Kể từ ngày 1-7-2004, Luật đất đai mới bắt đầu có hiệu lực thi hành với rất nhiều điểm mới so với Luật đất đai năm 1993. Ở Bình Định, sau khi Luật mới được thực hiện, đã có một số vấn đề đặt ra. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Mươi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định.
- Thưa ông! Mấy hôm nay có dư luận cho rằng, khi Luật đất đai mới bắt đầu có hiệu lực thi hành thì giá đất sẽ tăng, tiền chuyển quyền sử dụng đất (SDĐ) ở, nhà ở cũng tăng, khiến cho một số người dân đã kéo đến các cơ quan chức năng liên quan để làm các giấy tờ về đất đai, gây quá tải cho các cơ quan này. Trước tình hình này, ông giải thích như thế nào?
+ Từ ngày 1-7-2004 Luật đất đai mới bắt đầu có hiệu lực thi hành. Luật này tạo nhiều thuận lợi cho dân, và giải quyết được nhiều tình hình thực tiễn mà luật cũ không giải quyết được. Ví dụ, những người SDĐ và đang có nhà ở, mà đất đó hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, cho dù có hay không có giấy tờ, thì theo Luật mới đều được cấp giấy chứng nhận, không phải tốn kém gì nhiều, trừ lệ phí địa chính, lệ phí trước bạ theo quy định.
Như vậy, không có lý do gì để nói rằng Luật đất đai mới có hiệu lực thi hành thì giá đất tăng, tiền chuyển quyền SDĐ ở, nhà ở tăng, để rồi ùn nhau đi làm, gây quá tải cho cơ quan chức năng, và gây dư luận không tốt.
Tôi cũng xin nói thêm là Luật mới quy định về công bố giá đất hằng năm. Công bố giá đất hằng năm không có nghĩa là hằng năm tăng giá đất. Theo Luật mới, các tỉnh căn cứ vào khung giá và phương pháp xác định giá của Chính phủ, các địa phương quy định giá đất cụ thể ở địa phương mình, và công bố vào ngày 1-1 hàng năm, và thực hiện trong năm đó. Việc công bố này nhằm làm cho người dân yên tâm. Theo quy định này, từ ngày 1-7-2004, trong cả nước, cũng như ở Bình Định, chưa ai tăng giá đất, chưa ai tăng tiền thuế đất cả.
- Như ông vừa nói, kể từ ngày 1-7-2004, các tỉnh công bố giá đất hằng năm theo khung giá của Chính phủ. Vậy, cụ thể vấn đề này ở Bình Định như thế nào?
+ Luật quy định, từ 1-1 hàng năm, các tỉnh công bố giá đất. Riêng trong năm 2004 này, Chính phủ cho các địa phương điều chỉnh. Thế nhưng, tỉnh Bình Định chưa tiến hành điều chỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho các cơ quan chức năng xem xét việc điều chỉnh. Việc điều chỉnh tuân theo nguyên tắc không vượt quá giá đã hình thành thực tế trên thị trường. Điều này cũng có nghĩa nếu sắp tới có điều chỉnh thì cũng không làm tăng giá đất. Thực tế là giá đất theo Quyết định 28 của UBND tỉnh năm 2000 so với hiện nay là quá lạc hậu, cho nên phải điều chỉnh, nhưng như tôi đã nói, điều chỉnh không có nghĩa là vượt quá giá đang hình thành, đang chuyển nhượng trên thị trường hiện nay.
- Thưa ông, chúng tôi được biết, khi đưa Luật đất đai mới vào thực hiện, cũng tức là chúng ta chấp nhận hình thành thị trường bất động sản. Và khi chấp nhận như vậy, thì rất dễ xảy ra tình trạng đầu cơ đất, nâng giá đất trên thị trường. Vậy, tỉnh Bình Định có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
+ Không phải chờ đến khi thực hiện Luật mới thì mới có tình trạng đầu cơ đất, mà đầu cơ đất đai sẽ xảy ra thường xuyên nếu như chúng ta không có biện pháp xử lý. Để chống đầu cơ đất đai, trước hết, chúng ta phải đáp ứng nhu cầu về đất cho những đối tượng có nhu cầu thực sự và chính đáng, kể cả giải quyết đất ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Thứ 2, phải giao đất đúng đối tượng. Nếu giao sai đối tượng thì rất dễ tạo ra tình trạng đầu cơ. Thứ 3, theo tôi biết, sắp tới đây, Chính phủ sẽ điều chỉnh thuế chuyển nhượng quyền SDĐ. Việc điều chỉnh này nhằm để điều tiết lợi nhuận của những người đầu cơ, của quá trình đầu cơ. Ngoài ra, còn có biện pháp hành chính, là người nào đã được Nhà nước giao đất thì người đó phải SDĐ đúng mục đích. Phải tuyệt đối không cho họ chuyển mục đích trái thẩm quyền. Nếu thực hiện tốt những biện pháp kể trên, tôi tin rằng tình trạng đầu cơ đất sẽ giảm.
- Theo Luật đất đai mới, việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở cho nhân dân sẽ được tiến hành như thế nào?
+ Luật đất đai mới đảm bảo rằng quy định: những người SDĐ có giấy tờ hợp pháp hoặc SDĐ ổn định, phù hợp với khu quy hoạch dân cư thì đương nhiên được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ. Luật mới quy định: đất ở ở đô thị thì được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, còn tài sản trên đất thì chủ sở hữu tài sản đăng ký theo Luật bất động sản. Và trong khi chưa có Luật bất động sản, thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ghi nhận tài sản đó trên giấy chứng nhận quyền SDĐ. Như vậy, sẽ không còn tiến hành làm sở hữu nhà nữa, mà chỉ cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở. Giấy này được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phát hành, thống nhất trong cả nước, trong đó ghi nhận đất ở và trên đất có những công trình gì. Khi muốn chuyển dịch công trình đó (bất động sản), tức là muốn giao dịch, mua bán, chuyển nhượng bất động sản đó, thì đăng ký theo Luật bất động sản. Và trong khi chưa có Luật bất động sản, thì giấy chứng nhận đó được thế chấp, mua bán, chuyển nhượng bình thường.
- Sau ngày 1-7-2004, người dân ở Bình Định, khi có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ thì phải đến đâu, gặp ai, và làm thủ tục gì để được thỏa mãn, thưa ông?
+ Hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở còn tồn đọng lớn nhất là ở đô thị, đặc biệt là TP Quy Nhơn. Cách đây hơn một tháng, Sở TN&MT đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn xây dựng Đề án cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở cho toàn bộ thành phố để từ ngày 1-7 trở đi, khi Luật mới có hiệu lực thi hành thì Phòng TN&MT giúp cho UBND TP tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở cho dân. Còn ở các huyện, việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở cũng sẽ do các Phòng TN&MT thực hiện. Cụ thể hơn, tại các Phòng TN&MT, Văn phòng đăng ký quyền SDĐ sẽ đảm nhiệm công việc này, và thực hiện theo cơ chế "một cửa".
- Xin cám ơn ông.
. Khánh Hoàng - thực hiện
|