Ứng dụng chế phẩm EM: Bước đầu đã có những hiệu quả
16:49', 17/8/ 2004 (GMT+7)

Đề tài khoa học "Nghiên cứu quy trình sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh hữu hiệu EM phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại Bình Định" do Trung tâm tư vấn đầu tư và phát triển khoa học công nghệ - môi trường tỉnh thực hiện bắt đầu triển khai từ tháng 6-2003, đến nay đã mang lại những hiệu quả bước đầu. Phó Giáo sư-Tiến sỹ (PGS-TS) Lê Dụ (Đại học Quy Nhơn), Chủ nhiệm đề tài, cho biết:

Nhóm thực hiện đề tài đang phổ biến cách sử dụng EM trên cây đậu phộng cho nông dân Phước Thành

+ Từ thực tế một số địa phương ở nước ta, như Hà Nội, TP HCM, tỉnh Vĩnh Phúc... đã ứng dụng chế phẩm vi sinh hữu hiệu trong trồng trọt, chăn nuôi đạt được những kết quả tốt, tỉnh Bình Định của chúng ta đã đưa về vận dụng tại địa phương. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên đưa chế phẩm EM vào ứng dụng trong sản xuất, nên chính quyền tỉnh đã thận trọng, tổ chức đề tài thực nghiệm khoa học này trên cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản.

- Thưa PGS-TS, chúng tôi được biết, kể từ tháng 6-2003 đến nay, đề tài đã triển khai trên một số mô hình, như trên cây lúa, cây đậu phộng, trong nuôi tôm, nuôi heo. Vậy, ông đánh giá như thế nào về kết quả bước đầu việc ứng dụng chế phẩm này trong thời gian qua?

+ Trên cây đậu phộng, qua một cuộc hội thảo gần đây, đã cho thấy chế phẩm EM đã có nhiều tác động có lợi cho người nông dân. Thứ nhất, nó có tác dụng cải tạo đất; thứ 2, nó làm tăng năng suất; và thứ 3, làm hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là bệnh "chết yểu"-một loại bệnh thường xảy ra với cây đậu phộng. Đó là những ý kiến đúc kết của người nông dân ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), nơi tổ chức mô hình sử dụng chế phẩm EM trên cây đậu phộng. Với con tôm, đề tài thực hiện trên 2 ao nuôi ở xã Phước Sơn. Kết quả thu hoạch vụ vừa qua cho thấy năng suất tăng khá cao, 3 chủ nuôi tôm trên 2 ao (1,5 ha), mỗi chủ thu lãi 42 triệu đồng, tăng gấp đôi so với khi nuôi không sử dụng EM. Với cây lúa, thông qua khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ trên mô hình sử dụng EM trên cây lúa ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) cũng cho kết quả tốt. Nông dân ở đây đã tin tưởng vào việc sử dụng chế phẩm này, và họ đề nghị cho tiếp tục thực hiện trong vụ đông xuân sắp tới với diện tích khoảng 2 ha. Tương tự như vậy là với con heo, đề tài thực hiện tại Trại giống heo cấp 2 huyện Tây Sơn, họ cũng đề nghị tiếp tục thử nghiệm trong vụ nuôi thứ 2.

- Như vậy, hiệu quả của chế phẩm EM bước đầu đã thấy rõ. Thế nhưng, hiện nay, có 2 vấn đề mà người nông dân quan tâm, đó là giá của chế phẩm còn cao và liệu nó có phù hợp với các chân đất khác (không phải chân đất của mô hình) hay không?

+ Qua nghiên cứu về chế phẩm EM, chúng tôi có thể khẳng định là nó phù hợp với nhiều chân đất khác nhau. Để chứng minh cho điều này, chúng tôi sẽ đưa EM vào sử dụng trên cây đậu phộng ở thôn Bình An (xã Phước Thành) là chân đất cát bạc màu trong vụ tới. Về giá cả của EM, trước đây quả là có cao, vì đó là giá thực nghiệm khoa học. Vì là giá thực nghiệm khoa học nên ngoài giá nguyên liệu và thành phẩm, còn có thêm rất nhiều chi phí khác trong giá thành. Tuy nhiên, khi EM được sản xuất và cung cấp cho nông dân, thì giá cũng tương đối "mềm", chỉ từ 2.500 - 2.800 đồng/kg Bokashi (một dạng của EM) và các dung dịch khác. Nếu so với phân vô cơ, hiện u rê giá 4.500 đ/kg, thì giá EM chưa tới 2/3, trong khi nếu sử dụng Bokashi thì không cần phải sử dụng u rê, NPK. Điều này đã được chứng minh trong thực nghiệm.

