Hội Tin học Bình Định (Hội THBĐ) ra đời và đặt ra các mục tiêu hoạt động là: phổ biến TH, khuyến khích tài năng TH trẻ; tư vấn, giám định, phản biện về các lĩnh vực CNTT; hỗ trợ công tác gọi thầu và kiểm định chất lượng công trình các hệ thống thông tin… Nhưng có một số người e ngại rằng mục tiêu như thế là quá cao, khó có thể thực hiện được. Có phải vì thế mà phải mất 2 năm để chuẩn bị cho việc thành lập và đã 4 tháng từ khi thành lập đến nay nhưng Hội vẫn im hơi lặng tiếng?
Hội TH Bình Định ra đời trong bối cảnh Bình Định đang chú trọng đầu tư cho CNTT. Sau gần 2 năm triển khai chương trình ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2001-2005, Bình Định đã đạt được một số kết quả như: hình thành Trung tâm hỗ trợ phát triển CNTT, nâng cấp hạ tầng CNTT cho các cơ quan, các huyện, thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng website… Tuy nhiên, những kết quả đạt được nói trên mới là bước đầu, và chỉ mới tạo được sự khởi động phần lớn trong khu vực nhà nước chứ chưa phát huy và tập hợp một cách rộng rãi các nguồn lực xã hội. Cho đến thời điểm này, so với cả nước, trình độ CNTT của Bình Định vẫn chỉ ở mức trung bình.
Hai năm trước lãnh đạo tỉnh BĐ đã nhiều lần động viên những người làm tin học trong tỉnh vận động để Hội THBĐ ra đời. Sở dĩ có động tác này là vì tỉnh muốn Hội TH Bình Định sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy hoạt động CNTT trong tỉnh phát triển. Cụ thể là tập hợp rộng rãi đội ngũ cán bộ CNTT nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT hiệu quả; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí của CNTT trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Mất hai năm vận động là khá lâu nhưng xem ra như vậy còn hơn là không có. Thế nhưng, cho đến nay, sau 4 tháng thành lập, Hội THBĐ vẫn "án binh bất động". Cho dù đó là lý do khách quan vì Hội TH Bình Định tổ chức đại hội từ ngày 14-6-2003 nhưng mãi đến cuối tháng 8-2003 UBND tỉnh mới có quyết định chuẩn y danh sách BCH và phê duyệt Điều lệ hoạt động thì nhiều người cũng sẽ đặt câu hỏi: vậy trong suốt hai năm chuẩn bị để thành lập Hội, những người được coi là có tâm huyết với hoạt động CNTT của tỉnh đã làm những gì?
Ở nhiệm kỳ đầu tiên (2003-2006), BCH của Hội THBĐ có 13 thành viên, do ông Nguyễn Văn Phú – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Quy Nhơn làm Chủ tịch. Hội có 6 ban, gồm: ban đào tạo, ban kiểm tra, ban nghiên cứu phát triển, ban kế hoạch tài chính, ban kỹ thuật công nghệ và ban công tác hội viên; do các thành viên BCH làm trưởng ban. Một người khá am hiểu về CNTT và có tâm huyết với hoạt động phổ biến, ứng dụng CNTT của tỉnh cho rằng: "Hội THBĐ tập trung nhiều quan chức như vậy thì họ lấy thời gian đâu mà lo cho Hội. Hơn nữa, theo tôi, các mục tiêu mà Hội đề ra như thế là kém khả thi. Năng lực CNTT của ta không thể bằng TP HCM (đã ở tuổi 15), Hà Nội, Đà Nẵng được nên đặt ra mục tiêu như họ thì sẽ khó mà đạt được". Còn một vị ủy viên BCH Hội TH Bình Định khi được chúng tôi đề nghị cho nhận xét về các mục tiêu mà Hội đặt ra đã lắc đầu mỉm cười đầy ngụ ý: "Bây giờ thì chưa thể nói gì được!".
Ông Võ Ngọc Anh – Tổng Thư ký Hội THBĐ thẳng thắn cho biết: "BCH chỉ có nhiệm vụ điều phối, tổ chức các hoạt động Hội, còn thực hiện các nhiệm vụ do Hội đề ra là các chuyên gia TH thuộc các ban. Vì vậy, việc BCH Hội có làm được gì hay không thì xin hãy đợi để thời gian trả lời". Cũng theo lời ông Võ Ngọc Anh, hiện Hội THBĐ đang có rất nhiều... dự định. Trước mắt, trong quí IV-2003 Hội sẽ hoàn thành website của mình. Sau đó là xây dựng đề cương đề tài nghiên cứu khoa học "Điều tra thực trạng nguồn nhân lực CNTT tỉnh Bình Định", phát triển hội viên, cấp thẻ hội viên, xúc tiến thành lập Chi hội internet. Còn kế hoạch trong năm 2004 là tổ chức một vài hội thảo về CNTT, tổ chức các hoạt động dịch vụ để gây quỹ, thành lập các chi hội mới. Việc cải tổ BCH Hội bằng sự góp mặt thêm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT cũng đã được tính đến. Ông Đinh Tấn Cường – Trưởng Đài truyền báo truyền số liệu Quy Nhơn (đơn vị trực thuộc VDC Khu vực 3), ủy viên BCH Hội THBĐ cho biết: "Trong khả năng của mình, cơ quan tôi sẵn sàng giúp đỡ về đường truyền, nghiệp vụ cho các hoạt động đưa internet vào trường học, đồng thời tài trợ cho các tài năng TH trẻ của tỉnh".
Việc Hội THBĐ có vươn tới được những mục tiêu mà mình đề ra hay không, bộ máy BCH có làm tốt nhiệm vụ mà họ được tin tưởng giao phó hay không đang nằm trong tầm quan sát của nhiều người. Điều này cũng có nghĩa đang có rất nhiều người đặt hy vọng, niềm tin vào Hội THBĐ – Hội có vai trò là người tổ chức, tập hợp những người làm TH để đưa trình độ CNTT ở Bình Định phát triển lên tầm vóc mới.
. MINH KHƯƠNG |