Em,
Chắc em sẽ ngạc nhiên khi chuyện kể lần này về Quy Nhơn anh là cây bông giấy.
Khi xây những dàn hoa bằng bê tông cốt thép dọc bờ biển cách đây ngót nửa thế kỷ, những nhà thiết kế đã nhìn thấy ưu điểm lớn của loại hoa này là rực bông quanh năm; sắc tím hồng, đỏ, trắng không một chút ăn nhập với rừng dương vi vút gió, với tán dừa xanh và biển biếc ngoài xa, nét chấm phá tươi tắn này như cái gạch nối giữa thời gian và hiện hữu: phố- biển!
Dàn thì vẫn đứng đó hư hao cùng tuế nguyệt, hoa còn lại cây cuối cùng đã thành cổ thụ gốc to bằng thân người, tỏa bóng. Nếu em biết rằng loài hoa cành vươn dài luôn cần dàn đỡ này rất dễ bị hủ gốc thì cây cụ giấy tuổi ngũ thập như một điều kỳ diệu! Rất nhiều thế hệ xích lô ngồi dưới bóng cây giấy này đợi khách, trong đó có một nhà văn. Có lần người ta định chặt bỏ nó đi, những người xích lô phản ứng quyết liệt. Chỉ đơn thuần muốn giữ một bóng mát quen, hay linh cảm về một niềm trân trọng lặng lẽ những dấu tích thời gian mà bóng hoa hồng tím trên đầu chưa rơi vào quên lãng?
Quy Nhơn anh giờ đã có những đại lộ xinh xắn bồn cỏ cây cảnh xén tỉa công phu, đã có rừng trong phố, một Quy Nhơn đang xanh từng ngày và dần hiện đại. Đó chỉ là phố xá. Con người ở đây chắc còn lâu mới hết nếp sống êm đềm bình lặng tỉnh lẻ, rỉ rả cà phê và long rong cùng bạn tâm giao. Biển chất phác chưa khoe áo tắm. Và, vẫn là một Quy Nhơn ứng xử hướng nội thuần khiết thuở nào.
Bông giấy giờ đã bắt đầu nhiều trong trang trí các công sở. Loài hoa mộc mạc, gần gũi luôn khiêm tốn đứng tốp sau trong suy nghĩ con người vẫn lặng lẽ có mặt mọi nơi con người cần đến. Em hãy tin rằng không có mối liên tưởng cố ý nào ở đây cả. Những đường phượng vĩ, me tây già cỗi đã lại mọc lên những hàng cây trẻ trung khác. Một cây bông giấy mỏng mảnh tồn tại, gắn bó với những người đạp xích lô, cả một ông nhà văn già nữa, có gì đáng nói?
Có lần vì một sai lầm ngớ ngẩn người ta đã làm chết cả chục cây sao xanh tuổi trăm gần đó, những cây sao cùng thời nhà thờ Lòng Sông. Những hàng keo da diết tiếng ve thời Xuân Diệu "Mặc quần xà lỏn vác khèo nèo" đã từ lâu không còn nữa. Trong sự phát triển, thành phố đã có những đổi thay xa lạ với chính nó. Điều này quá hiển nhiên như giờ không còn tiếng rao đêm người bán ăn khuya. Biết rằng ở ngã tư kia có hàng quán sáng ánh điện, ký ức thỉnh thoảng vẫn vọng lại tiếng lộc cộc chiếc xe đẩy, ánh đèn dầu và âm thanh vang rền "Ph…ở…!". Ký ức, là văn hóa!
Và, em hãy tin rằng cây bông giấy già của Quy Nhơn anh tự nó, bằng cái cách rất riêng của mình, đã lặng lẽ đứng cạnh con người nơi đây trong miền tâm cảm rụt rè: tồn tại và lãng quên…
L.H.L
|