Bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2003-2004, Công ty Bông vải miền Trung cam kết thu mua bông vải cho nông dân và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để nông dân đưa cây bông vải vào sản xuất đại trà. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Trạm thu mua bông vải Bình Định (thuộc Công ty Bông vải miền Trung) xung quanh vấn đề này.
* Ông đánh giá như thế nào về khả năng phát triển cây bông vải ở Bình Định?
|
Ông Nguyễn Minh Hòa |
- Hiện nay, nhu cầu bông vải phục vụ cho ngành dệt may trong nước là rất lớn, nhưng nguyên liệu thì quá ít, nên nhiều tỉnh đã đưa cây bông vải vào trồng. Theo khảo sát của chúng tôi, tỉnh Bình Định hiện có diện tích đất bồi ven sông khá lớn, khí hậu ở đây cũng rất phù hợp cho việc phát triển cây bông vải, nhiều diện tích lúa thiếu nước tưới có thể chuyển sang trồng bông vải cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hơn nữa, cây bông vải đã được UBND tỉnh khuyến khích nông dân phát triển, nhiều địa phương xem cây bông vải là cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo, và thực tế thì cây bông vải đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân trong tỉnh.
* Xin ông cho biết nội dung cụ thể của hợp đồng ký kết sản xuất, thu mua nông sản giữa công ty và nông dân?
- Công ty chúng tôi cam kết thu mua bông vải với giá có lợi cho nông dân bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2003-2004. Cụ thể là ký kết hợp đồng với chính quyền địa phương hoặc hợp tác xã, hoặc ký trực tiếp với nông dân, có xác nhận của chính quyền địa phương. Bên A (địa phương) chịu trách nhiệm vận động nông dân đưa cây bông vải vào trồng, hỗ trợ cho bên B (công ty) thực hiện đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua bông vải, bảo vệ các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nông dân và của bên B, nhất là quyền được thu mua hết nông sản của nông dân do bên B đầu tư, quyền thu hồi vốn đầu tư. Còn bên B chịu trách nhiệm thu mua nông sản cho nông dân với giá sàn (giá tối thiểu là 5.200 đồng/kg) bông loại 1 và loại 2 (giá thu mua như nhau); cung ứng đầy đủ hạt giống có chất lượng tốt, cho nông dân ứng trước vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân; thu mua kịp thời, thanh toán bằng tiền mặt, chậm nhất là 2 ngày; thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích cây bông vải của Chính phủ, của tỉnh, huyện nếu có. Nếu bên A hoặc B không thực hiện đúng hợp đồng đã ký thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nội dung bản hợp đồng đã được công ty thông báo rộng rãi trong dân và đã được nhiều nông dân hưởng ứng. Vụ đông xuân 2003-2004, công ty đã ký được 33 hợp đồng với các tổ chức, đơn vị đại diện cho 682 hộ nông dân ở các huyện: Hoài Ân, Tây Sơn, An Nhơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát sản xuất được trên 200 ha bông vải trồng xen với các loại cây trồng cạn. Đến nay, công ty đã cung ứng được 907 kg giống, cho nông dân ứng trước trên 200 triệu đồng để đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đợt đầu, công ty đã thu mua được 7 tạ bông với giá 5.500 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân thì với giá thu mua hiện nay, bình quân 1 sào bông vải xen canh với các loại cây trồng khác, họ có lãi từ 1,2-1,4 triệu đồng.
* Nhiều nông dân còn băn khoăn về tính bền vững của việc ký kết thu mua nông sản của công ty. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi nghĩ, dù sản xuất kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực nào cũng phải giữ được chữ tín, bởi chữ tín góp phần quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Ngay từ vụ sản xuất bông vải đầu tiên, công ty đã thực hiện tốt công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; đáp ứng về giống, vốn, giúp bà con tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư sản xuất; thu mua nông sản kịp thời, công khai, hình thức thanh toán nhanh, gọn. Cách làm của công ty đã và đang được chính quyền và nông dân các địa phương ghi nhận là có hiệu quả. Xác định làm ăn lâu dài tại Bình Định, công ty sẽ duy trì cách làm trên để ngày càng thắt chặt mối quan hệ làm ăn giữa công ty và nông dân, hài hòa lợi ích cả đôi bên. Năm tới công ty sẽ tăng cường đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất khoảng 600-700 ha bông vải tại các huyện: Hoài Ân, Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ…
* Xin cảm ơn ông!
. Phạm Tiến Sỹ (thực hiện)
|