- Chúng tôi được biết, đề tài mà các ông đang thực hiện sẽ tiến hành đến tháng 6-2005. Vậy từ đây đến đó, đề tài còn làm những công việc gì nữa?

+ Chúng tôi sẽ tiếp tục thực nghiệm trong các vụ khác, trên các loại đối tượng (lúa, rau, đậu phộng, con tôm, con heo, và cả trên cây mía) để cuối cùng rút ra một điều quan trọng, theo ý đồ của tỉnh, là làm thế nào đưa chế phẩm EM - một loại phân bón không gây độc hại, cho dù nó dính lên người, lên quần áo, đồng thời giảm bớt việc dùng phân vô cơ (chỉ cho năng suất nhất thời, nhưng gây suy giảm dinh dưỡng của đất). Với EM, yếu tố dinh dưỡng của đất được tăng lên, giữ cho môi trường đất trở nên sạch sẽ hơn và bảo đảm tăng khả năng kháng bệnh của các loại cây trồng, vật nuôi.

- Xin cám ơn PGS-TS!

. Khánh Hoàng (thực hiện)

 

Đề tài khoa học "Nghiên cứu quy trình sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh hữu hiệu EM phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại Bình Định" thực hiện từ tháng 6-2003 đến tháng 6-2005, có tổng kinh phí gần 520 triệu đồng. Mục tiêu của đề tài:

- Xác định những tác động có lợi của các chế phẩm EM đến các đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp, môi trường đất, nước ở địa phương, từ đó phổ biến ứng dụng rộng rãi trong nông, lâm ngư nghiệp ở Bình Định.

- Xây dựng quy trình sản xuất và quy trình ứng dụng thuận tiện, phù hợp với các điều kiện của địa phương để phổ biến cho nông dân.

- Tổ chức sản xuất và tiêu thụ làm cơ sở cho việc sản xuất và tiêu thụ (trong tỉnh và có thể ngoài tỉnh) sau khi kết thúc đề tài.

- Bước đầu tạo ra lượng EM thứ cấp (400.000 lít EM thứ cấp/năm và 300 tấn Bokashi các loại/năm; và hoàn thiện công nghệ sản xuất EM thứ cấp tại địa phương.

(Nguồn: Trung tâm tư vấn đầu tư và phát triển khoa học công nghệ - môi trường tỉnh Bình Định)

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ưu tiên xét tuyển những thí sinh người dân tộc thiểu số và vùng khó khăn   (13/08/2004)
Đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có thêm điều kiện thoát nghèo  (12/08/2004)
Mô hình trường bán công ở Hoài Ân khó phát triển   (10/08/2004)
BIDIPHAR sẽ không phụ lòng tin yêu của người tiêu dùng  (05/08/2004)
Hải quan Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn nói gì về lô hàng 20 tấn bao bì nhựa PP?  (04/08/2004)
Tạm ngưng nhập giống gia cầm là nhằm kiểm soát dịch cúm gia cầm được tốt hơn   (03/08/2004)
Hội chợ sẽ được tổ chức quy mô và hoành tráng  (01/08/2004)
Toàn tỉnh có trên 60 hồ chứa nước đang bị xuống cấp   (29/07/2004)
Ưu tiên bán nhà cho CBVC nhà nước, LLVT, người lao động chưa có nhà   (28/07/2004)
Nguy cơ tái dịch cúm gia cầm ở Bình Định là không lớn  (21/07/2004)
Cam kết thu mua bông vải với giá có lợi cho nông dân   (20/07/2004)
Hướng hoạt động của Mặt trận đến các khu dân cư và hộ gia đình   (19/07/2004)
Sẽ thả ong ký sinh diệt bọ dừa trên toàn tỉnh  (14/07/2004)
Trong thời điểm hiện nay, tỉnh Bình Định không chủ trương tăng giá đất   (08/07/2004)
Tuyến đường bay Quy Nhơn - Đà Nẵng hoạt động tương đối ổn định   (02/07/2004)