham gia cổ động cho các đơn vị, viết về những đơn vị tìm con đường thoát khỏi bao cấp. Khi đó, có không ít thế lực chống đối rất dữ, thậm chí đòi xử lý các phóng viên. Song, chúng tôi cùng lực lượng đổi mới đã thắng.

- Quan niệm của ông về nghề báo? Theo ông, phẩm chất quan trọng nhất đối với một nhà báo là gì?

+ Nghề báo là một nghề rất thú vị, rất đáng đam mê và dấn thân. Song, nghề báo là một nghề rất khó khăn và khắc nghiệt, đòi hỏi người cầm viết phải sáng suốt, dũng cảm và trong sáng. Theo tôi, phẩm chất quan trọng đối với một nhà báo là viết hay, trung thực, trong sáng. Để trở thành một nhà báo được nhân dân yêu quý, trước hết phải là một người cầm viết hết lòng vì sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo; đồng thời phải là người viết hay, viết giỏi, viết đúng những vấn đề mà nhân dân quan tâm.

- Ông có nhận xét gì về các nhà báo trẻ hiện nay?

+ Các nhà báo trẻ hiện nay có trình độ học vấn khá hơn chúng tôi ngày trước, biết sử dụng nhiều phương tiện cho nghề, họ nhanh nhạy hơn và viết khá tốt. Song, không ít các nhà báo trẻ bây giờ ngại học tập chính trị - một cơ sở vững chắc cho nghề viết báo và chưa thật quyết tâm phấn đấu trở thành những đảng viên, đoàn viên - chất lượng chính trị của người cầm viết cách mạng.

- So với thời chiến tranh, làm báo bây giờ có gì khác?

+ Bây giờ làm báo không vất vả như hồi chiến tranh: không hành quân bằng đôi chân, không phải khai thác tư liệu trong bom đạn, không phải ngồi viết trong hầm tránh pháo... song hôm nay, người cầm viết vẫn có khá nhiều vấn đề khó khăn. Chẳng hạn, bên cạnh việc phải phát hiện, lựa chọn đề tài, người viết báo hôm nay còn phải chống chọi với sự cám dỗ của mặt trái cơ chế thị trường.

- Trong các thể tài, thể loại báo chí, ông thích viết thể tài, thể loại nào? Thế mạnh của ông?

+ Tôi thích viết phóng sự, phóng sự điều tra và bút ký. Bởi vì, đây là những thể loại phản ảnh được phong trào cách mạng sôi nổi, những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống được người đọc chú ý và chờ đợi. Đây cũng chính là thế mạnh của tôi.

- Bạn đọc báo Bình Định và anh em đồng nghiệp rất muốn biết đôi nét về "chân dung thật" của nhà báo Đinh Phong?

+ (Cười vui). Chỉ xin vắn tắt thôi nhé! Tên thật: Nguyễn Văn Túc; sinh năm 1938; quê quán: TP. Huế - tỉnh Thừa Thiên - Huế; bút hiệu thời kỳ làm báo ở miền Bắc: Chiến Phong; bút hiệu thời kỳ làm báo ở miền Nam cho tới nay là Đinh Phong. Tham gia cách mạng từ năm 1953. Vào Đoàn từ năm 1953 và vào Đảng năm 1960. Vào làng báo từ năm 1955, bắt đầu viết báo từ năm 1958, viết phóng sự từ năm 1959. Bài thơ đầu tiên đăng báo Tiền Phong vào năm 1957 và truyện ngắn đầu tay viết năm 1959. Đã in: Trên những nẻo đường đất nước (bút ký); Hương thơm còn lại, Hình người cưỡi ngựa (truyện ngắn); 40 năm làm báo (hồi ký). Ngoài nghề viết báo, viết văn, tôi còn viết kịch, phim truyện, phim tài liệu. Tôi đã có 16 bài thơ được phổ nhạc và hiện đang in tập truyện ngắn thứ ba.

- Còn gia đình, vợ con?

+ (Lại cười lớn). Tôi có 1 vợ, 3 con. Vợ tôi là cán bộ, đảng viên của Đài Truyền hình TP. HCM. Cô ấy vốn là một giao liên trong kháng chiến chống Mỹ. 3 con của tôi đều là trai. Cháu lớn hiện đã tốt nghiệp đại học, đi làm và đang tu nghiệp ở nước ngoài. Hai cháu kề đang học đại học ở TP.HCM.

- Xin cảm ơn ông!

. Viết Hiền (thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nơi để các doanh nhân nữ giao lưu và học tập kinh nghiệm lẫn nhau   (18/06/2004)
Tốc độ lây nhiễm HIV không tăng nhưng nguy cơ tiềm ẩn lớn   (16/06/2004)
Khắc phục hậu quả cơn bão số 2 là ưu tiên hàng đầu   (15/06/2004)
Đây là bước ngoặt quan trọng của bóng đá Bình Định   (14/06/2004)
Bình Định sẽ hết sức cố gắng để 2 giải đấu thể thao thành công  (09/06/2004)
Cầu Diêu Trì sẽ được thông xe vào ngày 2-9-2004   (08/06/2004)
Nhà máy phong điện Phương Mai sẽ góp phần làm hấp dẫn thêm Khu du lịch Phương Mai - Núi Bà  (08/06/2004)
Cần có quy hoạch tổng thể các KCN - CCN trên quy mô toàn tỉnh đến năm 2010 và xa hơn   (03/06/2004)
Vụ phá rừng đầu nguồn An Dũng sẽ được xử lý đúng người, đúng tội   (02/06/2004)
Các giải pháp sáng tạo kỹ thuật có chất lượng cao hơn nhiều so với 2 lần hội thi trước  (30/05/2004)
Chương trình "Tiếp sức mùa thi" 2004 đã sẵn sàng  (27/05/2004)
Quy Nhơn - Bình Định sẽ là điểm nhấn của Vietravel trong các tour mùa hè 2004   (25/05/2004)
Đã xử lý nước thải ứ đọng ở KCN Phú Tài  (19/05/2004)
Chất lượng giảng viên tại Quy Nhơn Aptech đang ở đẳng cấp nào?  (19/05/2004)
Những điểm mới trong các kỳ thi tốt nghiệp năm học 2003-2004   (18/05/2004)