Trong ma trận điện thoại di động
11:25', 28/10/ 2003 (GMT+7)

Chỉ cần một căn phòng mặt tiền, một chiếc tủ kính treo tường, một tủ kính đứng, vài chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ), ít linh kiện, mô hình, dăm tờ poster giới thiệu mẫu ĐTDĐ mới là đã có thể thành lập cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ. Tuy nhiên để không phải ôm hận mà rút lui không kèn không trống khỏi lĩnh vực kinh doanh đầy... hầm hố này, cái mà người ta cần nhất là kiến thức về ĐTDĐ và những miếng võ nhận diện ĐTDĐ dỏm.

* Lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận cao

Hiện trên địa bàn Bình Định có khoảng 40 điểm KDĐTDĐ, trong đó chủ yếu tập trung ở Quy Nhơn (khoảng 30 điểm). ĐTDĐ xịn được trưng trong tủ kính cửa hàng chủ yếu là những loại giá trung bình (từ 2,5 triệu đồng/chiếc trở xuống), giá bán đã ổn định, không còn biến động nhiều (Nokia 3310, 8210, 8250; Siemen C35, M35, C35; Samsung N620, A800, A200, A300…). Những chiếc ĐTDĐ có giá từ 4 - 10 triệu/chiếc (Nokia 8910i, 7650, 6800, 3650, 6100, 6610; hoặc SamSung V200i, T400, T100...) thường chỉ có... mô hình. Nguồn hàng của Quy Nhơn được lấy từ TP.HCM, tuy nhiên giá ĐTDĐ bán tại Quy Nhơn so với TP.HCM chênh lệch không nhiều. ĐTDĐ giá càng cao mức lãi càng lớn. Một chiếc ĐTDĐ giá 2 triệu đồng bình quân có thể đem lại cho người bán mức lãi chừng 80.000 đ - 100.000 đồng. Tỷ lệ vốn đầu tư với mức lãi như vậy xem ra khá cao.

Nói về ĐTDĐ phải phân biệt hai nhóm: Hàng xách tay và hàng công ty. Hàng xách tay là hàng có nguồn gốc là quà biếu, do người đi công tác ở nước ngoài mang về , nhưng chủ yếu là do nhập lậu. Thông thường khi báo giá ĐTDĐ, người ta chỉ nói đến giá của hàng xách tay. Hàng xách tay cũng có đầy đủ các điều kiện, chế độ bảo hành như hàng công ty. Hàng công ty là những sản phẩm do nhà sản xuất. (Nokia, Siemens, Samsung...) ủy thác cho các doanh nghiệp trong nước phân phối. T - chủ một hiệu ĐTDĐ ở Quy Nhơn cho biết: "Điểm khác nhau giữa hai nhóm sản phẩm ĐTDĐ là với hàng xách tay chủ sở hữu không được gia nhập các câu lạc bộ sản phẩm chính hiệu để download trò chơi điện tử, tải chuông, hình ảnh về máy... Những quyền lợi khác hầu như không có ý nghĩa, giá trị thực tế nào. Nhưng hàng công ty đắt hơn hàng xách tay rất nhiều, ví dụ như giá một chiếc Nokia 6610 "hàng xách tay" chỉ 3,6 - 3,7 triệu đồng, trong khi đó hàng công ty lên tới mức 4,5 - 4,6 triệu đồng. Trước đây người tiêu dùng còn hy vọng rằng hàng công ty có chất lượng cao hơn. Nhưng sau vụ án "Đông Nam" khái niệm công ty hay xách tay đã mờ nhạt trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Vả lại ở Quy Nhơn, ngay tại những cửa hàng ủy thác, lượng máy xách tay bán ra bao giờ cũng nhiều hơn máy công ty".  Nói như vậy hóa ra hai nhóm máy: công ty và xách tay đều y như nhau sao? Tôi hỏi. Không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, T. cười ý nhị: "Khác hay giống đến đâu, muốn biết hãy quan sát vào sự lựa chọn của người tiêu dùng. Mình còn buôn bán lâu dài khó nói lắm. Chỉ có điều, hàng công ty thì chắc chắn phải chịu thuế, còn hàng xách tay thì... tùy người mua. Phải xác nhận rằng buôn bán ĐTDĐ là lĩnh vực kinh doanh có mức lợi nhuận cao, nói lời ít là vô lý vì hầu hết các ông chủ tiệm kinh doanh ĐTDĐ đều khá giả cả. Nhưng rủi ro cũng ghê lắm. Lớn thuyền lớn sóng mà.". Mua bán ĐTDĐ khá đơn giản cho cả người mua lẫn người bán, nhưng nói đây là lĩnh vực kinh doanh nhiều hầm lắm hố, rủi ro cao là nói đến mảng mua bán ĐTDĐ cũ.

