Việc học sinh (HS) từ các huyện "đầu quân" về Trường chuyên Lê Quý Đôn mỗi năm một tăng đã làm cho chất lượng HS giỏi ở trường có một bước chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên khi số lượng học sinh tăng, nhà trường đã gặp không ít khó khăn về chỗ ở nội trú cho các em.
* Năm học 2004-2005, trường có 121 HS từ các huyện trúng tuyển vào lớp 10, chiếm tỷ lệ 54,5%. Chắc chắn sẽ là áp lực đối với nhà trường về việc lo chỗ ở nội trú?
|
Học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn trong Lễ khai giảng năm học mới |
- Hiện nay chỉ còn 113 HS ở huyện trúng tuyển vào lớp 10 nhập học. Số còn lại, có lẽ do gia đình khó khăn, HS không thỏa mãn về lớp chuyên và không có chỗ ở nội trú... nên đã xin rút. Hiện trường có khoảng 300 HS có nhu cầu ở nội trú nhưng khu nội trú của trường chỉ đáp ứng được 60 chỗ. Để khắc phục tình hình này, được sự động viên của trường, các em lớp 11, 12 đã tự nguyện nhường chỗ cho các HS lớp 10 còn "lạ nước, lạ cái". Và mới đây, ngày 30-8, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh đến làm việc với trường về hướng "xây dựng và phát triển" đã nhất trí giao cho trường xây dựng một đề án phát triển nhà trường từ nay đến 2010 bao gồm các vấn đề: xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, quy hoạch trường để xây dựng thêm phòng học, phòng thí nghiệm, khu nội trú cho HS... theo tinh thần "đầu tư không hạn chế...". Do đó, hy vọng HS trường chuyên sẽ có đủ chỗ ở nội trú trong tương lai.
* Dư luận cho rằng, một số HS trúng tuyển vào lớp 10 trường chuyên năm nay không đủ điểm để xét tuyển vào các trường công lập không chuyên?
- Đúng là có tình trạng này. Vừa qua, trường đã thống kê điểm tốt nghiệp của số HS đã trúng tuyển vào trường thì có đến 131/643 HS (20,37%) có tổng điểm thi tốt nghiệp dưới 50 mà với số điểm tốt nghiệp dưới 49 thì HS khó có thể trúng tuyển vào các trường THPT công lập chứ đừng nói là vào chuyên. Thực tế giảng dạy đã chứng tỏ, những HS này sau khi vào trường thường không phát huy được khả năng học tập, tư duy yếu làm cho quá trình đào tạo HS giỏi của trường gặp nhiều khó khăn.
* Có phải điều đó có nguyên nhân từ khâu tuyển sinh còn bất cập?
- Việc tuyển sinh vào trường do Sở GD-ĐT thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT: tổ chức thi 3 môn: Văn - Tiếng Việt, Toán và môn chuyên. Điều kiện dự thi là HS có kết quả xếp loại học lực khá, môn thi chuyên phải đạt kết quả từ 8,0 trở lên, riêng môn Văn và tiếng Anh phải từ 7,0 trở lên. Tuy nhiên, do quy định từ Bộ chưa phù hợp với thực tế nên một số trường chuyên của các tỉnh khác đều "xé rào" làm theo những cách riêng của mình. Đối với Bình Định, tôi cho rằng thực hiện theo quy chế của Bộ cũng được nhưng cần phải có thêm quy định về điểm sàn tốt nghiệp khi đăng ký thi vào trường chuyên.
* Gần đây một số báo có đưa tin Trường chuyên Lê Quý Đôn "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong tuyển sinh, ông có thể cho biết thực, hư như thế nào?
- Những thông tin trên báo chí về hoạt động của nhà trường là cần thiết và đáng hoan nghênh. Song nếu thông tin không đúng sự thật có thể tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của trường. Việc các báo đưa tin trường "vừa tổ chức dạy luyện thi, vừa ra đề thi, vừa chấm thi, xét tuyển" là hoàn toàn sai sự thật vì toàn bộ các khâu của kỳ thi tuyển sinh vào trường năm học 2004-2005 đều do Sở GD-ĐT thực hiện. Không có một GV nào của Trường Lê Quý Đôn tham gia ra đề thi, coi thi, chấm thi... Còn việc GV trường chuyên tổ chức ôn luyện cho HS có nguyện vọng thi vào trường là nhằm mục đích giúp HS, nhất là HS ở các huyện làm quen với một vài dạng bài tập nâng cao mà đề thi vào trường chuyên không thể không có. Bên cạnh đó, nếu trúng tuyển vào trường, các em đã có nền kiến thức cơ bản hơn để học chuyên.
Qua thực tế, việc tổ chức luyện thi đã thu hút nhiều HS ở các huyện xa xôi mạnh dạn thi vào trường chuyên, khiến cho tỷ lệ HS ở huyện trúng tuyển vào trường tăng đáng kể. Điểm yếu của các HS trường huyện là mặt bằng kiến thức chưa được toàn diện so với HS ở thành phố. Nhưng một khi đã vào được trường chuyên, các em nhanh chóng khẳng định "ưu thế" của mình. Trong những năm qua, phần lớn các giải HS giỏi mà HS nhà trường đạt được đều có sự góp mặt của HS từ các trường huyện trước đây.
* Xin cảm ơn ông!
. Ngọc Quỳnh (thực hiện) |