Từ tháng 4-2004, các giáo viên (GV) dạy lớp học linh hoạt của TP Quy Nhơn chưa được nhận sinh hoạt phí đứng lớp theo quy định của thành phố. Ông Phan Văn Chung, Phó Trưởng phòng GD-ĐT, đã trả lời PV Báo Bình Định về vấn đề này.
* Thưa ông, một số GV dạy các lớp học linh hoạt đang gặp khó khăn vì từ tháng 4-2004 đến nay chưa nhận được "lương"?
- Xin được nói rõ, đây là khoản trợ cấp sinh hoạt phí chứ không phải là tiền lương cơ bản. Khoản trợ cấp này được chi trả bằng nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học (XMC-PCGDTH) với mức chi theo quy định trước đây của Sở GD-ĐT là 100.000 đồng/GV/lớp (lớp có từ 20 HS trở lên) - 80.000 đồng/GV/lớp (11-19 HS) và 60.000 đồng/GV/lớp (8-10 HS).
|
Lớp học linh hoạt của thầy Nguyễn Đức Lợi ở khu vực 7 phường Lê Lợi |
Hiện tại, thành phố vẫn đang duy trì khoảng 20 lớp học linh hoạt với 16 GV giảng dạy. Với mức chi trả này, một số GV gặp khó khăn do chỉ sống bằng thù lao giảng dạy từ các lớp này. Nhờ kinh phí chương trình mục tiêu XMC-PCGDTH những năm trước đây "thừa" không sử dụng hết... nên Phòng GD-ĐT đã tham mưu với UBND TP Quy Nhơn nâng mức sinh hoạt phí của GV các lớp học linh hoạt lên ngang bằng với mức lương tối thiểu (290.000 đồng- 220.000 đồng-150.000 đồng) và bắt đầu thực hiện từ năm 2003.
Tuy nhiên, từ năm 2004, kinh phí chương trình mục tiêu XMC-PCGDTH của thành phố đã bị cắt giảm. Để thanh toán sinh hoạt phí cho GV các lớp linh hoạt trong năm 2004, Phòng GD-ĐT cần phải chi gần 67 triệu đồng trong khi kinh phí chương trình, mục tiêu chỉ còn 10 triệu đồng (năm 2003 là 40 triệu đồng). Với mức kinh phí như trên, chúng tôi chỉ đủ để trả sinh hoạt phí cho GV đến hết tháng 3-2004.
* Vậy phòng GD-ĐT đã tính toán giải pháp nào để tiếp tục trả sinh hoạt phí cho GV các lớp linh hoạt?
- Phòng GD-ĐT sẽ chỉ đạo cho các trường tìm một khoản nào đó để tạm ứng cho GV. Nếu không, chỉ còn cách phải lấy tiền từ ngân sách giáo dục để chi trả. Chúng tôi sẽ tham mưu với UBND thành phố về việc này.
Tuy nhiên, nếu lấy tiền từ ngân sách để chi trả sinh hoạt phí cho GV các lớp học linh hoạt theo mức lương tối thiểu thì đòi hỏi người giảng dạy phải đạt chuẩn về trình độ đào tạo và đảm bảo giảng dạy đúng phương pháp. Trong khi đó, hầu hết GV dạy các lớp linh hoạt thường không đảm bảo các yêu cầu này. Phần lớn họ là những người có chút ít về kiến thức sư phạm, tham gia dạy bằng lòng nhiệt tình là chính và mức độ yêu cầu giảng dạy cho HS các lớp này không cao (biết đọc, biết viết - hết mức 3 chương trình phổ cập). Dạy các lớp học linh hoạt lại không quy định thời gian dạy học cụ thể, HS có thể đến lớp vào bất kỳ thời gian nào thuận lợi, lớp học lại có nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi, trình độ HS khác nhau…
Mặt khác, việc quản lý các lớp học linh hoạt hiện nay vẫn còn lỏng lẻo nên một số gia đình nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm, tìm cách đưa con vào học các lớp học linh hoạt để bớt chi phí học tập và không phải đóng góp. Tình trạng GV "giữ" HS nhiều năm ở một lớp để giảng dạy còn khá phổ biến. Thực tế trên giấy tờ, số lượng HS học phổ cập hiện nay khoảng 300 em nhưng mỗi năm chỉ có khoảng vài em học hết mức 3 được tổ chức thi và "hòa nhập" vào trường phổ thông.
Với tỉ lệ huy động HS vào lớp một hàng năm khá cao, tỉ lệ HS bỏ học thấp, TP Quy Nhơn đang tiến tới PCGDTH đúng độ tuổi. Thực hiện mô hình lớp học linh hoạt, thực chất là chúng tôi đang làm công tác xã hội (vì đối tượng theo học chủ yếu là trẻ lang thang, cơ nhỡ từ nơi khác đến). Do đó, bên cạnh sự tổ chức của ngành GD-ĐT, cần phải đẩy mạnh "xã hội hóa" sự chăm lo cho các em. Hiện nay, đã có một số địa phương thực hiện việc trợ cấp sinh hoạt phí cho GV như phường Nhơn Bình trợ cấp thêm 120.000 đồng/GV/tháng, các phường Hải Cảng, Lê Lợi hỗ trợ 50.000 đồng/GV/tháng…
. Ngọc Quỳnh (thực hiện) |