* Những miếng võ trong mua bán ĐTDĐ cũ

H - một cao thủ trong làng kinh kinh doanh ĐTDĐ đúc kết: "Kinh doanh ĐTDĐ là lĩnh vực mang lại lợi nhuận rất cao. Đó là một thực tế mà mình không thể không xác nhận. Nhưng kèm theo đó mức rủi ro cũng rất lớn. Để đứng được trong thị trường này ai cũng phải dăm ba lần bị sập hố, bị ăn quả lừa, mẹo lừa nhau ngày càng tinh vi nên không thể nói rằng tích lũy kinh nghiệm đến đâu thì đủ, còn bán hàng là còn phải chuẩn bị tinh thần mà trả học phí. Đường kinh doanh cái món này đầy những hầm hố, không cẩn thận là lỗ trắng mắt có ngày.".

Nếu có nhu cầu mua ĐTDĐ mới, người tiêu dùng thường đến cửa hàng lớn. Tại các cửa hàng nhỏ lẻ, điện thoại cũ mới là... nồi cơm. Anh Hùng - một người kinh doanh ĐTDĐ ở Quy Nhơn cho biết: "ĐTDĐ càng đắt tiền thì lại càng chóng rớt giá. Vài ba tuần mà không tiễn "cháu nó" đi là đã thấy mất dăm bảy trăm ngàn có khi cả tiền triệu. Cửa hàng nhỏ, thảng hoặc mới bán được một hai cái, lãi được bao lăm! Nhưng với ĐTDĐ cũ thì mang đến bao nhiêu chúng tôi thu bấy nhiêu. Mua máy cũ rất sướng. Người ta đã cần tiền, đã có ý đổi máy thì thiệt một hai trăm ngàn không thành vấn đề. Nói vài câu là cuộc mua bán hoàn thành. Đầu vào đã vậy mà đầu ra lại còn sướng hơn. Khách hàng có nhu cầu mua máy cũ rất lớn, hầu như chưa khi nào có sẵn nhiều máy để khách hàng lựa chọn cả, máy cũ hầu như không bị rớt giá. Máy mới đứng trong tủ một tuần là đã phát rầu. Máy cũ có đứng một tháng cũng không hề gì. Cốt ở chỗ mình phải đánh giá cho đúng".

Vâng, đã đành là chỉ cần đánh giá đúng là sẽ mua được máy, là có lãi nhưng không phải ai cũng có được đôi mắt tinh tường để thẩm định món hàng. Nếu mọi việc cứ suông sẻ như vậy thì chẳng đến nỗi có chuyện nhân viên cửa hàng này hễ nghe nhắc đến tên anh X chị Y ở cửa hàng nọ là bỗng nhiên tức điên người lên. Đằng sau vụ mua bán ĐTDĐ cũ đã xảy ra không ít cảnh kẻ khóc, người cười. Tuyết - cô nhân viên bán hàng của một cửa tiệm ĐTDĐ trên đường Lê Hồng Phong ngán ngẩm: "Em mới dính "phốt" một quả Nokia vô nước, mà bị lừa bằng cái mánh cũ rích mới bực chứ. Nó mang máy tới bán, em xem, thấy máy tốt nên định giá cũng mau. Nhưng nó không đồng ý. Nói tào lao một hồi, rồi nó đi về, ra đến cửa thì ai gọi nó gì đó. Thưa máy xong, nó quay lại tháo sim, đồng ý bán. Em thu máy, đếm tiền đưa đủ. Toàn bộ từ đầu đến đuôi đều diễn ra trước mắt mình vậy mà bị lừa hỏi có tức không, chỉ từ bàn ra cửa thôi mà nó đã tráo máy được!".

Mua nhầm ĐTDĐ mà đã vô nước hoặc hư nặng không ai dám bán tiếp cho khách. Vì trước sau gì họ cũng sẽ trả lại, chỉ tổ mất uy tín. Nhưng không vì thế mà các cửa hàng chịu chấp nhận thương đau. Không bán lại cho khách hàng thì số ĐTDĐ vô nước hay gặp sự cố ấy sẽ về đâu? Anh D - chủ một cửa hàng buôn ĐTDĐ đường Lý Thường Kiệt, nói: "Còn đi về đâu nữa, nếu ĐTDĐ còn sửa được thì sửa lại cho ổn định rồi bán cho khách hàng. Còn nếu như sửa hoài mà không đựợc thì phải nhờ người mang đến cửa hàng khác hoặc đến tiệm cầm đồ nào đó mà... đánh tháo chứ chẳng lẽ ôm máy chịu mất trắng ư. Lỗ đến đâu cũng phải "giải".

