Ngày 7-6-2004, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết tài trợ cho Dự án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai ở các tỉnh miền Trung. Theo đó, Tổ chức Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và Chính phủ các nước Hà Lan, Lúc-xem-bua sẽ tài trợ 2,6 triệu USD cho tỉnh Bình Định và TP Đà Nẵng thực hiện dự án nói trên. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Chi, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều xung quanh việc thực hiện dự án ở Bình Định.
- Xin ông cho biết rõ hơn về việc ký kết tài trợ cho Dự án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai ở các tỉnh miền Trung?
+ Dự án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai các tỉnh miền Trung được UNDP và Chính phủ các nước Hà Lan, Lúc-xem-bua đồng tài trợ. Dự án này có tổng kinh phí 2,6 triệu USD, hỗ trợ cho 2 tỉnh Bình Định và TP Đà Nẵng đầu tư nâng cấp các công trình phòng chống lũ lụt, đê điều, cầu cống… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra. Trong khoản kinh phí 2,6 triệu USD mà dự án được tài trợ, Bộ NN-PTNT đã phân bổ cho Bình Định 1,7 triệu USD và TP Đà Nẵng 900.000 USD...
- Với kinh phí được tài trợ, Bình Định sẽ dùng để đầu tư vào những công trình nào, thưa ông?
+ Tại Bình Định, nhiều năm qua, hệ thống đê Khu Đông thường xuyên bị thiên tai, bão lụt đe dọa. Tuy vậy, nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp tuyến đê này hiện nay rất thiếu thốn. Cứ đến mỗi mùa lũ lụt, hàng ngàn dân cư sống trong vùng này thường xuyên bị đe dọa đến tính mạng. Do đó, UBND tỉnh đã quyết định sử dụng nguồn tài trợ này để đầu tư tu sửa, nâng cấp hệ thống đê Khu Đông. Cụ thể, dự án được chia thành 3 tiểu dự án gồm: Nâng cấp, tu sửa tuyến đê Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) dài 1.250 mét; tuyến đê Nhơn Bình: 1.000 mét và tuyến đê Phước Thắng (Tuy Phước) - Cát Chánh (Phù Cát) dài 3.600 mét cùng một số cống tiêu trên hệ thống đê. Tất cả các đoạn đê này sẽ được xây dựng kiên cố bằng bê tông với kích thước mặt đê rộng 5 mét, dày 20cm. Vừa bảo đảm an toàn cho tuyến đê, vừa tạo thuận lợi cho việc giao thông đi lại cho người dân vùng ven đê. Bên cạnh đó, khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần ngăn mặn, giữ ngọt cho 1.200 ha đất canh tác nông nghiệp vùng ven đầm Thị Nại.
- Hiện nay, việc triển khai thực hiện dự án này như thế nào?
+ Để dự án được nhanh chóng triển khai, vừa qua, UBND tỉnh đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo và quản lý dự án, chỉ định Công ty Tư vấn thiết kế thủy lợi - thủy điện Bình Định và Công ty Chuyển giao công nghệ thuộc Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội thực hiện công tác khảo sát thiết kế. Theo kế hoạch, phần thiết kế chi tiết sẽ được trình Bộ NN-PTNT phê duyệt vào tháng 7 tới, và trong tháng 8 sẽ khởi công xây dựng. Dự kiến đến tháng 8-2005 phần xây dựng cơ bản của dự án sẽ được hoàn thành; đến tháng 12-2005 sẽ hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng.
- Xin cảm ơn ông!
. Nguyễn Hân (thực hiện) |