Đưa cây lúa lai vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng lúa nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân là chủ trương lớn của tỉnh. Nhưng đến nay, cây lúa lai vẫn chưa được nông dân đưa vào sản xuất đại trà. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Hồ Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh - xung quanh vấn đề này.
* Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn lúa lai, nhưng không được nhân rộng. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
|
Nông dân huyện An Nhơn thu hoạch lúa hè thu |
- Trách nhiệm của ngành là lựa chọn các loại giống lúa mới có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai của các địa phương để xây dựng các mô hình trình diễn nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân và làm cơ sở cho các địa phương đánh giá nhân ra diện rộng. Còn việc mô hình có được nhân ra diện rộng hay không là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân ở địa phương. Thực tế từ năm 1993, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn lúa lai 2, 3 dòng, và gần đây là lúa lai Nhị ưu 838. Những loại giống này đã được sản xuất tại các huyện miền núi còn khó khăn về lương thực, năng suất đạt 65 tạ/ha, cao hơn gấp 2 lần so với lúa nước ở địa phương. Còn đối với các xã đồng bằng như Phù Cát, Hoài Nhơn thì năng suất đạt trên 70 tạ/ha. Trước đây, UBND tỉnh hỗ trợ lúa giống nên phong trào đưa cây lúa lai vào sản xuất phát triển khá, diện tích khoảng 300 ha. Tuy nhiên vài năm gần đây, phong trào này đã giảm xuống. Nguyên nhân là do nhận thức của bà con nông dân về cây lúa lai còn hạn chế. Họ cho rằng, giá lúa giống hiện nay quá cao và chỉ sản xuất được một vụ chứ không thể lấy giống để sản xuất cho vụ sau như các loại giống lúa khác. Hơn nữa, bà con còn e ngại khi phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua giống, vận chuyển… sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, nên họ không dám mạnh dạn mua giống về để sản xuất. Đã thế, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề quy hoạch vùng sản xuất lúa lai; chưa tích cực vận động nông dân đưa cây lúa lai vào sản xuất.
* Như vậy, trách nhiệm của ngành trong vấn đề này như thế nào?
- Trách nhiệm của ngành là phải giải quyết được khâu giống, bằng cách sản xuất hạt giống lai F1 tại chỗ để giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm cho phù hợp với điều kiện kinh tế của nông dân. Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.
Lúa lai Nhị ưu 838 có khả năng sản xuất trên chân đất 2 vụ lúa/năm, giá lúa giống là 21.000 đồng/kg, lượng giống gieo sạ trên một sào khá ít - chỉ 2,5 kg, được đánh giá là cho hiệu quả kinh tế cao.
Tại 2 xã Cát Hưng và Cát Thắng (Phù Cát) đối chứng với giống lúa IR13-2 cho thấy, năng suất lúa lai Nhị ưu đạt từ 70-71 tạ/ha, cao hơn 12 tạ/ha so với giống lúa IR13-2; tổng thu nhập là 12,9 triệu đồng, lãi ròng 6,1 triệu đồng, cao hơn giống lúa đối chứng từ 2-3 triệu đồng/ha. |
Hiện nay, Sở NN-PTNT đang lập đề án phát triển cây lúa lai giai đoạn 2004-2010 trình UBND tỉnh xem xét. Đề án đề cập đến vấn đề quy hoạch vùng sản xuất; tạo nguồn giống tại chỗ và đề xuất một số chính sách hỗ trợ tiền giống ban đầu cho nông dân…. Dự kiến diện tích lúa lai hàng năm đạt trên 20.000 ha, sản xuất chủ yếu trên chân đất 2 vụ lúa/năm ở các xã khu đông Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát… Vụ đông xuân 2004-2005, Sở sẽ chỉ đạo cho Trung tâm Khuyến nông chọn địa điểm để xây dựng các mô hình trình diễn, diện tích khoảng 40 ha lúa lai F1 để chuyển giao kỹ thuật cho và lấy giống cung ứng cho nông dân sản xuất. Mặt khác, chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng tổ chức sản xuất hạt giống lúa lai F1, và chọn một số HTX có điều kiện, kinh nghiệm sản xuất lúa giống, tiến hành sản xuất giống lúa lai trên chân đất 2 vụ, khoảng vài chục ha, sau đó mở rộng trên chân ruộng 3 vụ ở vụ đông xuân và vụ thu. Sở cũng đã cử cán bộ đi học tập kỹ thuật ở các tỉnh phát triển cây lúa lai để về hướng dẫn cho nông dân.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng cần quan tâm đến việc quy hoạch vùng sản xuất lúa lai, phối hợp với ngành và các hội-đoàn thể vận động nông dân đưa cây lúa lai vào sản xuất trên chân đất vụ đông xuân, vụ thu, để nâng cao năng suất chất lượng lúa, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Vụ đông xuân là vụ sản xuất quan trọng, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa trong năm, nếu bố trí sản xuất lúa lai kết hợp với sản xuất lúa thuần diện tích khoảng 20.000 ha/năm, tổng sản lượng lương thực của Bình Định sẽ đạt cao hơn nhiều so với hiện nay.
. Phạm Tiến Sỹ (thực hiện) |