Giải xong những quả ĐTDĐ "đắng" ấy, chủ cửa hàng bao giờ cũng lưu ý đệ tử rất kỹ về "của nợ" để tránh mua nhầm chúng thêm một lần nữa. Nhiều người trước khi "đẩy" đi đã rất cẩn thận trong việc "mông má" và không quên ghi lại mã số của nó để đề phòng. Tuy nhiên, không ít lần họ đã giật bắn người lên vì nhìn thấy chính cái điện thoại của nợ lù lù trong tủ kính vì sự thiếu cảnh giác của nhân viên mua hàng. Nhưng "đắng" như chuyện V - một nhân viên mua hàng thuộc loại cao thủ của một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) bị lừa thì thậm chí đã trở thành bài học kinh điển mà giới kinh doanh điện thoại hay lấy đó để giảng lại cho đệ tử. Lần đó V mua nhầm một chiếc máy đã bị "ô mô hoá" (những chiếc tửDĐ mà người sử dụng bỏ quên trong túi quần áo sau đó đem giặt bằng máy giặt tiếng lóng gọi là "ô mô hóa"), người bán máy vừa đi khuất cũng là lúc V ta phát hiện ra mình mua hớ. Vừa xấu hổ, vừa bực mình lại không tiện nói với nhân viên vì khi đó cửa hàng đang đông khách, V lẳng lặng phóng xe đi nhờ bạn bè giải phóng ngay chiếc điện thoại. Chiếc điện thoại được giải rất mau, V và bạn bè di uống cà phê gọi là xả xui. Uống cà phê xong vừa về đến nhà, V tức đến tái mặt vì thấy cái điện thoại "ô mô hóa" đã lại lù lù trong tủ kính...

* Ai bảo vệ quyền lợi người sử dụng ĐTDĐ?

Theo thống kê của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam, mỗi năm có khoảng 750.000 ĐTDĐ đăng ký mới. Thế nhưng lượng máy đăng ký làm thủ tục hải quan chỉ khoảng 200.000 chiếc. Điều này cho thấy có trên 70% lượng ĐTDĐ là hàng nhập lậu, và thị trường ĐTDĐ ở Quy Nhơn không phải là ngoại lệ. ĐTDĐ chịu thuế cao vì vậy, chênh lệch giá giữa hàng nhập lậu với hàng nhập chính thức rất lớn.

ĐTDĐ là sản phẩm của công nghệ cao (HighTech), nhà sản xuất lại liên tục thay đổi mẫu mã nên để làm giả ĐTDĐ là không phải dễ. Chỉ có điều các hãng sản xuất ĐTDĐ áp dụng tiêu chuẩn chất lượng khác nhau cho riêng từng vùng. Chẳng hạn, một chiếc ĐTDĐ Nokia sản xuất ở châu Âu thường có chất lượng cao hơn chiếc Nokia sản xuất ở Đông Nam Á hoặc tại Trung Quốc, dù Nokia vẫn tuyên bố ra rả rằng Nokia chỉ có một tiêu chuẩn chất lượng... Theo nhiều người kinh doanh ĐTDĐ, hiện trên thị trường Quy Nhơn xuất hiện nhiều loại ĐTDĐ sản xuất tại Trung Quốc, trong đó chủ yếu là Nokia với các loại Nokia 8250, Nokia 8210, Nokia 3310…. Nếu tính chung các loại ĐTDĐ thì khoảng 50% được sản xuất từ Trung Quốc. Chính vì vậy, nhiều người đã bỏ tiền cả núi tiền ra lên đời máy những không chắc đã lấy được hàng xịn".

Trong tình hình thị trường ĐTDĐ hãy còn tranh tối trang sáng như hiện nay, có  một thực tế không thể phủ nhận là ĐTDĐ nhập lậu vẫn sẽ tiếp tục sống khỏe. Người tiêu dùng đành phải tự cứu mình trước khi tình hình sáng sủa hơn.

. ANH TÚ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chị dâu   (25/09/2003)
Còn lại   (25/09/2003)
Đi đường   (25/09/2003)
Nói với con   (25/09/2003)
Thu   (25/09/2003)
Vọng   (25/09/2003)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san   (25/09/2003)
Lời nói dối nhân ái   (25/09/2003)
Chuyện vui dịch sách   (25/09/2003)
Tướng về hưu   (25/09/2003)
Ngày tàn của XM Trung Quốc đã điểm?   (25/09/2003)
Hợp tác phát triển cảng biển giữa các nước ASEAN   (25/09/2003)
Bảo vệ nguồn nước - Vấn đề cấp thiết   (25/09/2003)
Những người bạn của nông dân   (25/09/2003)
Một động lực phát triển mới của Tuy Phước   (25/09/2003)